TP Hồ Chí Minh: Dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ dạy và học trực tiếp trở lại

Chiều 7/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện mới có khoảng 150 cơ sở giáo dục được trả lại cho ngành giáo dục trong tổng số 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở đã triển khai dạy và học qua truyền hình cũng như nhiều hình thức khác. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến khối Tiểu học khá cao, trên 97% và THPT trên 99%.

Chú thích ảnh
Dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh TP Hồ Chí Minh sẽ được học trực tiếp.

Riêng khối Tiểu học có hơn 30.000 em còn ở tạm các tỉnh khác, trong đó có 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh; hơn 5.000 em chưa có thiết bị và đang học tạm tại các trường Tiểu học ở địa bàn các tỉnh, thành phố khác.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, qua thời gian 4 tuần với THPT và 2 tuần với Tiểu học khi thực hiện dạy học trực tuyến, Sở nhận định vẫn còn nhiều khó khăn trong dạy và học do số lượng học sinh lớn (hơn 1,3 triệu học sinh). Chẳng hạn, đường truyền internet thường xuyên không ổn định dẫn đến việc kết nối bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến; học  sinh lớp 1 còn gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị, ứng dụng hỗ trợ trong học trực tuyến; phụ huynh cũng chưa quen với một số tính năng của công nghệ nên việc hỗ trợ học sinh thực hành hệ thống dạy trực tuyến cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong những tuần đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cách dạy tại thành phố có khác so với các tỉnh, thành khi dạy trực tuyến. Việc dạy không chỉ có livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học; học sinh tự nghiên cứu bài học và trao đổi, giao tiếp với thầy cô, bạn bè trước giờ livestream. Hiện, TP Hồ Chí Minh có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.

Kết quả dạy học trong 2 tuần đầu, do không đặt nặng lượng kiến thức nên việc tiếp nhận kiến thức đối với khối Tiểu học khá tốt. Lớp 1 và lớp 2 sẽ được dạy và học trên truyền hình hết học kỳ 1. Clip dạy học trên truyền hình khá phong phú nên đáp ứng được cho học sinh Tiểu học.

Về cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch, học sinh quay trở lại, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đang được trưng dụng cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng chỉ mới có khoảng 150 trường (10%) có chủ trương trả lại cho ngành giáo dục để khử khuẩn, sửa chữa, phục hồi và đưa vào dạy học trực tiếp trở lại.

“Một số địa bàn đang cuốn chiếu dần quá trình kết thúc nhiệm vụ của việc phòng, chống dịch tại các trường học. Dự kiến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao. Ngành giáo dục có hơn một tháng để sửa chữa, khắc phục, chuẩn bị cơ sở để dạy và học trực tiếp. Dự kiến, đầu tháng 1/2022 sẽ dạy và học trực tiếp trở lại”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, hiện UBND huyện Cần Giờ đã có văn bản để xuất cho có 2 trường ở xã đảo Thạnh An được dạy và học trực tiếp trở lại từ ngày 11/10. Sở đã kiểm tra, nắm tình hình và yêu cầu khắc phục một số nội dung để đảm bảo an toàn khi đón học sinh đến trường trở lại.

Theo kế hoạch của UBND huyện Cần Giờ, chỉ cho 5 khối lớp gồm lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9, lớp 12 được đi học trở lại với số lượng là 242 học sinh và 60 giáo viên.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Chợ Bến Thành kinh doanh trở lại trong giai đoạn bình thường mới
TP Hồ Chí Minh: Chợ Bến Thành kinh doanh trở lại trong giai đoạn bình thường mới

Sau nhiều tháng ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Các tiểu thương bắt đầu hoạt động kinh doanh phục vụ người dân và du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN