Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 12 đi qua, tại tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn rất nhiều trường học bị hư hỏng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Trường Tiểu học Phước Thịnh (thành phố Nha Trang) bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 12.

Tuy nhiên, với những nỗ lực phát huy nhân lực tại chỗ của tập thể cán bộ, giáo viên, hiện công tác dạy và học tại tỉnh Khánh Hòa đã ổn định và đi vào nề nếp.

Theo Sở Giáo dục Đào tạo Khánh Hòa, sau bão, số phòng học bị tốc mái đã dần được khắc phục, trần nhà tạm thời tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Những phòng học bị bay mái chưa khắc phục, đã được cách ly, học sinh các trường thiệt hại nặng, tạm sắp xếp học 1 buổi/ ngày để đảm bảo chương trình. Nhiều bếp ăn bán trú đã được khôi phục trong điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh đúng quy định. Ngành cũng không có thiệt hại về người đối với giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, thiệt hại về nhà cửa, tài sản của nhiều gia đình giáo viên là rất lớn. Những ngày qua, sở đã chỉ đạo công đoàn các trường chia sẻ, động viên tinh thần để các thầy cô yên tâm đứng trên bục giảng.

Tại Trường Mầm non Ninh An (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) - điểm trường thôn Sơn Lộc vẫn còn nguyên dãy nhà nằm trơ trọi, trống không với những bức tường tróc vôi, trơ gạch.

Cô Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 9 điểm trường thì điểm Sơn Lộc bị thiệt hại nặng nhất, toàn bộ mái và trần bị sập hoàn toàn, đến nay chưa thể khắc phục xong. Ngày học trở lại đầu tiên sau bão, hơn 100 trẻ của 3 lớp phải học nhờ tại 3 phòng học mượn tạm của Trường Trung học cơ sở Phạm Ngũ Lão kế bên. Tuy điều kiện còn thiếu thốn, đồ dùng học tập, đồ chơi không đầy đủ, nhưng cô và trò đều cố gắng vượt qua. Trước mắt, trẻ chỉ học 1 buổi/ngày thay vì 2 buổi/ngày như trước đây. Trong khi đó, tại Trường Mẫu giáo Ninh Sơn (xã Ninh Sơn), điểm trường chính có 9 lớp thì hiện nay chỉ còn 3 phòng có thể học được nên học sinh các lớp phải học ghép.

Ông Lê Quang Thạch, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho biết, ngành Giáo dục thị xã bị thiệt hại lớn do bão, ước tính hơn 50 tỷ đồng. Sau hơn hai tuần khắc phục, gần hết các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều có thể học lại. Đối với một số điểm trường bị thiệt hại nặng, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch bố trí thời gian tăng tiết, bù giờ để các em theo kịp với chương trình chung.

Ngay sau bão tan, toàn thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên trường trường Tiểu học Thị Trấn Khánh Vĩnh (huyện miền núi Khánh Vĩnh) đã cùng bộ đội, công an và đoàn thanh niên mỗi người mỗi việc, tất cả đều khẩn trương lợp mái, thay thế la phông và hệ thống điện để kịp đón học sinh quay trở lại trường.

Thầy Nguyễn Trọng Sỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các giáo viên chủ nhiệm đã kịp thời đến từng nhà học sinh để thăm hỏi cũng như nắm tình hình thiệt hại, từ đó kịp thời vận động các em trở lại trường sau bão. Đến thời điểm này, các em đến trường đông đủ, song nỗi lo lớn nhất của trường chính là công tác phục vụ ăn bán trú cho học sinh, bởi hệ thống nhà ăn bị ảnh hưởng rất lớn.

Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) cũng rơi vào cảnh tương tự. Song, nỗi lo lớn nhất của nhà trường là sĩ số lớp, bởi toàn trường có đến 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa số gia đình các em đều bị thiệt hại do bão. “Chúng tôi là trường đầu tiên của huyện miền núi triển khai cho học sinh đi học từ ngày 8/11, tuy nhiên đa số các lớp vắng khá nhiều, có lớp vắng đến một nửa sĩ số ngày thường. Đa số học sinh vắng học là do gia đình khó khăn, sách vở ướt, mặc khác các em phải giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa. Riêng chương trình học, chúng tôi thực hiện tăng tiết, bù giờ nên công tác dạy và học hiện khá ổn định”, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó Hiệu trưởng trường cho hay.

Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ là một trong những trường học của thành phố Nha Trang bị thiệt hại nặng nhất. Ở khu vực thư viện nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chuyên trách thư viện cho biết, gió bão giật bay 50% mái thư viện, khiến nước mưa tràn vào. Thầy Phạm Ngọc Thắng, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng trước mắt, nhà trường sử dụng một số phòng máy chiếu, phòng thực hành, phòng bồi dưỡng học sinh giỏi… để bố trí đủ phòng học cho hơn 2.000 học sinh của nhà trường kịp theo tiết và chương trình.

Ông Nguyễn Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện tại các trường chủ động dạy và học để theo kịp chương trình, đặc biệt là đối với các em học sinh khối 12. Theo tình hình hiện tại, ít nhất phải 2 đến 3 tuần nữa, các trường trên địa bàn tỉnh mới kịp theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh dạy và học, công tác tổ chức bán trú tăng cường việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, khu vực nhà vệ sinh, chú ý phòng tránh dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm cho cả giáo viên và học sinh.

Cùng với việc ổn định hoạt động dạy học, toàn ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa chung tay tiếp tục khắc phục thiệt hại sau bão, hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ đề ra. Vì vậy, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017 tại Khánh Hòa khác hẳn với mọi năm. Chương trình sẽ được tổ chức trong 2 tiết, sau đó quay trở lại dạy học ngay, không tổ chức liên hoan, tiết kiệm tối đa và không tổ chức nhận quà của phụ huynh học sinh.

Dịp 20/11 năm nay có lẽ sẽ không vui như mọi năm, nhưng các thầy cô cũng rất thông cảm với tình hình khó khăn hiện nay và cùng chung sức khắc phục. Sở cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức thăm hỏi các nhà giáo lão thành, nhà giáo nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các nhà giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thiệt hại do bão, lũ.


Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Đổi mới giáo dục từ chính sách đãi ngộ
Đổi mới giáo dục từ chính sách đãi ngộ

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu không tạo được một cơ chế sử dụng, đánh giá, đãi ngộ tương xứng thì nhà giáo không yên tâm sống với nghề và điều này ảnh hưởng đến sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN