Học sinh lớp 1 ở Yên Bái tập đọc nhanh hơn khi theo chương trình mới

Là địa phương miền núi phía Bắc, Yên Bái có tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số khá cao. Những tưởng trình độ học sinh không đồng đều cản trở việc tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng sau một học kỳ triển khai, kết quả đã vượt ngoài sự mong đợi.

Học sinh tự tin  

Tôi đến trường Tiểu học Kim Đồng (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) khi cô và trò lớp 1C trong giờ thảo luận nhóm. Mỗi nhóm gồm 2 học sinh cùng bàn đặt câu hỏi với đoạn văn trong sách giáo khoa. Thấy có người lạ, học sinh chủ động đồng thanh chào. Cùng một vài học sinh tập đọc, tôi thấy các em đã đọc thông, viết thạo. Sách tập viết dành cho học sinh cũng có những địa danh địa phương gần gũi như: Mù Cang Chải, Văn Chấn…  

Cô Phạm Ngọc Lan - người có 22 năm trong nghề- giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Học sinh cả lớp đã đọc thông, đọc những đoạn văn dài. Đặc biệt, các em có khả năng nói lên suy nghĩ của mình, tự giác. Năng lực nổi trội nhất của học sinh khi học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới chính là kỹ năng đọc viết, tự tin. Đây là sự khác biệt lớn nhất khi học sinh học theo chương trình mới”.  

Chú thích ảnh
Cô Phạm Ngọc Lan đang giảng bài. Ảnh: Lê Vân. 

Nhắc lại khoảng thời gian đầu tiên tiếp cận sách giáo khoa lớp 1, cô Phạm Ngọc Lan cho biết: “Lo lắng, áp lực, vất vả là có bởi lần đầu thực hiện chương trình mới. Bên ngoài xã hội nhiều ý kiến nói về các bộ sách khác nhau, phụ huynh kêu khó và sự đồ sộ của nội dung bài học. Câu hỏi làm sao để truyền tải cho học sinh hiểu một cách dễ dàng nhất luôn thường trực trong đầu tôi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn liên tục tập hợp các “ca khó” để cùng nhau gỡ. Cuối cùng, cả cô và trò đều vượt qua. Giờ đây tôi rất tự tin về “sản phẩm” của mình”.  

Mới đầu, một bài học tiếng Việt được thiết kế 4 phần trong 35 phút được xem là khá nặng. Cô Ngọc Lan cùng với những đồng nghiệp của mình tiếp tục họp nhóm đưa ra giải pháp kịp thời. Thông qua những tiết tăng cường buổi chiều, chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con ở nhà với phụ huynh, cô và trò lớp 1 trường tiểu học Kim Đồng đã vượt qua giai đoạn khó khăn một cách ngoạn mục.  “Hết học kỳ I, học sinh đã đọc thông viết thạo chỉ trong 18 tuần, trong khi chương trình cũ là 22 tuần học sinh mới đạt được các kỹ năng trên”, cô Phạm Ngọc Lan cho biết.  

TP Yên Bái vẫn là vùng có điều kiện thuận lợi khi các trường tiểu học đều có cơ sở vật chất và phòng học thông minh để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đến những vùng khó khăn hơn mới thấy những nỗ lực của các thầy cô, ngành giáo dục của tỉnh về chương trình này.  

Chú thích ảnh
Cô Đào Thị Mận cùng học sinh đọc bài. Ảnh: Lê Vân

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số là 69,5%. Trình độ học sinh không đồng đều, học sinh mới đi học vẫn chưa sõi tiếng Việt cũng khiến các thầy cô giáo lo lắng. Tuy nhiên, khi tôi được tham gia trải nghiệm tiết học đọc của học sinh lớp 1A1 của trường mới ngạc nhiên khi học sinh đã đọc trơn được. Đồng thời, học sinh khá hào hứng khi tương tác cùng nhau, cùng cô giáo với khuôn hình trên máy chiếu. Đây cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi hết học kỳ I.  

Cô Đào Thị Mận, giáo viên lớp 11A1 cho biết: “Chúng tôi cũng không áp dụng phương pháp gì đặc biệt, ngoài sự nhiệt tình. Học sinh học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà, vì thế, mỗi ngày chúng tôi dành 1 tiếng sau giờ học để tổ chức hoạt động học cùng các con. Với những chính sách về bán trú của tỉnh tốt hơn trước nên tỷ lệ đi học chuyên cần của học sinh đạt 100%, rất thuận tiện cho việc giảng dạy. Mặt khác, khi giáo viên gặp khó khăn, chúng tôi được khuyến khích chia sẻ để lãnh đạo Sở, phòng GD&ĐT cùng tháo gỡ. Những lớp học chuyên môn kịp thời giúp chung tôi tự tin đồng hành với học sinh vùng khó”.

 “Một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới chính là giáo viên được chủ động chuyên môn. Tôi thường xuyên thiết kế bài học theo hình thức trải nghiệm, tương tác, vì vậy học sinh đã tự tin hơn trước”, cô Đào Thị Mận cho biết.  Quả vậy, ở một số lớp học của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp, nhiều em tỏ ra tự tin khi đọc trơn từng từ, từng câu. Theo thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, đây cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và kết quả đạt được vượt ngoài sự mong đợi khi bắt đầu triển khai.  

Khó đến đâu gỡ kịp thời đến đó 

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp trải lòng: Tất cả những gì mới, ban đầu đều có những khó khăn nhất định. Xác định đội ngũ giáo viên chính là khâu then chốt để thành công chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường đã chọn những giáo viên có chuyên môn, đủ sự nhiệt tình nhất. Về cơ sở vật chất, mặc dù là vùng khó khăn nhưng nhờ Đề án sắp xếp trường lớp của tỉnh mà trường đã không gặp phải khó khăn khi còn điểm trường lẻ như trước kia”.  

Thừa nhận ban đầu giáo viên có những lúng túng khi triển khai, thầy Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên họp nhóm nêu lên những khó khăn khi thực hiện. Rất may, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên mở nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề đề tháo gỡ cho giáo viên. Từ đó, những công văn, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT huyện đến được với từng giáo viên”.

Video học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Lang Thíp (huyện Văn Yên, Yên Bái) đọc bài: 

Về hoạt động trải nghiệm, nếu như học sinh TP Yên Bái được đi thăm bảo tàng thì học sinh ở vùng khó được trồng rau, nuôi bò. Thầy Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trường có một mảnh đất đối diện trường để chính học sinh bán trú tăng gia, nuôi bò. Dạy học sinh rau gì, trồng như thế nào cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, sản phẩm chính học sinh sử dụng cũng rất thiết thực và ý nghĩa”.  

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái khẳng định: “Có thể nói, Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện đúng lộ trình đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, cơ quan chuyên môn Sở GD&ĐT đã phối hợp với địa phương rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học, ưu tiên phòng tốt nhất cho học sinh lớp 1. Đến thời điểm đầu năm học khi triển khai, phòng học đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Một số địa bàn còn có điều kiện dành những phòng học tiên tiến, phòng học thông minh để học sinh lớp 1 học”.  

Xác định đội ngũ giáo viên chính là khâu then chốt để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Đào Anh Tuấn cho biết: “Tập huấn giáo viên là một khâu rất quan trọng. Bên cạnh việc tập huấn giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là trực tuyến và trực tiếp thì Sở cũng tham mưu với tỉnh uỷ có nguồn kinh phí cho địa phương tập huấn trực tiếp. Chúng tôi đã giao cho phòng tiểu học chỉ đạo tổ cốt cán chuyên môn tỉnh, xây dựng bài tiết dạy phù hợp với đặc điểm vùng miền các địa phương Yên Bái. Đồng thời, quay clip đưa cho các giáo viên thảo luận trong tiết tập huấn”. Để đồng hành với giáo viên toàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT thường xuyên giao nhiệm vụ cán bộ chuyên môn và tổ giáo viên cốt cán cấp huyện kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ những khó khăn mà giáo viên gặp phải". 

“Chúng tôi tổ chức 2 đợt đi nắm bắt và hỗ trợ chuyên môn, giảm áp lực về mặt tâm lý cho giáo viên dạy lớp 1. Không đặt vấn đề kiểm tra đánh giá mà chỉ là nắm bắt khó khăn giáo viên. Tất cả những khó khăn của giáo viên đều được tập hợp lại tổ chức sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến đến 100% giáo viên dạy lớp 1”, ông Đào Anh Tuấn cho biết. 

Như vậy, với sự đồng hành kịp thời của các cấp, ngành, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Yên Bái đã thực sự đi vào thực chất. Đồng thời, đạt được những hiệu quả mà chương trình đề ra như tiến độ và năng lực tự tin của học sinh. 

Bài, ảnh, clip: Lê Vân/ Báo Tin tức
Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo lộ trình, năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới tiếp tục được triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Hiện nay, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN