Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang tặng hoa chúc mừng Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang biểu dương các thế hệ nhà giáo trong tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp "trồng người", đưa giáo dục Hòa Bình phát triển vượt bậc cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, có vị trí cao trong khu vực miền núi phía Bắc. Hiện toàn tỉnh có gần 40% số trường học đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình, giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục vùng khó khăn, giáo dục dân tộc.
* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga ghi nhận những đóng góp to lớn của các thầy cô giáo vì sự nghiệp giáo dục. Để nâng cao hơn nữa chất và lượng của giáo dục vùng cao Lào Cai, bà Hà Thị Nga đề nghị toàn ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn nữa trong xây dựng mô hình trường học mới, trường học phải gắn với thực tiễn,...
Trong những năm qua, quy mô giáo dục của tỉnh Lào Cao phát triển vượt bậc. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú đã được củng cố và phát triển phù hợp với điều kiện thực tế vùng cao. Nhờ đó cơ hội bình đẳng về giáo dục được thực hiện tốt hơn; tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em gái đến lớp nhiều hơn; sự chênh lệch về chất lượng giữa vùng cao và vùng thấp được rút ngắn.
Bên cạnh đó, công cuộc phổ cập giáo dục đạt được những thành tựu to lớn. Lào Cai có 152/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; có 84/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập Trung học cơ sở mức độ 2; tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 91,06%...
Thành công của công tác phổ cập giáo dục có ý nghĩa lớn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, làm thay đổi căn bản dân trí, tạo nền tảng giáo dục phổ thông vững chắc để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; thực hiện công bằng trong giáo dục, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; tạo tiền đề vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục...
Dịp này, 476 nhà giáo xuất sắc nhất tỉnh Lào Cai năm học 2016 - 2017 được tôn vinh, khen thưởng.
* Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Bá Ninh đã tuyên dương, trao giải cho giáo viên đoạt giải 3 trong cuộc thi viết “Tấm gương Nhà giáo Việt Nam” năm 2017; đồng thời trao kỷ niệm chương cho 4 cá nhân ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.
Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Ninh Thuận xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy và học tại địa phương. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo ở địa phương luôn được đẩy mạnh và có sức lan tỏa rộng lớn. Công tác chăm lo, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục luôn được cả hệ thống chính trị ở địa phương quan tâm, thể hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo đội ngũ nhà giáo, thực hiện chính sách, chế độ đối với giáo viên, học sinh - sinh viên, đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục để từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
* Tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ ghi nhận, biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành giáo dục và các thầy giáo, cô giáo thời gian qua. Đồng thời kêu gọi toàn ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý giáo dục ở các cấp...
Các Nhà giáo Ưu tú thành phố Cần Thơ chia sẻ về nghề tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN |
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân ngành Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý vì sự nghiệp giáo dục.
* Trong 35 năm qua, giáo dục tỉnh Kiên Giang có sự phát triển khá toàn diện trên nhiều mặt, với mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp; trang thiết bị được tăng cường, xóa dần các điểm lẻ, nâng cao chất lượng môi trường giáo dục, cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh và mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Đội ngũ nhà giáo cũng ngày càng được nâng cao về chất lượng, toàn tỉnh hiện có 98% giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo; toàn ngành đã có 71 nhà giáo được tôn vinh nhà giáo ưu tú.
Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh đã ghi nhận những thành tựu mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đạt được trong thời gian qua; đồng thời đề nghị ngành cần nỗ lực hơn nữa nhằm tạo sự đột phá về chất lượn và hiệu quả giáo dục.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen cho 316 giáo viên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017; UBND tỉnh Kiên Giang trao tặng bằng khen cho 35 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo năm 2017.