Sức mạnh tình nguyện

Tình nguyện thu hoạch nông sản, tình nguyện nấu hàng nghìn suất cơm mỗi ngày, hay tình nguyện lên đường hỗ trợ các “điểm nóng” là những nét đẹp làm ấm lòng bà con vùng dịch.

Giữa tháng 5 năm đầu tháng 6, khi lúa và dưa hấu bắt đầu vào vụ chín rộ cần thu hoạch thì Yên Dũng (Bắc Giang) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và không lâu sau đó là Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trồng cây tới ngày hái quả, nhưng dịch bệnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới khâu thu hoạch, tiêu thụ khiến người nông dân trong vùng dịch như ngồi trên đống lửa. 

Nhưng “cái khó lại ló cái khôn”, trong khi các ngành các cấp ở địa phương tìm biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, tránh đứt gãy chuỗi cung cầu, thì lực lượng thanh niên tình nguyện đã phát huy vai trò xung kích của mình. Theo đó, người dân thôn Trại Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng đã thành lập nhiều tổ xe tải với lực lượng thanh niên làm nòng cốt, tình nguyện giúp bà con thu hoạch, vận chuyển lúa về tận nhà. Đoàn Thanh niên công an huyện Yên Dũng cũng tình nguyện hỗ trợ người dân thu hoạch và tiêu thụ dưa hấu. 

Chú thích ảnh
Đoàn viên Thanh niên công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) giúp bà con thu hoạch và tiêu thụ dưa hấu tại thôn Vườn Tùng, xã Tiền Phong. 

Không chỉ ở Bắc Giang, mà tại Bắc Ninh, Hải Dương, hay tại Tiền Giang - nơi đang cùng 18 tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, màu áo tình nguyện của thanh niên cũng đã “xanh” lên trên các cánh đồng vào vụ thu hoạch nông sản, rau màu…

Hướng về vùng dịch, trên các “trận tuyến” khác, nhiều lực lượng như phụ nữ, công đoàn, các tổ, đội, câu lạc bộ ở những “vùng xanh”, nơi dịch bệnh ít hơn, cũng tình nguyện làm nhiều công việc để hỗ trợ cho người dân ở các vùng dịch đang diễn biến phức tạp.

Nhiều bếp ăn đỏ lửa để mỗi ngày nấu hàng nghìn suất cơm chuyển đến người dân trong khu cách ly. Người dân ở nhiều tỉnh thành cá nhân có, tập thể có, đóng gói rau quả, thực phẩm gửi vào các “điểm nóng” của dịch bệnh. Thật cảm động khi có em bé mới chỉ 10 tuổi ở TP Hồ Chí Minh trước khi thành phố giãn cách xã hội mỗi ngày đều đến bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự (Quận 1), góp sức nhỏ của mình cùng mọi người nấu hơn 5.000 suất cơm gửi đến các cán bộ, chiến sĩ làm công tác chống dịch và người dân trong khu phong tỏa. Tại bãi biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), từ sáng sớm, ngay khi thuyền của ngư dân vừa cập bến, các thành viên của Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình đã có mặt để lựa chọn, thu mua những mẻ cá tươi ngon. Hàng tấn cá đã được làm sạch, sơ chế, đóng gói, hút chân không, cấp đông rồi gửi vào TP Hồ Chí Minh, giúp người dân có thêm nguồn thực phẩm cho bữa ăn, đảm bảo sức khỏe trong những ngày dịch COVID-19.

Đẹp hơn nữa, là hình ảnh hàng nghìn y, bác sĩ và cả các sinh viên y khoa đang học năm cuối tại các tỉnh, thành trên cả nước đã và đang đến các “điểm nóng” dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp…; nhất là TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ các địa phương chống dịch. Đặc biệt, để có thể tiếp tục “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh, ngoài lực lượng y, bác sĩ đã huy động trước đó, một lực lượng “tinh nhuệ” là các đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… sẽ “Nam tiến” để cùng chung sức thiết lập hệ thống điều trị, hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị lên đường tới hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, gây áp lực nặng lên hệ thống y tế, cần thêm lực lượng thì nhiều y, bác sĩ về hưu còn đủ sức khoẻ cũng viết đơn tình nguyện, sẵn sàng đóng góp sức lực để đẩy lùi dịch bệnh. Từ đầu tháng 6, có 240 y bác sĩ nghỉ hưu của Vĩnh Phúc cũng đã viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch. Tại Hà Nội, từ tháng 3, tại quận Bắc Từ Liêm có khoảng 280 y tá, bác sĩ đã về hưu cũng đăng ký. Hay bác sỹ Nguyễn Văn Trang, nguyên Trưởng khoa Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương, Nghệ An), năm nay gần 80 tuổi, đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng tình nguyện vào tâm dịch ở Bắc Giang hồi cuối tháng 5 để chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19, khiến nhiều người khâm phục. 

Và còn nhiều nữa những hoạt động tình nguyện trong cuộc chiến với đại dịch như hiến máu tình nguyện để có thể cứu giúp bệnh nhân mắc COVID-19; tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine; tình nguyện cùng các lực lượng tham gia trực chốt kiểm soát dịch…

Như thế, có thể thấy trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, bên cạnh quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, mỗi người dân trên cả nước, bằng ý chí và tấm lòng, sự nhiệt tình và cả trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, đều đang chung sức giúp người dân ở những “điểm nóng” của dịch bệnh. Nhiều sáng kiến, mô hình hay, những ý tưởng sáng tạo đã được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tình nguyện. 

Những hành động đẹp đó không chỉ làm ấm lòng người dân vùng dịch, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, trong khó khăn luôn có nhau, hướng về nhau mà còn thể hiện tính nhân văn, sự đoàn kết – truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam từ bao đời nay. 

Với mỗi hành động đầy nhân văn của mình, sức mạnh tình nguyện được nhân lên. Đã có nhiều “màu áo tình nguyện”: màu áo xanh tình nguyện của thanh niên, màu áo trắng tình nguyện của các y, bác sĩ; và đặc biệt là muôn vàn màu áo của những người dân đang hàng ngày hướng về “tâm dịch”. Đó là những mảng màu tuyệt đẹp. Màu của sự chia sẻ, màu của lòng nhân ái, màu của sự kết nối, để sợi dây yêu thương được nối dài, vì một mục tiêu chung, giúp nhau vượt qua gian khó, đẩy lùi đại dịch. 

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mỗi ngày số ca mắc mới ghi nhận trong nước vẫn ở con số hàng nghìn. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Sự ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến mọi mặt của đời sống. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định 5K để có thể kiểm soát được dịch. Đây cũng là hành động “tình nguyện” để giúp đội quân tình nguyện đỡ vất vả hơn, cũng là để sức mạnh tình nguyện tiếp tục được nhân lên, trở nên ý nghĩa hơn trong “cuộc chiến” này.

 

Chú thích ảnh
Xuân Phong
Cuộc chiến ở hậu phương
Cuộc chiến ở hậu phương

Dù thường xuyên xử lý các thông tin về dịch COVID-19 trong gần hai năm qua, nhưng khi biết tin một người bạn làm trưởng đoàn cán bộ y tế vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch, theo một quy luật tâm lý, tôi vẫn cảm nhận “cuộc chiến” chống dịch đang rất khốc liệt như tiến gần đến thềm nhà mình hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN