Lời giải cho bài toán nhân lực số

Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Để làm rõ những định hướng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực số cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những trao đổi với phóng viên báo Tin tức.

Video PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: 

Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm thuộc các lĩnh vực: Máy tính và Công nghệ thông tin, Điện tử - viễn thông, An toàn thông tin vào khoảng hơn 53.000. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng nhân lực số là khoảng 100.000 người/năm. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đề án hay chủ trương nào trong việc đào tạo nhân lực số đáp ứng nhu cầu xã hội, thưa bà?

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng. Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động trí thức.       

Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một trong những nền móng quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số chính là nhân lực số. Với trụ cột này, chiến lược hướng đến tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng, với điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo. Chiến lược đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong đó tăng mạnh chỉ tiêu đào tạo các ngành Công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số và các lĩnh vực có liên quan (tương ứng cùng đó là tăng đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng).

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ở các lĩnh vực ngành, nghề đào tạo mở thêm các chuyên ngành đào tạo và đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ tiến sĩ về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.     

Nhằm thúc đẩy đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực ICT, ngay từ cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có hướng dẫn các cơ sở đào tạo về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT. Theo đó cho phép các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên này, đồng thời gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Trong quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT chính thức đưa lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.     

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất cao phục vụ công nghệ cao trong đó lĩnh vực ICT là lĩnh vực được ưu tiên, theo kế hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2024.   

Đồng thời, Bộ đang hoàn thiện Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, trong đó có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo thông qua việc áp dụng mô hình thí điểm đào tạo trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời, chỉ đạo nhóm các trường đại học lớn có uy tín về đào tạo lĩnh vực CNTT như: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông... tham gia triển khai thí điểm, theo đó sẽ xây dựng Đề án thí điểm về đào tạo nguồn nhân lực CNTT.  

Thưa bà, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo cụ thể như thế nào với các cơ sở giáo dục đại học trong việc cập nhật chương trình đào tạo, kiểm định để đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo nhân lực số với các ngành học nền tảng của đào tạo nhân lực số?      

Về việc cập nhật chương trình đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Trong các chỉ thị năm học, Bộ đều có chỉ đạo các cơ sở đào tạo rà soát, cập nhật chương trình đào tạo và triển khai công tác bảo đảm chất lượng. Việc tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong toàn bộ quá trình từ xây dựng cho đến rà soát, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, từ đó đáp ứng được với các yêu cầu mới từ thực tiễn, từ thị trường lao động.     

Hiện nay, Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Máy tính và CNTT, khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ. Chuẩn Chương trình đào tạo đối với trình độ đại học đã hoàn thành dự thảo và hiện đang trong quá trình thẩm định trước khi trình để ban hành. Chuẩn Chương trình đào tạo đối với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đang tiếp tục được xây dựng.

Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Máy tính và CNTT công bố các yêu cầu tối thiểu đối với một Chương trình đào tạo để đào tạo ra nhân lực trong khối ngành này, sẽ là công cụ để quản lý nhà nước cũng như triển khai công tác bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các ngành đào tạo này. Các cơ sở đào tạo hàng đầu về chất lượng, có uy tín, có thương hiệu hoàn toàn có thể công bố đáp ứng các yêu cầu cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, so với mức yêu cầu tối thiểu này.     

Về công tác kiểm định chất lượng Chương trình đào tạo, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở đào tạo triển khai thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Theo đó đối với các ngành đào tạo mới mở sau khi Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 có hiệu lực bắt buộc phải triển khai kiểm định, nếu không thực hiện sẽ phải dừng tuyển sinh theo quy định.

Vậy, mô hình “Giáo dục đại học số” được cụ thể hóa như thế nào với các trường đại học? Thế mạnh của mô hình này đối với nhu cầu nguồn nhân lực số là gì, thưa bà?     

Việc phát triển các mô hình giáo dục đại học số trên thế giới diễn ra theo nhiều hướng và tùy thuộc vào từng quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức giáo dục cụ thể. Sự phát triển các mô hình giáo dục đại học số trên thế giới đang diễn ra với sự đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, mở rộng học tập trực tuyến và Khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), linh hoạt hóa học tập, tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức, áp dụng công nghệ mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.     

Nhiều mô hình giáo dục học đại học số đang được các nước tiên tiến trên thế giới triển khai thành công. Trong điều kiện xã hội hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong mô hình giáo dục học đại học tại Việt Nam không phải là một ngoại lệ nếu đem so sánh với xu hướng giáo dục thế giới. Tuy vậy, bối cảnh mỗi nước đều có các đặc điểm riêng không hoàn toàn giống nhau và vì vậy, mô hình giáo dục đại học số của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành công của các nước tiên tiến. Mô hình mới cần được vận hành, thử nghiệm, phân tích kết quả, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng khắp trên toàn hệ thống.     

Việc thí điểm mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam không hướng đến xây dựng trường đại học mới, và cũng không đi vào xử lý các vấn đề chuyển đổi số trong từng cơ sở đào tạo đại học hiện nay. Thay vào đó, mô hình giáo dục đại học số này hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam, nâng cao khả năng tiếp cận tri thức của người học, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo, tăng liên kết giữa các trường trong hệ thống.     

Phát triển giáo dục đại học số và trường đại học số theo mô hình cộng tác và chia sẻ, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó sẽ tập trung thí điểm trong phạm vi các cơ sở đào tạo có uy tín và các lĩnh vực đào tạo có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ số; có tính mở, tạo sự lan tỏa và bảo đảm phát triển bền vững sau giai đoạn thí điểm.      

Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai dự án xây dựng các học liệu số, các khóa học, môn học trực tuyến dùng chung và nền tảng chung cần thiết, để có thể đưa vào sử dụng các môn học trực tuyến dùng chung cho các khối ngành đào tạo khác nhau trên toàn quốc, trong đó có máy tính và CNTT, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế, quản trị - quản lý, khoa học tự nhiên…  

Việc áp dụng mô hình giáo dục đại học số sẽ cho phép tăng khả năng tiếp cận (đặc biệt là tiếp cận được với cơ sở Giáo dục đại học có uy tín), thời gian học tập linh hoạt, giảm chi phí cho người học, dễ dàng cập nhật kiến thức, công nghệ tiên tiến, giúp người học nắm bắt được những kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực số.  

Với Giáo dục đại học số, việc xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học được triển khai đến nay đã những bước tiến như thế nào, thưa bà? 

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành “Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học” (kèm theo Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022). Bộ chỉ số gồm 14 tiêu chí cơ bản nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học.

Qua việc đánh giá mức độ chuyển đổi số hàng năm, các cơ sở đào tạo sẽ xác định được mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình, đặc biệt tìm ra những hạn chế để có kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả hơn.

Hiện nay, Bộ tiêu chí chuyển đổi số mới đang áp dụng ở các cơ sở đào tạo thuộc Bộ GDĐT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét đánh giá mức độ phù hợp để có quy định áp dụng chung cho tất cả các cơ sở đào tạo đại học trong hệ thống triển khai.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Lê Vân/Báo Tin tức
Triển khai đồng bộ hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số
Triển khai đồng bộ hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số

Ngày 10/10, tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Ngày Chuyển đổi số năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN