Mệnh lệnh từ trái tim

TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam trong những ngày qua đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách khi số lượng ca bệnh COVID-19 tăng cao, nhiều ổ dịch lớn, nguy hiểm xuất hiện. 

Dịch COVID-19 trào lên như cơn sóng dữ khi số bệnh nhân không ngừng tăng, lượng người trong khu cách ly tập trung ngày càng lớn, số địa phương buộc phải phong tỏa, giãn cách ngày một nhiều thêm… 

Với tinh thần chung sức, đồng lòng cả nước cùng chống dịch, liên tiếp các đoàn y, bác sĩ, nhân viên y tế của các địa phương trong cả nước đã lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Đã có hàng nghìn nhân viên y tế tình nguyện lên đường và con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi các địa phương ở vùng tâm dịch vẫn cần sự hỗ trợ, tiếp sức về nhân lực và vật lực để chống dịch. 

Chú thích ảnh
Sáng 5/8/2021, tại Hà Nội, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế) tổ chức Lễ tiễn đoàn 300 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện lên đường vào TP Hồ Chí Minh để triển khai hoạt động Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Rất nhiều câu chuyện cảm động, ấm áp về các y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tình nguyện lên đường sát cánh cùng đồng nghiệp và người dân các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Những dòng tin nhắn “tranh nhau” lên đường chống dịch vì miền Nam ruột thịt của cặp vợ chồng bác sĩ công tác tại Bệnh viện Việt Đức được lan tỏa trên mạng xã hội trong những ngày gần đây: “Bố ơi, cho mẹ đi chống dịch nhé”..., “Anh ở nhà trông con cho em đi”... người vợ viết. Trong khi đó, người chồng khẳng định, mình chắc chắn sẽ tham gia tuyến đầu dù “khả năng mắc rất cao”. Anh cũng nhắn nhủ người vợ ở nhà làm “hậu phương vững chắc và yên tâm trông con”. 

Rồi trường hợp hai cha con điều dưỡng viên Nguyễn Văn Tuyến, công tác tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) và con gái là Nguyễn Thanh Huyền (sinh viên năm thứ 4, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội), không hẹn mà gặp đã cùng góp mặt ở “chiến hào” tình nguyện chống dịch. 

Thật cảm phục với hoàn cảnh của cô sinh viên trường y Dương Thị Anh (xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, Bắc Giang), khi đang thực hiện nhiệm vụ tình nguyện phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được tin bố mất. Nén nỗi đau khi không thể về nhà chịu tang bố, Dương Thị Anh tự nhủ mình cần phải cứng rắn hơn để không ảnh hưởng tới công việc chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Chắc chắn rằng, người cha thân yêu của cô sẽ rất tự hào về con gái của mình đã hy sinh tuổi xuân, góp sức vào sự nghiệp chống dịch đầy gian nan vất vả để bảo vệ sức khỏe người dân.

Không thể kể hết những tấm gương vì sự nghiệp chung mà chấp nhận thiệt thòi, hy sinh mọi quyền lợi cá nhân. Xúc động biết bao những hình ảnh y, bác sĩ thể hiện quyết tâm và nhiệt huyết cháy bỏng của mình bằng việc đặt tay lên trái tim mình trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Bằng trái tim tràn đầy tình yêu thương, trách nhiệm và lòng dũng cảm, họ gạt đi mọi lo âu, phiền muộn, lao vào cuộc chiến chống dịch bệnh đầy cam go. 

Có lẽ, trong đội ngũ những người thầy thuốc tình nguyện, phần lớn họ đều bỏ lại sau lưng rất nhiều thứ của riêng mình trước lúc lên đường. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng tuổi đời rất trẻ, con nhỏ, bố mẹ già, song với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” đã xung phong lên đường vào vùng dịch bệnh nguy hiểm nhất. Hơn ai hết, họ hiểu rõ mặt trận chống dịch ở phía trước còn muôn vàn gian nan, vất vả và cả sự hiểm nguy, thậm chí phải hy sinh, nhưng trong họ luôn bùng cháy khát khao được cống hiến, được dấn thân. Một “mệnh lệnh từ trái tim” và lương tâm con người, những người thầy thuốc đã lao vào cuộc chiến chống dịch mà không một chút suy tính thiệt hơn. 

Hơn hai năm qua kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của các địa phương đã phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách ở tuyến đầu, làm việc không kể ngày đêm, tất cả vì sự an toàn của cộng đồng, vì sức khỏe của người dân. Trong số họ, không ít người từng nhiều lần phải xa gia đình, người thân, gác lại những việc riêng tư để có mặt ở tuyến đầu chống dịch không chỉ ở địa phương mình, mà còn tham gia hỗ trợ cho nhiều địa phương khác trong những đợt dịch bùng phát vừa qua. Họ đã nỗ lực không mệt mỏi với lời hứa “khi chưa hết dịch thì chưa về nhà”.

Với áp lực công việc, cán bộ, nhân viên y tế phần lớn đều đã kiệt sức, nhưng nhiệt huyết của họ thì không bao giờ cạn. “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời”, họ lại tình nguyện lên đường vào các điểm nóng dịch bệnh, với tâm thế của một người lính: “Cuốn võng vào theo hướng dịch mà đi”. Họ tiếp tục khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, ướt sũng mồ hôi, tiếp tục chạy đua với thời gian, gắng sức giành giật sự sống cho bệnh nhân. Hơn bao giờ hết, những “chiến sĩ áo trắng” cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng “chân cứng, đá mềm”, tấm lòng nhân ái để cứu chữa người bệnh. Với họ, đó vừa là sứ mệnh cao cả, vừa là trách nhiệm thiêng liêng và rất đỗi tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blu trắng.

Trong cuộc gặp mặt các y bác sĩ đại diện cho gần 3.000 nhân viên y tế lên đường tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu rằng: “Chúng ta vô cùng xúc động trước hình ảnh các y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đối mặt với các nguy cơ rủi ro, quên đi sức khỏe của bản thân, gác lại việc riêng của gia đình, xung phong đi vào điểm nóng dịch bệnh... Đó là điển hình của lương y như từ mẫu, hết lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Sự đồng lòng chống dịch của đội ngũ những người thầy thuốc đã vẽ nên một bức tranh đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần. Họ là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để chúng ta chiến thắng dịch bệnh”. 

Chú thích ảnh
Yến Nhi
Dấu ấn tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam trên mặt trận chống dịch COVID-19
Dấu ấn tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam trên mặt trận chống dịch COVID-19

Khơi dậy tinh thần xung kích, tự nguyện của thanh niên trong đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, nhiều năm nay, từ phong trào Thanh niên tình nguyện, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đã xung phong đảm nhận những việc mới, việc khó, đến những nơi xa xôi hẻo lánh, thể hiện nhiệt huyết của thế hệ trẻ Việt Nam trong bất cứ thời kỳ nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN