Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc - Bài cuối: Chăm lo giáo dục vùng khó khăn

Chất lượng dạy và học cũng như giải quyết chế độ cho giáo viên các trường học vùng cao luôn được các cấp ngành quan tâm chăm lo, nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng khó khăn.

Đến trường rất vui


Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành nêu rõ một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), nhờ đó, đến nay, hầu hết các trường ở vùng cao trên khắp cả nước đã lập mô hình bán trú, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Học sinh bán trú ngoài học tập còn được tham gia các hoạt động ngoại khoá nhằm nâng cao kỹ năng sống.

Nhờ mô hình này, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được áp dụng và đưa vào phục vụ cho công tác bán trú. “Sau mỗi buổi học, thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi, thì các em được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày; được học các kỹ năng sống cũng như các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, từ đó về tuyên truyền cho người thân trong gia đình và bà con chòm xóm áp dụng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, bữa ăn nóng hổi hằng ngày tại bếp ăn bán trú đã giúp học trò vùng cao ấm lòng và phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho con đến trường học chữ”, thầy giáo Trần Anh Khoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ.


Nhờ mô hình bán trú được tổ chức cùng với những hình thức hoạt động vừa thân thiện, vừa mang tính giáo dục cao tại nhà bán trú, các em học sinh vùng cao đã coi đây là ngôi nhà, là mái ấm của mình. “Chúng em cảm thấy gắn bó và có thêm quyết tâm học tập khi được Nhà nước hỗ trợ, được thầy cô chăm lo hằng ngày”, em Tẩn Mai Linh, học sinh lớp 5A2, Trường tiểu học Trịnh Tường chia sẻ. Cũng từ mô hình này, nỗi lo về duy trì sĩ số học sinh đã gần như không còn ở nhiều trường học vùng cao nữa.

Sau ngày nghỉ cuối tuần, học sinh lại trở về trường.

“Từ khi có mô hình trường học bán trú, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tại các nhà trường vùng cao luôn chiếm từ 98-100% học sinh trong độ tuổi. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh đã nhận thức được sâu sắc vai trò của sự học và quyết tâm theo học hết cấp. Đó cũng là tín hiệu vui đối với các trường học ở vùng cao”, thầy Trần Văn Kiên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) khẳng định.


Nâng cao chất lượng dạy và học


Thày giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường PT - DT Bán Trú tiểu học Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức thi khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh (HS) để phân luồng chất lượng HS, đồng thời phân công giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém.

Cơ sở vật chất trường lớp đã đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát huy tính tích cực, phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong dạy học theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng của HS; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như dạy và học. Tổ chức cho HS tham gia các lớp bồi dưỡng bộ môn để tự nâng cao năng lực học tập, tìm hiểu chuyên sâu để kích thích tinh thần tự học của các em. Công tác kiểm tra, quản lý nội trú đối với HS luôn được nhà trường thực hiện nghiêm ngặt, nhà trường phân công cán bộ, giáo viên hướng dẫn các em tự học buổi chiều, buổi tối đảm bảo thời gian và chất lượng học tập. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống và chăm sóc sức khỏe cho HS luôn được quan tâm.


Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, hàng tháng các trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, qua đó giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm, đặc biệt là các thầy cô giáo mới công tác, còn bỡ ngỡ trong quá trình giảng dạy. Ban giám hiệu các nhà trường cùng các tổ trưởng chuyên môn bàn bạc thống nhất phân nhóm học sinh theo học lực để có phương pháp dạy phù hợp với trình độ nhận thức của từng nhóm, tổ chức dạy phụ đạo cho các học sinh yếu kém.


Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng cao cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Hằng năm, vào dịp hè tất cả các giáo viên đều được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian một tuần ở trung tâm huyện. Các cán bộ quản lý cũng đều được tạo điều kiện đi học để đảm bảo đủ điều kiện lãnh đạo quản lý. Mặt khác, giáo viên muốn đi học để nâng cao trình độ cũng được tạo điều kiện đi học, không phân biệt giáo viên mới và nghề hay lâu năm.


“Không phải bất kỳ giáo viên nào cũng có điều kiện tiếp cận dễ dàng các phương tiện dạy học hiện đại, hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ trong thời gian đi dạy. Vì vậy, việc đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn trong dịp hè là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên, qua đó giúp cho thầy, cô giáo kịp thời tiếp cận, làm quen cái mới, cái sắp thay đổi, cải tiến, đồng thời củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết về những phần kiến thức, kỹ năng sư phạm còn thiếu, còn hạn chế”, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai chia sẻ.


Chăm lo giáo viên vùng khó


Thời gian qua, đã có nhiều Nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, trong đó có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng cao.


Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà giáo, CBQL giáo dục công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo và CBQL giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trong nhiều năm trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong điều động, luân chuyển và bố trí giáo viên của những vùng này. Các chế độ ưu đãi được chi trả kịp thời, nên đã động viên khuyến khích các nhà giáo yên tâm công tác lâu dài, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vui chơi trong giờ ra chơi của học sinh bán trú.

Đã 20 năm có lẻ gắn bó với công tác giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Duân, Trường phổ thông DTBT tiểu học và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chia sẻ: “Xã đặc biệt khó khăn Trạm Tấu hầu hết là đồng bào Mông sinh sống. Cuộc sống nơi miền sơn cước thật sự chứa đựng biết bao khó khăn, chỉ những ai đã từng trực tiếp sống ở những vùng đất như thế mới thấy hết được những vất vả mà các thầy cô giáo phải trải qua để đưa được con chữ đến với các em học sinh. Nhà Tôi lại ở tận ngoài thị xã Nghĩa Lộ, cách trường gần hơn 20 cây số, nên thứ Bảy, Chủ Nhật tôi mới về thăm nhà. Đường sá khó đi, nên nhiều khi trường có việc thì lại phải ở lại. Ngày xưa, đời sống của chúng em vất vất vả lắm, nhưng giờ đây đã khá hơn nhiều rồi. Chế độ đối với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn như chúng tôi đã được quan tâm hơn, như vậy đã có thêm khoản tiền để đỡ đần gia đình và yên tâm công tác hơn”.


Ngoài các chế độ, chính sách, nhà giáo, cán bộ giáo dục ở vùng khó khăn có gia đình, còn được chính quyền một số địa phương cho mượn đất để làm nhà, vườn ồn định cuộc sống. “Đến nay xã đã cấp khoảng 20 suất đất cho trên 20 cặp thày cô xây dựng gia đình với nhau. Do xã không có quỹ đất, nên diện tích đất này là đất rừng, nên chỉ có thể cho các thày cô mượn. Khi các thày cô không có nhu cầu ở thì phải trả lại cho xã, để xã cấp cho thày cô khác có nhu cầu”, ông Lỳ Đồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết.


Thày giáo Phạm Văn Đồng, quê ở tận Hải Dương lên công tác ở Trường THCS Chung Chải tâm sự: “Cách nay hơn chục năm lên đây, tôi không nghĩ là có thể trụ được ở nới rừng thiêng, nước độc này. Khó khăn trăm bề. Thế rồi dần cũng quen. Đặc biệt là khi xây dựng gia đình, vợ chồng tôi được xã cho mượn khoảng 250 m2 đất để làm nhà ở. Mừng lắm. Cuộc sống cứ thế trôi, nay ổn định rồi. Mọi chế độ, chính sách ở xã đặc biệt khó khăn, biên giới này chúng tôi đều được nhận đầy đủ và kịp thời. Chúng tôi đã xác định gắn bó với vùng đất này và học sinh thân yêu nơi đây rồi”.


Mặc dầu vậy, theo phản ánh của lãnh đạo giáo dục cấp cơ sở, cuộc sống của giáo viên vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ, tránh việc triển khai chính sách chồng chéo, bất cập giữa các Nghị định số 116, Nghị định 61, Nghị định 19... Việc ban hành chính sách cần có khảo sát kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành và sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương.


Bài và ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)
Chuyện về những thầy giáo mầm non cắm bản
Chuyện về những thầy giáo mầm non cắm bản

Bài hát “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương” đã đi vào bữa ăn, giấc ngủ của các em nhỏ mầm non. Ở những bản vùng cao miền núi xa xôi ở Lai Châu như Tia Ma Mủ, Pà Khà 2, Nậm Ngà, Nậm Dính hay Trường mầm non trung tâm xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, "mẹ" của các em nhỏ là các... thầy giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN