Các chuyên gia khẳng định, những ngành khoa học cơ bản là nền tảng
để học những ngành học mới về công nghệ. Ảnh: HL
Khẳng định nền tảng khoa học cơ bản
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo PGS.TS Đào Sỹ Đức, Phó trưởng khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị quyết 57 cho thấy quyết tâm chính trị cao về việc đẩy mạnh các hoạt động Khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bởi theo nguyên lý: Đất nước muốn có tiềm lực công nghệ mạnh phải có nền tảng khoa học vững chắc, nhất là ngành khoa học tự nhiên. Trong đó hóa học là lĩnh vực có tính ứng dụng cao, có thể đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho nhiều các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ thời gian tới.
Theo PGS.TS Đào Sỹ Đức, hóa học là ngành liên quan đến chuyển đổi, chuyển hóa của các vật chất nhất là những vật liệu mũi nhọn, liên quan đến chiến lược công nghệ cao, liên quan đến ngành năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo… Không những thế, hóa học có tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, nên nhu cầu nhân lực nhiều.
PGS.TS Ngô Quốc Anh, Phó trưởng khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đảng, Nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên ngành Toán và có những sự đổi mới hướng đến nhiều tính ứng dụng hơn. Khi khoa học công nghệ phát triển, đặc biệt là Đảng và nhà nước đã đưa ra những chính sách thúc dẩy sự phát triển khoa học cơ bản, hiện tại phạm vi ứng dụng, sử dụng Toán càng nhiều hơn. Việc đưa ra một trong những điều kiện cần là môn Toán đạt ít nhất 8 điểm (trong thang điểm 10) nếu đánh giá theo điểm thi tốt nghiệp THPT mới được theo học ngành công nghệ bán dẫn. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước ta thực sự đã nhìn thấy tính cần thiết của khoa học cơ bản.
Còn TS. Hoàng Chí Hiếu, Phó trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Nghị quyết 57 với 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đa phần là vấn đề trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lượng tử, khoa học vật liệu. Ngành vật lý là ngành quan trọng trong khoa học cơ bản, cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc để có thể giúp người học tham gia vào các lĩnh vực hiện tại đất nước đang tập trung như công nghệ bán dẫn, công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Nhà nước đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn cơ sở đặt ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đã lập Viện Công nghệ bán dẫn đón đầu sự đầu tư của Nhà nước...
Khoa Vật lý đang tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, những nhóm sinh viên học ngành này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại và có thể học tiếp phát triển theo hướng chuyên sâu trở thành những nhân lực cốt cán trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao phục vụ cho mục tiêu của đất nước.
Trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn dự báo điểm chuẩn cao
Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn hiện nay cao, dự báo điểm chuẩn cũng sẽ duy trì ở mức cao và chỉ tiêu tuyển sinh cũng được nhiều trường đại học mở rộng.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các ngành dự kiến lấy điểm chuẩn cao nhất: Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) đều ở mức trên 27,8. Nhóm ngành Kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin (Global ICT), An toàn không gian số (chương trình tiên tiến), Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa, Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, Công nghệ thông tin Việt Nhật dự kiến điểm chuẩn 26,5-28.
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến điểm xét tuyển các ngành máy tính và Công nghệ Thông tin, AI 24 điểm. Ngành Trí tuệ nhân tạo của trường này, vốn nằm trong top các ngành có điểm trúng tuyển cao trên 27 điểm vào năm trước, dự kiến vẫn giữ vững mức cao trong năm nay. Không chỉ điểm chuẩn, số lượng chỉ tiêu cũng là điểm nhấn trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều trường đại học điều chỉnh tăng chỉ tiêu đáng kể cho các ngành AI và bán dẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực cho thị trường lao động.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Thời gian vừa qua, trường tăng chỉ tiêu số lượng tuyển sinh liên quan đến ngành công nghệ bán dẫn. Tôi tin trong thời gian tới trường Đại học Công nghệ nói riêng và các trường khoa học công nghệ nói chung sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội, của doanh nghiệp đối với lĩnh vực bán dẫn”.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến chỉ tiêu cho các ngành trọng điểm, trong đó ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với 120 chỉ tiêu, đặc biệt ngành bán dẫn với 180 chỉ tiêu; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo năm 2025 với 60 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Vật lý học - chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật với dự kiến 120 chỉ tiêu...