Tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 đại trà

“Cơn khát” vaccine COVID-19 đang dần được giải toả, và thách thức đặt ra là phải thực sự tăng tốc mạnh mẽ để đưa vaccine đến người dân.

Sáng 25/7, thêm 3 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna do chính phủ Mỹ tài trợ thông qua chương trình COVAX đã về đến Việt Nam. Những lô hàng vaccine được dự kiến sẽ tiếp tục về dồn dập trong quý 3 và quý 4 năm nay, tăng mạnh nguồn cung cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Một thách thức quan trọng mà chúng ta phải giải quyết ngay lúc này, đó là làm thế nào để thực sự tăng tốc đưa vaccine đến tay người dân.

Việt Nam đã sớm tiếp cận, đàm phán với các đối tác sản xuất và cung cấp vaccine phòng COVID-19, như tiếp cận đàm phán với AstraZeneca và Sputnik từ tháng 8/2020, với Pfizer từ tháng 9/2020. Đến nay, chúng ta đã được cam kết đảm bảo cung ứng 130 triệu liều vaccine trong năm 2021, và đang đàm phán tiếp 45 triệu liều nữa. 

Hoạt động cung ứng vaccine ban đầu còn khó khăn do bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu và vaccine trong chương trình COVAX được ưu tiên phân bổ cho những nước tự sản xuất và các quốc gia có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các nguồn cung vaccine đang dần đổ về qua nhiều kênh. Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến trong quý 3 này, chúng ta sẽ tiếp nhận trên 30 triệu liều vaccine; từ quý 4 vaccine tiếp tục về nhiều, và đến năm 2022, tình hình cung cấp vaccine sẽ chủ động hơn khi các nhà máy sản xuất vaccine trong nước đi vào hoạt động và nguồn cung trên thế giới dồi dào hơn.

“Cơn khát” vaccine chắc chắn đang dần được giải toả, và một thách thức đang đặt ra là phải thực sự tăng tốc mạnh mẽ để đưa vaccine đến tay người dân. Việt Nam đã tiêm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên từ ngày 8/3/2021 và từ tháng 7 bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, dự kiến kéo dài tới tháng 4/2022. Tính đến ngày 25/7, tổng số vaccine COVID-19 mà nước ta đã tiếp nhận là khoảng 14 triệu liều từ các nguồn mua và tài trợ. Nhưng theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, chúng ta mới chỉ tiêm được gần 4,6 triệu mũi.

Các chuyên gia nhận định tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đang rất chậm, từ đầu tháng 7 mỗi ngày chỉ đạt 20.000 - 40.000 mũi tiêm. Theo một chuyên gia y tế, nếu Việt Nam tiêm trung bình 100.000 mũi/ngày, thì phải mất hơn 40 tháng mới tiêm đầy đủ 2 mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu. Để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 4/2022, chúng ta sẽ phải tiêm trung bình trên nửa triệu mũi vaccine mỗi ngày. 

Với nguồn cung vaccine nhiều triển vọng, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt lần này được ghi nhận có những thuận lợi như số lượng người dân sẵn sàng tiêm chủng đông đảo, hệ thống tiêm chủng sẵn có với khoảng hơn 13.000 cơ sở thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường và các điểm tiêm ở bệnh viện, cơ sở dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch đang gây sức ép lên hầu khắp các tỉnh thành phố trên cả nước, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, chúng ta cũng đối mặt không ít khó khăn. Vaccine phòng COVID-19 còn rất mới mẻ, trong khi nhiều cơ sở điều trị, bệnh viện mới lần đầu tiên triển khai tiêm. Các loại vaccine được cung ứng cho Việt Nam cũng rất khác nhau, mỗi loại đều có yêu cầu riêng về bảo quản, thời gian sử dụng, liều lượng cũng như chỉ định tiêm cho từng độ tuổi. Điều này đòi hỏi công tác bảo quản vaccine phải chặt chẽ; tập huấn sử dụng từng loại vaccine và tổ chức tiêm an toàn cũng như theo dõi sau tiêm.

Một thách thức khác với các địa phương khi tổ chức tiêm phòng COVID-19 là phải sắp xếp số lượng người tiêm trong cùng một buổi không quá đông, đảm bảo giãn cách và an toàn cho người tiêm cũng như nhân viên y tế. Trên thực tế, ở một số nơi cách thức tiêm chủng đã lộ ra những bất ổn. Chẳng hạn, ngày 22/7, tại Bệnh viện E (Hà Nội), những người đi tiêm đã tập trung đông đúc và không thực hiện nghiêm việc giãn cách dẫn đến phải tạm ngừng hoạt động tiêm chủng tại cơ sở này.

Để đảm bảo giãn cách xã hội nhưng vẫn đáp ứng được tốc độ tiêm chủng, các địa phương sẽ phải mở rộng nhiều dây chuyền tiêm vaccine. Mở rộng và đẩy nhanh tiêm chủng cũng giúp tránh tình trạng vaccine không kịp tiêm, bị tồn đọng, quá hạn sử dụng. Đây là thực tế đã xảy ra không chỉ ở các cường quốc dư thừa vaccine, mà còn ở những nước nghèo đang thiếu nguồn cung nhưng vẫn phải đổ bỏ vaccine vì hết hạn.

Trong điều kiện nguồn cung còn chưa dồi dào và tình hình dịch đang căng thẳng hiện nay, để tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cần có sự điều phối linh hoạt, hiệu quả nhằm đảm bảo phân bổ vaccine nhanh và hợp lý đến các địa phương, địa bàn, cũng như đưa vaccine đến đúng đối tượng cần được ưu tiên, tránh những trường hợp lợi dụng gây bức xúc trong dư luận.

Chủ trương tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân đã được Đảng và Nhà nước ta vạch rõ, kế hoạch triển khai cũng đã được Chính phủ xây dựng và công khai, nhưng tất cả các địa phương đều cần phải lên những kế hoạch chuẩn bị chi tiết, liên tục rà soát để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong nỗ lực “phủ sóng” vaccine.

Lúc này, hoạt động đăng ký tiêm chủng đang được tổ chức đến tận từng cá nhân, gia đình ở các xã, phường, thôn xóm. Đông đảo người dân đang mong chờ từng ngày để được trang bị “tấm áo giáp” trong cuộc chiến đấu với một kẻ thù vô hình nguy hiểm, với niềm mong mỏi đưa đời sống kinh tế trở lại bình thường. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là tuân thủ quy tắc 5K và sẵn sàng tiêm chủng ngay khi đến lượt, trong khi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là đưa vaccine đến nhanh, trúng và an toàn với cộng đồng.

Chú thích ảnh
Thu Hằng
80% người đã tiêm vaccine tại Israel không làm lây bệnh ra cộng đồng
80% người đã tiêm vaccine tại Israel không làm lây bệnh ra cộng đồng

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn báo cáo của Bộ Y tế Israel cho thấy trong số những người đã được tiêm phòng vaccine sau đó bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có 80% không làm làm lây lan dịch bệnh ra những người xung quanh ở nơi công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN