Ông đánh giá như thế nào về xu hướng ra đề thi mở hiện nay, trong đó yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến về các vấn đề thời sự của quê hương, đất nước?
Các đề thi mở nóng hổi tính thời sự thường khiến cho học sinh thích thú, tạo nhiều cảm hứng cho các em trong quá trình làm bài. Đưa những vấn đề thời sự về kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, như chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường… có tính gợi mở cho học sinh. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng tốt. Mặc dù vậy, không nên lạm dụng thông tin thời sự thay cho kiến thức, vì mục đích cuối cùng của mỗi kỳ thi vẫn là kiểm tra kiến thức. Cần phải cân nhắc kỹ về tỷ trọng giữa kiến thức và thông tin thời sự, cũng như yêu cầu về năng lực vận dụng kiến thức ở học sinh để lý giải, giải thích những vấn đề trong cuộc sống. Đưa thông tin thời sự vào đề thi phải ở một mức độ nào đó, với một tỷ lệ nhất định, để bảo đảm phù hợp với năng lực thực tế của học sinh.
Vấn đề này càng phải được cân nhắc kỹ khi mức độ được tiếp cận thông tin thời sự của học sinh hiện nay là không đồng đều giữa các vùng miền, thưa ông?
Thực tế là mức độ tiếp cận thông tin của học sinh hiện nay chưa công bằng. Ở các đô thị, phương tiện truyền thông, môi trường truyền thông tốt hơn, nên các em có điều kiện tốt hơn để tiếp nhận các thông tin thời sự so với các em ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, để có công bằng giữa các em thì chúng ta càng phải quan tâm cân bằng giữa kiến thức và thông tin thời sự khi ra đề thi. Phải cân nhắc rất kỹ tỷ trọng giữa kiến thức và thông tin thời sự. Nhưng mặt khác, cũng phải yêu cầu các em học sinh ở những vùng xa, vùng khó khăn cố gắng cập nhật những thông tin thời sự quan trọng nhất, thiết yếu nhất của đất nước để không chỉ phục vụ cho học tập mà cho chính cuộc sống của mình.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin thời sự cũng phải phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, với học sinh thì không thể bắt các em tiếp cận với các vấn đề thời sự chỉ phù hợp với lứa tuổi lớn hơn.
Như vậy, có thể hiểu tiếp nhận thông tin thời sự cũng là một mảng quan trọng trong giáo dục ở nhà trường?
Cái đích của giáo dục là giúp học sinh hiểu biết tình hình của đất nước và vận dụng kiến thức ở nhà trường để lý giải, giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Thế thì, với mục đích giáo dục như vậy, chúng ta phải làm như thế nào? Nếu như không kiểm tra kiến thức thì cũng không đúng, vì mục đích của nhà trường là cung cấp kiến thức cho học sinh. Nhưng nếu kiến thức ấy chỉ mang tính sách vở, không đi vào cuộc sống thì cũng không được, chưa phải mục đích cuối cùng của chúng ta trong giáo dục học sinh.
Điều quan trọng là nhà trường phải trang bị kiến thức, giúp học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thời sự. Đấy mới là cái khó. Còn nếu chỉ thông tin thời sự không thì chẳng cần học, cứ ở nhà đọc báo, nghe đài là có thể làm được. Tỷ lệ thông tin thời sự khi ra đề thi cũng ít thôi và câu hỏi không phải chỉ riêng về vấn đề thời sự, mà chắc chắn sẽ phải kết hợp được ba yếu tố: Thông tin thời sự cập nhật; kiến thức từ những môn khoa học khác nhau, phải biết tổng hợp những kiến thức đó để lý giải, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, trên cơ sở những thông tin thời sự; thêm nữa là phải phù hợp với năng lực học sinh vận dụng kiến thức ấy như thế nào.
Việc tạo ra những đề thi đáp ứng sự cân bằng như ông chia sẻ, như vậy cũng không thể tùy tiện?
Đúng vậy. Ra đề thi gắn với thông tin thời sự là cả một vấn đề khoa học giáo dục, chứ không phải đơn giản là muốn làm như thế nào cũng được. Trước đây, việc ra đề thi dễ hơn khi bám chặt vào kiến thức nhà trường, mà toàn bộ kiến thức đã được quy định chặt chẽ trong sách giáo khoa, trong chương trình học rồi. Nhưng những vấn đề thời sự thì không có trong chương trình. Đặc biệt, học sinh không chỉ cần nắm được thông tin thời sự, mà phải hiểu vấn đề thời sự ấy như thế nào, biết vận dụng các kiến thức được học để giải thích vấn đề thời sự ấy như thế nào.
Lấy ví dụ về vấn đề bảo vệ môi trường. Có thể nhà trường không trang bị kiến thức trực tiếp về bảo vệ môi trường, nhưng học sinh lại có kiến thức về sinh học, hóa học, về môi trường sinh thái, về các khoa học khác nhau và học sinh phải vận dụng những kiến thức đó để giải quyết đòi hỏi trong cuộc sống về vấn đề bảo vệ môi trường.
Nếu như về sau chúng ta dạy theo phương pháp tích hợp các nội dung kiến thức, thì sẽ giảm nhẹ cho học sinh, vì chúng ta đã giúp các em tổng hợp rồi. Chúng ta dạy các em kiến thức tích hợp, thì như vậy đã giúp các em tổng hợp kiến thức, giúp các em vận dụng tổng hợp kiến thức để giải quyết vấn đề cuộc sống. Bây giờ, chúng ta dạy các môn học chỉ là kiến thức thuần túy. Nếu buộc học sinh tự tổng hợp lấy để giải quyết vấn đề khác nhau, thì yêu cầu là rất khó. Nếu câu hỏi không cẩn thận thì có thể yêu cầu đến trình độ nghiên cứu, chứ không dành cho học sinh nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!