An sinh vô điều kiện

Những ngày này, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương rà soát để hỗ trợ người dân gặp khốn khó do COVID-19 với mục tiêu không để ai bị đói và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đến nay, người dân TP Hồ Chí Minh đã trải qua 43 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tiếp tục “ai ở đâu ở yên đó” trong 26 ngày nữa (dự kiến đến ngày 15/9). Chưa kể trước đó, từ ngày 31/5, người dân TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND Thành phố.

Việc giãn cách đã khiến nhiều người lao động, người không có việc làm ổn định và thậm chí là đội ngũ công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trong đó không ít là người dân từ các tỉnh về thành phố thuê trọ để đi làm… bị thất nghiệp.

Với rất nhiều người, khi “mồ hôi vừa ráo thì cũng là lúc hết tiền” đã khiến cuộc sống của họ đã khó lại càng khó hơn trong lúc này. Mặc dù đã được các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể hỗ trợ phần nào cái ăn hàng ngày, nhưng bao nhiêu nỗi lo từ tiền điện, tiền nước rồi tiền ăn uống mỗi ngày và cả tiền thuê trọ cũng như nhiều chi phí phát sinh khác đã khiến họ không thể gồng gánh nổi. Khi nguồn dự trữ đã cạn kiệt, sức chịu đựng cũng đã vượt mức giới hạn, cái đói sẽ nhiều người đã phải “liều” để đi ra ngoài kiếm việc làm hoặc phải cùng nhau tìm cách “tản cư” về quê.

Nhìn thấy điều đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh ngoài việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đã song song triển khai 2 đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố cho các đối tượng khó khăn, mất việc… với tổng số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng việc này cũng chỉ giúp một số lượng người dân nào đó ổn định trong thời gian ngắn.

Dù các ngành, các cấp và các đoàn thể, Mặt trận… cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, thế nhưng lượng người khó khăn tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng lên theo thời gian giãn cách. Theo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP Hồ Chí Minh, qua thống kê tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đã ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đang huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho tất cả người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. Lần hỗ trợ này là vô điều kiện, không phân biệt hộ khẩu, ai khó khăn là được hỗ trợ. Dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền mặt và gạo. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ chi từ quỹ an sinh để hỗ trợ tiền thuê trọ cho người dân trong tháng 8 và 9 cũng như triển khai 1 triệu túi an sinh tới người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Để người dân sớm nhận được các gói hỗ trợ an sinh, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân các tỉnh bám trụ lại TP Hồ Chí Minh, không để sót trường hợp nào. Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và cấp phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân ở cả 3 cấp (cấp thành phố, cấp quận/huyện và cấp phường/xã/thị trấn). Trong những ngày giãn cách, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện cấp phát lương thực thực phẩm (các túi an sinh xã hội) tới người dân có hoàn cảnh khó khăn đến ngày 15/9.

Để người dân, người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, tránh tình trạng rời thành phố để sang các tỉnh khác hoặc về quê, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hỗ trợ cho ngân sách thành phố số tiền 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, số hộ lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 1.580.110 hộ, số người lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 4.740.330 người. Mức hỗ trợ tiền ăn là 50.000 đồng/hộ/ngày, hỗ trợ tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, hỗ trợ 15 kg gạo/người…

Dù đã có kế hoạch, tuy nhiên, để người dân yên tâm ở nhà cùng Thành phố chống dịch, công tác hỗ trợ này cần phải thực hiện quyết liệt, triệt để hơn nữa, theo đúng tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để không sót lọt, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bởi, chủ trương của lãnh đạo Thành phố là thế, thế nhưng trong hai đợt hỗ trợ trước đây, rất nhiều người dân gặp khó khăn phản ánh họ không nhận được sự hỗ trợ nào, thậm chí có nơi họ còn không được thông báo để có thể đăng ký hoặc có biết cũng không biết đăng ký ở đâu, với ai… Do vậy, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi các giải pháp đã đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, người có trách nhiệm ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, lúc này cần được quan tâm đặt lên hàng đầu.

Có thể nói, người nghèo, người gặp khó khăn đến thời điểm này họ không biết bám víu vào đâu nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Và để chủ trương đúng đắn của nhà nước nhanh chóng đến với người dân, thì việc không để một người dân nào thiếu đói, dù họ có hộ khẩu hay không có hộ khẩu tại địa phương, là điều mà chính quyền địa phương cần đặt lên trên hết, sau nhiệm vụ chống dịch. Nhiệm vụ này, có lẽ cần sự nỗ lực của từng cá nhân ban quản lý khu phố - những người luôn sát xao với từng người dân, để họ cảm thấy yên tâm.

Cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh hiện còn khá khốc liệt, khi số ca mắc và số ca tử vong ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu chững lại, cũng như thời gian giãn cách có khi còn phải kéo dài. An sinh để an dân trong cuộc chiến này, bên cạnh những y, bác sĩ đang chống dịch ở nơi tuyến đầu, thì những cán bộ địa phương cũng cần phải phát huy tinh thần trách nhiệm, sát cánh với người dân, đúng như tinh thần lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, để từ đó có thể tạo được niềm tin từ người dân; giúp họ an tâm, tích cực đồng hành và trở thành hậu phương vững chắc cùng chính quyền chiến đấu với dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

“Tôi tha thiết kêu gọi toàn thể đồng bào, nhân dân thành phố cùng siết chặt tay, cùng chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để chống dịch; mong người dân thấu hiểu, thông cảm, vượt lên nghịch cảnh, bình tĩnh, cảm thông, đồng hành và thật sự tin tưởng vào sự cố gắng của chính quyền và ngành y tế để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, cùng nhau vượt qua thiếu thốn, khó khăn trước mắt để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến này”, Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kêu gọi.

Chú thích ảnh
Minh Thuyết
Mệnh lệnh từ trái tim
Mệnh lệnh từ trái tim

TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam trong những ngày qua đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách khi số lượng ca bệnh COVID-19 tăng cao, nhiều ổ dịch lớn, nguy hiểm xuất hiện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN