Giảng viên không còn là “trung tâm”

Trong những năm gần đây, việc đổi mới phương pháp dạy học ở bậc đại học được các trường đẩy mạnh với nhiều chuyên ngành. Phương pháp giảng dạy truyền thống - lấy giảng viên làm trung tâm - đã không còn phù hợp với thực tiễn ở các trường đại học tiên tiến.

Thầy nói, trò nghe

Tình trạng sinh viên ngủ trên giảng đường trong giờ học không còn xa lạ. Giảng viên cứ nói, một số sinh viên tranh thủ ngủ bù. Sinh viên Nguyễn Văn Quyết (ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Khi bước chân vào giảng đường đại học, em hoàn toàn choáng ngợp với phong cách dạy hoàn toàn khác với phổ thông. Khối lượng kiến thức rất lớn, nhưng hầu như giảng viên chỉ dẫn các đề mục, còn lại là sinh viên tự học ở nhà. Có những lúc thấy thầy cô như độc thoại trên giảng đường”.

Nhiều giảng viên đại học đang nỗ lực tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Theo nhiều giảng viên, phương pháp phổ biến hiện nay là phương pháp giảng dạy thuyết trình. Trong đó, giảng viên được coi là trung tâm, thuyết giảng các khối kiến thức qua các bài giảng dựa vào các giáo trình, sách giáo khoa... Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh (CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh), đến nay nhiều giờ thuyết trình của giảng viên vẫn hấp dẫn sinh viên bởi nội dung cô đọng, rõ ràng và điểm nhấn là cách truyền đạt hài hước, cuốn hút. Tuy nhiên, phương pháp thuyết trình này không còn phù hợp với xu thế hiện đại nữa. Theo Ths Nguyễn Quỳnh Trang (ĐH Đông Đô) với phương pháp thuyết trình sinh viên khá thụ động và không có khả năng tập trung. Bên cạnh đó, sự trao đổi giữa giảng viên và sinh viên cũng hạn chế. “Giảng viên truyền đạt thông tin một chiều và phải luôn nỗ lực tìm hiểu những khó khăn mà người học gặp phải trong việc tiếp thu nội dung bài giảng. Sinh viên phải lắng nghe, ghi chép, cố nhớ để lặp lại các kiến thức đã được truyền giảng vì các đề thi cuối khóa, tốt nghiệp thường yêu cầu gợi lại trí nhớ”, Ths Nguyễn Quỳnh Trang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Ths Nguyễn Văn Mỹ, ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết: “Phương pháp thuyết trình không khuyến khích người học phát triển kỹ năng tổ chức và tổng hợp nội dung. Giảng viên không kiểm soát được thời gian mà người học dành ra để tìm hiểu bài và ghi nhớ sâu các nội dung được trình bày.

Linh hoạt trong phương pháp

Đánh giá chung của nhiều giảng viên thì các trường đại học ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển và tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cơ chế để các trường thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy cũng khá rõ ràng. Đặc biệt khi Nghị định 73/2015/NĐ - CP ngày 8/9/2015 quy định về tiêu chuẩn, phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo, Nghị quyết 77/NQ - CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, có hiệu lực; đòi hỏi các trường đại học phải chủ động trong các hoạt động giáo dục đào tạo.

PGS TS Nguyễn Tiến Thảo, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Tùy theo triết lý đào tạo của từng cơ sở giáo dục ĐH, mà đòi hỏi giảng viên có phương pháp khác nhau. Nếu là trường ĐH nghiên cứu thì giảng viên phải có điều kiện nghiên cứu khoa học, đưa kiến thức vào ứng dụng khoa học thực tiễn; gắn sinh viên với môi trường tự học, tự tư duy, tự nghiên cứu. Với các trường ĐH định hướng ứng dụng, thì giảng viên cần kiến thức thực nghiệm, trải nghiệm để sinh viên bám sát yêu cầu lao động, kỹ năng thực hành, tay nghề để ra trường đáp ứng được nhu cầu lao động.

“Vừa nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy, tôi luôn tìm hiểu học hỏi và áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, gắn bài giảng lý thuyết với kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Tìm kiếm các công cụ hỗ trợ bài giảng trực quan sinh động. Gắn học tập của sinh viên với nghiên cứu khoa học”, PGS TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh. Đây là cách mà nhiều giảng viên thuộc các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin đang áp dụng.

Tuy nhiên, theo nhiều giảng viên thì họ cũng cần được tạo điều kiện để trao đổi học thuật, phát triển nghiên cứu; Các giảng viên làm việc trong các trường ĐH nghiên cứu cần có thời gian nghỉ định kỳ để thay đổi môi trường làm việc và phát huy khả năng học hỏi, khám phá kiến thức mới...
Lê Vân
Thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học
Thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhấn mạnh cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN