Dạy nghề sau thất nghiệp… làm khó lao động thất nghiệp

Chỉ đào tạo những nghề đơn giản, không quan tâm tới nhu cầu và thực tế nghề nghiệp của lao động thất nghiệp, kinh phí thấp… là những lý do khiến cho việc đào tạo nghề sau thất nghiệp không phát huy được hiệu quả.


Chỉ dưới 3% đăng ký học nghề

Theo quy định tại Luật Việc làm, đối tượng thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng nghề, học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), họ sẽ chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ.

Các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên.
Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Quy định thì rất nhân văn, nhưng khi triển khai thực tế lại không hiệu quả do nhiều lý do. Cụ thể, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2015, có hơn 330.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có hơn 15.000 người tham gia học nghề, chiếm tỷ lệ hơn 4%.

Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình:

Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung vào việc thu hút học nghề, mà chưa quan tâm tới vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm cần kỹ năng nghề nhất định và trình độ chuyên sâu. Do đó, để thu hút người học nghề khi thất nghiệp, cần định hướng cụ thể cũng như có cam kết về “đầu ra” sau đào tạo. Nếu chỉ khuyến khích chung chung như hiện nay sẽ không thu hút người học.

Có lần, khi đi giám sát về lĩnh vực đào tạo nghề, tôi cũng có chất vấn đại diện Bộ LĐTBXH về vấn đề này, nhưng phía Bộ LĐTBXH cho rằng, việc làm do người lao động chủ động tạo ra. Theo quan điểm của tôi, như vậy chưa đủ, cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bởi thực tế rất nhiều doanh nghiệp đang kêu thiếu nhân lực có tay nghề.

Bà Lê Mai Vy, Giám đốc công ty TNHH M.V (chuyên sản xuất túi xách, quần áo thời trang trẻ em):

Tại công ty tôi đa số là lao động phổ thông. Sau khi nhận vào làm, nếu họ không được đào tạo, công ty sẽ đào tạo cho tới khi thuần thục. Tuy nhiên như vậy sẽ mất thêm một thời gian, công sức, khá tốn kém.

Doanh nghiệp rất muốn nhận người lao động thất nghiệp đã được đào tạo lành nghề, để hạn chế chi phí đào tạo lại. Do đó, các trường nghề khi dạy nghề cho người lao động cần liên kiết với doanh nghiệp để đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, khi đó người lao động mới có việc làm ngay. Bản thân người lao động thất nghiệp khi được nhận vào cũng cần có ý thức và tác phong công nghiệp để không bị thất nghiệp lần hai.

Tại Trung tâm Dịch việc làm Hà Nội, người đến đăng ký thất nghiệp khá đông, nhưng số người đăng ký học nghề rất ít. Chị Bích Huyền (Hải Dương) cho biết: “Tôi làm kế toán, nên khi thất nghiệp muốn nâng cao chuyên môn về các mô hình thực hiện kế toán hiện đại trên máy để có kinh nghiệm, nhưng những lớp học này học phí lên tới vài triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ hiện nay chỉ có 1 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng. Còn nói người lao động tự bỏ thêm tiền ra để học nghề, thì chúng tôi đang thất nghiệp, khó khăn, làm sao có tiền đi học được”.

Còn chị Thu Thủy (quận Long Biên, Hà Nội), một lao động thất nghiệp cho biết: “Tôi chọn theo học lớp nấu ăn của Trung tâm, nhưng tôi xác định học để nâng cao kỹ năng nữ công gia chánh trong gia đình, chứ công việc chính của tôi là bán hàng, học nấu ăn thì có tác dụng trau dồi nghiệp vụ gì đâu”.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, những năm trước, tỷ lệ lao động thất nghiệp đăng ký học nghề chỉ khoảng 2-3%, có thời điểm tỷ lệ này tăng lên khoảng 6%. Trong thời gian gần đây, mỗi tuần bình quân có khoảng 3.000 người đến đăng ký thất nghiệp, nhưng chỉ có hơn 100 người đăng ký học nghề (hơn 3%).

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng cũng tương tự. Làm công nhân may tại công ty may mặc K.O được 2 năm, nhưng do công ty khó khăn phải cắt giảm lao dộng cho nên chị Lê Thùy Mai (quê Bình Định) bị thất nghiệp. Chị Mai lên Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không có ý định học nghề để chuyển đổi nghề khác. Chị Thùy Mai chia sẻ: “Em chỉ muốn theo nghề may, do đã làm thành thạo trong mấy năm qua. Muốn học nghề khác thì cần thời gian dài để học và trong thời gian này sẽ không có thu nhập. Học nghề xong cũng không biết có xin được việc làm hay không”.

Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Khoảng 80 - 90% người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông. Lực lượng này khi bị mất việc, cuộc sống sẽ rất khó khăn, cộng thêm việc trước đó không có tích lũy, nên rất ngại học nghề. Để giúp người thất nghiệp tiếp cận thông tin về học nghề, Trung tâm đã phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp tại các văn phòng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Từ đầu năm đến nay, có gần 62.000 được nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có hơn 600 người đăng ký tham gia học nghề (chưa được 1%).

Cần thiết thực hơn

Theo các chuyên gia, do phần lớn lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm là lao động phổ thông, nên việc được đào tạo nghề là cần thiết, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ dạy nghề sau thất nghiệp đang theo kiểu làm cho có, không tạo được động lực cho người lao động tham gia. Chẳng hạn, thời gian đào tạo được hỗ trợ theo quy định nhiều nhất 6 tháng là quá ngắn. không đủ thời gian học trọn vẹn một nghề mới hoặc nâng cao trình độ hiện có.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP Hồ Chí Minh, Các danh mục ngành nghề đào tạo chủ yếu là trình độ sơ cấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động. Khoản tiền hỗ trợ thấp nên cũng khó thu hút người thất nghiệp đi học nghề. “Để chính sách hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp đạt hiệu quả cao, cần có sự gắn kết giữa cung và cầu lao động, cụ thể là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để người lao động học xong có việc làm ngay, có như vậy mới tạo động lực cho người lao động thất nghiệp đi học nghề”, ông Hải nói.

Theo đại diện Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), tâm lý người thất nghiệp là có việc làm ngay, vì vậy việc tư vấn học nghề phải hướng tới những nghề học xong sẽ tìm được việc, những nghề mà thị trường lao động đang cần. Tuy nhiên, hiện nay các Trung tâm đào tạo nghề có chức năng dạy nghề cho người lao động thất nghiệp lại không có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu này, mà chỉ dừng ở mức “có gì đào tạo nấy”, buộc người lao động phải học những nghề Trung tâm có, thay vì theo mong muốn, nguyện vọng của họ.

Còn ông Nguyễn Toàn, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Qua thực tế nhận đào tạo nghề cho người thất nghiệp, chúng tôi nhận thấy, muốn thu hút lao động đi học, chúng ta cần thay chính sách hỗ trợ học nghề cho họ. Trong đó, cần nâng cao mức hỗ trợ học nghề, bởi nhiều nghề sơ cấp nhưng chi phí đào tạo lại rất cao. Chẳng hạn như nghề lái xe ô tô, sửa xe ô tô… mỗi khóa học người lao động phải đóng ít nhất vài triệu đồng mới đủ học phí. Do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có tích lũy nên lấy đâu ra tiền mà đóng học phí. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp cho họ dễ tìm việc làm ngay khi ra trường. Giáo viên trường nghề cần trực tiếp tư vấn cho người lao động, để người lao động hiểu rõ hơn các nghề muốn học. Ngoài ra, các trường, trung tâm cũng nên mở thêm các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động, giúp người lao động trang bị kỹ năng cần thiết khi đi xin việc, làm việc tại môi trường mới”.
Xuân Minh - Hoàng Tuyết
Huy động doanh nghiệp tham gia
Huy động doanh nghiệp tham gia

Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, về các giải pháp để tăng hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN