Ngày 6/10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã thống nhất chủ trương về phương án cho phép người dân di chuyển liên tỉnh đối với đề xuất của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, những người lao động và chuyên gia được phép di chuyển giữa hai địa phương để làm việc, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, người tham gia di chuyển giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh bắt buộc chấp hành một số điều kiện.
Cụ thể, với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động di chuyển liên tỉnh bằng ô tô, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án TP Hồ Chí Minh đề xuất.
Những người mới tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần (tăng 1 lần xét nghiệm so với phương án đề xuất của TP Hồ Chí Minh).
Đối với người lưu thông liên tỉnh giữa TP Hồ Chí Minh - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông được lưu thông. Ngoài ra, người lưu thông liên tỉnh bằng xe cá nhân còn phải có giấy xác nhận về việc lưu thông có nội dung địa điểm, cung đường... theo mẫu thống nhất.
Trước mắt, áp dụng việc đi lại giữa các địa bàn vùng giáp ranh gồm thành phố Dĩ An, Thuận An của tỉnh Bình Dương với thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Các điều kiện được di chuyển trong tỉnh
Nhằm từng bước khôi phục chuỗi sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới, tỉnh Bình Dương giao Sở Giao thông vận tải tỉnh hướng dẫn điều kiện tham gia giao thông của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo đó, người lao động hiện sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương, làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia giao thông trong phạm vi của từng huyện, thị xã, thành phố phải đáp ứng điều kiện: Đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày, hoặc đã điều trị COVID-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.
Ngoài các điều kiện trên, khi tham gia giao thông, người lao động phải có giấy xác nhận lưu thông. Cụ thể, đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, giấy xác nhận lưu thông phải được giám đốc doanh nghiệp xác nhận. Đối với người lao động làm việc trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, giấy xác nhận phải được địa phương nơi cư trú và chủ cơ sở, hộ sử dụng lao động xác nhận.
Tỉnh giao UBND các xã, phường, thị trấn xác nhận giấy lưu thông cho người lao động làm việc trong các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh trong 24 giờ (kể từ khi tiếp nhận đề nghị của người lao động), tránh tập trung đông người (người lao động có thể thông qua đại diện khu phố, ấp nơi cư trú để xác nhận), tuân thủ quy tắc “5K”. Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức xác nhận giấy phục vụ lưu thông cho người lao động trong doanh nghiệp nhanh nhất, tránh tập trung đông người, tuân thủ quy tắc “5K” và chịu trách nhiệm việc xác nhận của mình.
Tối 6/10, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh ghi nhận 852 ca mắc COVID-19 mới qua xét nghiệm RT-PCR, giảm 255 ca so với ngày 5/10. Đây là lần đầu ghi nhận số ca mắc giảm sâu xuống còn 3 con số sau hơn 3 tháng chống dịch. Như vậy, từ đợt dịch làn thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 218.812 ca mắc COVID-19.
Cũng theo thông báo từ Sở Y tế, đến nay có tổng số 199.103 bệnh nhân xuất viện. Hiện số bệnh nhân đang điều trị là 24.618 người, trong đó có 2.815 bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Toàn tỉnh chỉ còn 3 xã, phường vùng vàng, còn lại 88 xã, phường, thị trấn là vùng xanh.