Chật vật tuyển sinh
Theo Tổng cục Dạy nghề, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề (gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề và gần 1.000 trung tâm dạy nghề); chưa kể hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề của các cơ sở giáo dục đào tạo hoặc các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2015, số học viên của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề chỉ đạt hơn 1,1 triệu người, đạt 53% so với năng lực đào tạo. Nhiều trường không tuyển sinh được học viên và rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.
Cơ sở thực hành trường Cao đẳng nghề Duyên hải bỏ hoang gần 2 năm nay vì không có học sinh. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Hà Giang cho biết: Quy mô đào tạo của nhà trường là 3.000 học viên, nhưng vài năm gần đây trường chỉ tuyển được khoảng 1/3 số này. Chỉ tiêu năm nay là 1.800, nhưng chỉ tuyển được 1.000 học sinh. Trong khi đó, thành phố Hà Giang lại vừa có thêm một trường trung cấp nghề, nên “không biết việc tuyển sinh năm tới sẽ còn khó như thế nào”.
Tại trường Cao đẳng nghề Duyên hải Hải Phòng, vào thời hoàng kim, trường tuyển được 800 học viên mỗi khóa, nhưng 2 năm gần đây thì không có học viên. Nhiều phòng học cửa đóng then cài, còn các thiết bị máy móc thì phủ bụi, hoen gỉ. Đại diện trường Cao đẳng nghề Duyên hải cho biết, không chỉ thiết bị máy móc xuống cấp, các cán bộ nhân viên không có lương, nên nhà trường buộc phải cắt giảm lao động. Không có học viên, nhiều giáo viên ở đây đành phải xin chuyển việc.
Cũng trong tình cảnh tương tự, trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Hà Nội 3 năm nay không tuyển sinh được, nên hàng loạt giáo viên của trường này đã xin nghỉ việc. Máy móc ở đây đều trong tình trạng trùm chăn đắp chiếu. Hiện một phần cơ sở vật chất và trang thiết bị của trường đã cho các đơn vị đào tạo khác thuê lại.
Chung cảnh ngộ, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội than thở: “Trường năm nay được UBND TP Hà Nội giao chỉ tiêu là 2.400 học viên, hiện nay chúng tôi mới tuyển được 1.200, tức là mới chỉ đạt được 50% chỉ tiêu. Mấy năm nay công tác tuyển sinh giảm rõ rệt vì là học sinh tốt nghiệp PTTH đa phần chọn học lên đại học. Lao động có tay nghề cũng không được trả công xứng đáng hoặc đi làm công nhân nên chả mấy ai học…”.
Rà soát, sắp xếp lại các trường
Lý giải tình trạng khó tuyển sinh, ông Trần Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Ban quản lý Khu kinh tế (TP Hải Phòng) nói: “Những nghề thế mạnh trước đây của trường chúng tôi là hàn, cơ khí, nhưng khi một loạt doanh nghiệp đóng tàu đóng trên địa bàn khó khăn đã khiến chúng tôi gần như không tuyển sinh được… Do đó, theo nhu cầu thị trường lao động, nhà trường mở lớp dạy may công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp”.
“Cùng với việc rà soát, sắp xếp lại, Tổng cục dạy nghề sẽ hạn chế cấp phép thành lập mới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập, khuyến khích thành lập các trường tư thục để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển dạy nghề”. |
Tại Hải Phòng, hai trong số 8 trường nghề là Trung cấp nghề công nghiệp Bạch Đằng và Trung cấp nghề công nghiệp Phà Rừng đã phải đóng cửa. Các trường trên địa bàn thành phố cũng phải cơ cấu lại ngành nghề theo nhu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương.
Còn ông Doãn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Vài năm trở lại đây, đã có hàng loạt trường trung cấp buộc phải rao bán, nhà đầu tư chấp nhận lỗ để sang tên. Vì không thể cầm cự tiếp, nhiều nhà đầu tư tìm cách thoái vốn, “bỏ của” chạy... khỏi trường trung cấp nghề. Một số trường khác đang được rao bán nhưng chưa có người mua.
Ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho rằng một số cơ sở dạy nghề được thành lập chưa trúng với quy hoạch, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực của từng địa phương, từng ngành nghề nên đã xảy ra tình trạng “nơi thừa nơi thiếu”. Cũng có nơi quy hoạch đi trước một bước, nhằm cung ứng nhu cầu nhân lực sớm trước khi các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quy hoạch xong thì định hướng phát triển kinh tế lại bị… điều chỉnh. Ví dụ các khu công nghiệp dự kiến được xây dựng, nhưng vì điều kiện khách quan lại bị hủy bỏ hoặc chậm triến độ, nên các trường nghề xây xong không có người học. “Nhưng cũng có câu chuyện thứ hai, lại đẩy nhanh tiến độ phát triển các vùng kinh tế như Dung Quất, Vũng Áng nên dẫn đến việc thiếu nơi đào tạo nhân lực”, ông Tiến cho biết.
Về tình trạng trường dạy nghề thiếu học viên hiện nay, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết: “Hiện nay nhiều trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề không tuyển sinh được do chất lượng đào tạo chưa theo kịp nhu cầu thị trường lao động, cơ sở vật chất lạc hậu, nhiều nơi chỉ có nhà xưởng không có máy móc để thực hành… Do đó, thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề sẽ tổng rà soát lại hệ thống trường dạy nghề. Trường nào không có học viên; cơ sở vật chất xuống cấp, không có khả năng đầu tư, thì tiến hành giải thể, sáp nhập… Xu hướng sẽ là giảm đầu mối, tăng quy mô và nâng chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”.
Thực hiện Nghị quyết 64/2014 của chính phủ về chủ trương sáp nhập các trung tâm công lập cấp huyện, đến nay đã có 169 huyện thuộc 30 tỉnh đã sáp nhập 3 trung tâm dạy nghề; có 160 huyện thuộc 24 tỉnh đã sáp nhập 2 trung tâm (trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp).
Những trường nghề tuyển được nhiều học sinh, sinh viên trong thời gian qua là những trường năng động bám sát nhu cầu thị trường lao động, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Đơn cử như Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội gắn với nghề công nghệ thông tin, chăm sóc sắc đẹp; Trường Cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh với những nghề cơ khí, xây dựng; Trường Cao đẳng nghề Hà Giang với ưu thế về chăn nuôi gia súc, gia công thiết kế sản phẩm mộc...
Cùng với việc rà soát, sắp xếp lại, Tổng cục Dạy nghề sẽ hạn chế cấp phép thành lập mới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập, khuyến kích thành lập các trường tư thục để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển dạy nghề. “Sẽ chỉ cho phép mở mới cơ sở dạy nghề ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trọng điểm; đặc biệt là ở 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ”, ông Dương Đức Lân cho biết.