Sửa đổi Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Chú thích ảnh
Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu về các ngành nghề tại Ngày hội tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục 2019 xác định bồi dưỡng kiến thức văn hóa các môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục các trường chuyên biệt nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh dân tộc về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện, tạo nguồn tuyển vào các trường đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định cụ thể nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa dành cho học sinh dân tộc ở các trường dự bị đại học, đảm bảo thống nhất trong tổ chức giảng dạy giữa các trường dự bị đại học.

Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cho học sinh dân tộc, miền núi ngày càng trở nên cấp thiết. Trường dự bị đại học là nơi tạo nguồn, đào tạo đội ngũ học viên dân tộc thiểu số có đủ khả năng học tập ở các trường đại học trong cả nước với nhiều chuyên ngành khác nhau.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2021/TT-BGDĐT kèm theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức dự bị đại học là nền tảng để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ và định hướng chiến lược dài hạn cho giáo dục ở các trường dự bị đại học; cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với con em đồng bào các dân tộc.

Dự thảo Thông tư có một số điểm mới nổi bật như: Bổ sung môn Tin học thành môn bắt buộc trong chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa; Tổ hợp môn học đa dạng hơn, cho phép học sinh lựa chọn có hoặc không có Tiếng Anh và Tin học; Tăng thời lượng học cho các môn cốt lõi như Toán (8 tiết/tuần), Ngữ văn (7 tiết/tuần)… Cùng với đó, dự thảo Thông tư cũng tăng cường nội dung thực hành, thí nghiệm và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung kèm theo Chương trình bồi dưỡng kiến thức văn hóa của 11 môn học được giảng dạy tại trường dự bị đại học. Cụ thể: Học sinh dự bị đại học được bồi dưỡng kiến thức văn hóa ba môn theo tổ hợp môn đã sử dụng để xét tuyển vào trường dự bị đại học (môn 1, môn 2, môn 3 bao gồm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ) và môn Tiếng Anh, môn Tin học. Môn Tin học được đưa thành môn bồi dưỡng kiến thức văn hóa.

Bên cạnh đó, xây dựng tổ hợp các môn bồi dưỡng kiến thức văn hóa bảo đảm đa dạng, toàn diện, phù hợp với nhiều lựa chọn của học sinh dân tộc: Tổ hợp môn không có môn Tiếng Anh và Tin học; Tổ hợp môn có môn Tiếng Anh hoặc Tin học; Tổ hợp môn có đồng thời Tiếng Anh và Tin học.

Thời gian bồi dưỡng dự bị đại học là 1 năm học. Hiệu trưởng trường dự bị đại học quyết định Kế hoạch năm học đảm bảo đủ 28 tuần thực học, thời gian còn lại để tổ chức ôn tập, thi cuối khóa và các hoạt động khác. Chương trình có cấu trúc linh hoạt với khoảng 70% nội dung và thời lượng bắt buộc; 30% nội dung và thời lượng do nhà trường chủ động xây dựng phù hợp với nhu cầu học sinh, điều kiện của nhà trường.

Việt Hà (TTXVN)
Đòn bẩy hấp dẫn cho thí sinh chọn đại học chất lượng quốc tế, học phí ‘nội địa’
Đòn bẩy hấp dẫn cho thí sinh chọn đại học chất lượng quốc tế, học phí ‘nội địa’

Các trường đại học quốc tế đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chiến lược tuyển sinh. Thay vì tập trung xét tuyển thông thường dựa trên điểm chuẩn hay tổ hợp truyền thống, nhiều trường chủ động “chiêu mộ” học sinh giỏi thông qua học bổng giá trị cao bằng hình thức xét tuyển điểm thi THPT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN