Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Quảng Bình chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức nên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình được khẳng định là một đơn vị khá trong toàn quốc.

Toàn ngành đang vững bước trên con đường đổi mới, ngày càng chú trọng đầu tư phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Bình, Đinh Quý Nhân cho biết: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mục tiêu để các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, các em học sinh, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân phấn đấu, vì một nền GD&ĐT của tỉnh ngày càng đổi mới, phát triển nhanh và bền vững. Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như của địa phương, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, các trường học trên địa bàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của địa phương.

Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp là ngôi trường luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Bình. Nguồn: dantri.com.vn

Đến nay tỉnh Quảng Bình có trên 850 trường, cơ sở giáo dục, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi huy động học sinh đến trường trong độ tuổi. Hiện có 325 trường đạt chuẩn quốc gia; 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trung học cơ sở và xóa mù chữ cấp độ 1 trở lên. Năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động các cháu nhỏ từ 2 tuổi đi nhà trẻ đạt 26,3%, mẫu giáo 97,2%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,99% và tỷ lệ người biết đọc, biết viết 98,1%...

Thông qua nguồn vốn đầu tư, các chương trình, dự án, ngành GD&ĐT Quảng Bình đã đầu tư, nâng cấp thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời, phòng học ngoại ngữ và thiết bị học tập, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử E-learning cho các các trường học... Qua đó, góp phần hình thành hệ thống trường, lớp theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đặc biệt, ngành cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó 100% xã đạt tiêu chí thuộc nhiệm vụ của ngành và gần 50 xã đạt tiêu chí trường học.

Quảng Bình là tỉnh nghèo, lại thường xuyên bị thiệt hại do bão lũ gây ra nên cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học, nhà ở công vụ cho giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều địa phương chưa đủ điều kiện để tổ chức bán trú cho cấp học mầm non; hệ thống phòng học bộ môn, nhà đa chức năng, phòng thiết bị, thư viện còn thiếu, không đồng bộ và chưa đúng quy cách...

Năm 2018, ngành GD&ĐT Quảng Bình phấn đấu có 384 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 65,7%; duy trì 158/159 xã đạt phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và 97,48% mức độ 3; 98,7% xã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học lên 76,5%. Cùng với đó, củng cố vững chắc tỷ lệ huy động học sinh đến trường trong độ tuổi; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, thành lập trường trung học cơ sở hoặc trường liên cấp ở các địa phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển các trường, lớp ngoài công lập.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT Quảng Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng thuận, phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành; năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy giáo dục và đào tạo, quyết tâm phấn đấu đạt được những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 29, thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước và của ngành. Tiếp tục đổi mới và tăng cường hiệu lực công tác quản lý giáo dục, coi đây là khâu đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tạo sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; chăm lo, tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục vùng khó khăn, dân tộc thiểu số; duy trì, củng cố và tăng tỷ lệ phổ cập, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành. Thực hiện tốt Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, xây dựng quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050… Từ đó, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo". Xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tạo dựng môi trường sư phạm lành mạnh, trường học thân thiện, phát huy tính chủ động, tích cực của giáo viên và học sinh. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hoàn thiện công tác quy hoạch sắp xếp hệ thống mạng lưới trường, lớp; đa dạng hoá các loại hình, phương thức đào tạo, kết hợp hài hoà, hợp lý giữa đào tạo chính quy và các loại hình đào tạo khác; chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội.

Võ Dung (TTXVN)
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 12 đi qua, tại tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn rất nhiều trường học bị hư hỏng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN