Đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực:

Bộ đề thi đã được rà soát, bổ sung câu hỏi mới

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bộ đề thi đánh giá năng lực đợt 2 đã được rà soát, tinh lọc và bổ sung một số câu hỏi mới. Việc này không ảnh hưởng tới sự cân bằng về mức độ khó/dễ của đề.


Đã có sự cân bằng độ khó/dễ trong bộ đề thi. Ảnh: Bùi Tuấn.


Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia Hà Nội diễn ra từ ngày 1- 6/8/2015, với 16.849 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức thi tại 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng và Thái Nguyên; với tổng cộng 11 điểm thi, trong đó có 5 điểm thi tại Hà Nội, 6 điểm thi còn lại ở Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên.


Điều được quan tâm trong đợt 2 của kỳ thi này vẫn là bộ đề thi. Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bộ đề thi được rà soát, tinh lọc và bổ sung một số câu hỏi mới, nhưng điều này không ảnh hưởng tới sự cân bằng về mức độ khó/dễ của đề. 


Bộ đề thi được xây dựng theo lý thuyết khảo thí hiện đại nên đảm bảo độ khó của từng phiên bản mà từng thí sinh được tiếp cận là như nhau. Điều này đã được chứng minh qua một khảo sát gần đây do ĐH Quốc gia Hà Nội tiến hành. Theo thông tin mà 41 thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt I cung cấp, điểm số giữa bài thi mẫu và bài thi thật của các em chỉ chênh nhau 1 - 2 điểm (thang 140), thậm chí có nhiều em là trùng khớp. 


“Chẳng hạn như thí sinh đạt điểm cao nhất (128 điểm) trong kỳ thi đợt I cho biết khi làm bài thi thử em ấy được 126 điểm”, ông Sơn dẫn chứng.


ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, trước hết cần khẳng định rằng, về các phương diện triết lý, quy chế, quy trình, kỹ thuật, đề thi… cùng nhiều yếu tố khác thì đợt 2 không có thay đổi so với đợt 1. Nhưng ĐH Quốc gia Hà Nội đã điều chỉnh một số vấn đề về kỹ thuật theo hướng hợp lý, giản tiện và thuận lợi cho thí sinh cũng như quản lý điều hành.


Về đăng ký dự thi, ĐHQGHN tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi theo 3 hình thức: qua internet, qua bưu điện và đăng ký trực tiếp. Thực tế cho thấy đã có tới trên 70%, trong đó có tỷ lệ lớn các em vùng sâu vùng xa, đăng ký qua mạng. Điều đó chứng tỏ hình thức này thuận lợi, không gây khó khăn cho thí sinh. Đăng ký qua bưu điện có điểm không thuận tiện, có một tỷ lệ nhất định hồ sơ tới muộn gây hoang mang cho các thí sinh và khó khăn cho quản lý. 


Vì vậy, đợt 2, ĐHQGHN chỉ tổ chức cho thí sinh đăng ký thi qua hai hình thức là qua internet hoặc đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Trong trường hợp các em tới làm thủ tục đăng ký trực tiếp, ĐHQGHN cũng hướng dẫn các em tự đăng ký qua máy tính tại các phòng có trang bị sẵn máy tính. Kết quả cho thấy các em đã hoàn toàn thuận lợi trong đăng ký dự thi.


Về nộp lệ phí dự thi, trong đợt thứ nhất, thí sinh nộp lệ phí bằng nhiều cách: qua ngân hàng (từ nhiều ngân hàng khác nhau để chuyển tới BIDV), qua bưu điện, nộp trực tiếp. Thực tế, việc chuyển tiền giữa các ngân hàng nhiều trường hợp rất chậm gây ảnh hưởng tâm lý và khó cho quản lý. Việc chuyển tiền qua bưu điện đôi khi bị thất lạc. Do vậy, đợt 2, ĐHQGHN giản tiện bằng cách chỉ thu lệ phí qua BIDV và trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN.


Về giấy báo dự thi, đợt 1, ĐHQGHN vừa gửi giấy báo dự thi cho các thí sinh vừa đưa thông tin lên website để các em có thể xem và in. Đợt 2, ĐHQGHN chỉ đưa thông tin giấy báo lên website, các thi sinh phải tự in hoặc chép thông tin phòng thi, giờ thi, địa điểm thi…  Việc kiểm soát thí sinh dự thi căn cứ trên giấy chứng minh nhân dân nhằm giản tiện thủ tục.

Lê Vân (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN