Mô hình trường học mới ở Thanh Hóa

VNEN là mô hình trường học mới được giảng dạy theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản như: Mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp…

Sau 3 năm triển khai tại Thanh Hóa, mô hình trường học mới đã cho thấy những ưu điểm nổi trội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Chuyển biến về chất lượng

Theo ông Lê Duy Cảng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: Thanh Hóa có 91 trường tiểu học tham gia mô hình trường học mới, trong đó có 15 trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, 46 trường thuộc khu vực miền núi, trường xa nhất cách thành phố khoảng 250 km. Để mô hình trường học mới triển khai hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các nhà trường ưu tiên tối đa về cơ sở vật chất phòng học, thiết bị giảng dạy và dụng cụ học tập, lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên môn vững, khả năng thích ứng nhanh, được tập huấn nâng cao nghiệp vụ để giảng dạy các lớp của dự án.

Theo đánh giá của giáo viên tham gia mô hình, đây là mô hình dạy học mới cả về chương trình, phương pháp dạy và cách thức tổ chức lớp học. Trong quá trình dạy học, bên cạnh yêu cầu giáo viên đổi mới phương pháp dạy một cách triệt để, tránh lối dạy "đọc - chép", mỗi học sinh trong lớp học cũng phải tuân thủ 10 quy định về tự học, tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập của cá nhân và các bạn; kỹ năng hợp tác, tương tác lẫn nhau trong giao tiếp...

Những đứa trẻ mồ côi, những em bé khuyết tật của những gia đình nghèo vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, được cô Nguyễn Thị Thông tận tâm dạy chữ mà không thu bất kỳ đồng học phí nào. Ảnh: Trịnh Duy Hưng-TTXVN

Do được thường xuyên trao đổi, chia sẻ với các bạn trong nhóm, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập nên phần lớn học sinh khi tham gia mô hình trường học mới rất tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp. Thông qua mô hình trường học mới, nhiều học sinh đã được học các kỹ năng sống; mối quan hệ với cộng đồng và quan trọng nhất là các em đã phát huy năng lực, sở trường của bản thân để từ đó giáo viên và phụ huynh có điều kiện khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển khả năng của học sinh.

Cô giáo Lê Thị Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân cho biết: Khi tiếp nhận dự án mô hình trường học mới, nhà trường gặp không ít khó khăn, nhất là trong khâu tổ chức lớp học, phương pháp dạy học, sử dụng hồ sơ chuyên môn và đánh giá học sinh. Một số học sinh còn nhút nhát, thiếu tự tin; có học sinh kỹ năng đọc hiểu chưa tốt nên bước đầu khó tiếp cận. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn để tiếp cận và triển khai mô hình có hiệu quả. Điều đáng ghi nhận từ dự án là từ học kỳ hai năm học đầu tiên, các thầy cô giáo và học sinh rất phấn khởi, tự tin, yêu thích việc dạy và học theo mô hình trường học mới. Chất lượng học sinh có những chuyển biến đáng kể, các em đã tự tìm tòi, khám phá để chủ động chiếm lĩnh kiến thức một cách vững chắc; nhiều kỹ năng sống quan trọng cũng được hình thành trong học sinh như kỹ năng hợp tác, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày trước đám đông, kỹ năng tổ chức các hoạt động…

Cần nhân rộng

Thay vì để các thầy cô giáo tự thiết kế lớp, tại Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn, các học sinh và phụ huynh được khuyến khích tham gia các hoạt động hằng ngày, hằng tuần của nhà trường như: Vệ sinh môi trường, trồng cây cỏ, lá hoa, chăm sóc cây, trang trí các góc học tập... Học sinh hào hứng với những góc học tập mới như góc khoa học, góc tự nhiên xã hội... Ban Cán sự lớp trước đây, nay được thay thế bằng Hội đồng tự quản. Hội đồng này do tập thể lớp bầu ra chứ không phải do cô giáo chủ nhiệm chỉ định.

Phương pháp dạy học theo mô hình cũng được đổi mới rõ rệt, chuyển từ giảng dạy của giáo viên sang hướng dẫn, giúp đỡ việc tự học của học sinh. Giáo viên đã lựa chọn, điều chỉnh kiến thức, điều chỉnh logo để phù hợp với đối tượng học sinh và thực tế của địa phương, quan tâm đến phát triển các năng lực tự phục vụ, tự quản, năng lực giao tiếp, hợp tác, năng lực tự học và giải quyết vấn đề; thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực. Những nhận xét, đánh giá của giáo viên trong từng tiết học, từng hoạt động giáo dục có tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh... Sau một thời gian triển khai thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới, chất lượng giáo dục nhà trường được đánh giá khá tốt. Ngoài phát triển kiến thức, hầu hết học sinh đã thay đổi rõ rệt về giao tiếp, mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập.

Với những ưu điểm của mô hình trường học mới, hiện nay không chỉ các trường được lựa chọn thực hiện dự án tiếp tục tổ chức và duy trì mô hình trường học như thế này, mà rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh không nằm trong diện phải thực hiện cũng đã áp dụng đưa một số nội dung chương trình trường học mới vào triển khai trong nhà trường. Đây là một bước quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Khiếu Tư
Giảng viên không còn là “trung tâm”
Giảng viên không còn là “trung tâm”

Trong những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học ở bậc đại học được các trường đẩy mạnh với nhiều chuyên ngành. Phương pháp giảng dạy truyền thống - lấy giảng viên làm trung tâm - đã không còn phù hợp với thực tiễn ở các trường đại học tiên tiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN