Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các trường sơ kết việc thực hiện chương trình lớp 1, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn để từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có điều chỉnh, định hướng; chỉ đạo việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6; sớm hoàn thành việc biên soạn tài liệu địa phương; rà soát đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh Bạc Liêu tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữa Sở với các Phòng Giáo dục để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực trong 5 năm tới, để từ đó đặt hàng cho Trường Đại học Bạc Liêu và Đại học Cần Thơ đào tạo có địa chỉ.
Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh có quy hoạch cụ thể cả trường lớp và đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ tốt cho việc học tập của học sinh.
Về tình trạng lạm thu, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về các khoản thu cụ thể trong trường học nhằm hạn chế tình trạng này. Bộ cũng sẽ hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho địa phương mua sắm trang thiết bị trường học đảm bảo mua đủ, mua đúng, sử dụng có hiệu quả.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị Bạc Liêu đẩy mạnh truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tuyên truyền các gương người tốt việc tốt trong ngành giáo dục; đồng thời, xử lý tốt khủng hoảng trong ngành giáo dục khi có vấn đề xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng ghi nhận những ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm, hỗ trợ Bạc Liêu củng cố mạng lưới trường, lớp phát triển phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để hoàn thành mục tiêu Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
Ông Lữ Văn Hùng cũng chỉ đạo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cốt cán; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp…
Theo Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, giáo viên các cơ sở giáo dục trong tỉnh, nhất là giáo viên cốt cán được tiếp cận nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ý thức tự giác, nỗ lực trong nghiên cứu, tìm hiểu nội dung và tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các sở, ban, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhân sự đủ số lượng, đảm bảo chất lượng tham gia Ban biên soạn, thẩm định Tài liệu nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Bạc Liêu.
Tuy nhiên, tỉnh còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Việc biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương, do thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên tiến độ chưa đúng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, ở cấp Tiểu học có các môn Tin học, Tiếng Anh và một số hoạt động giáo dục nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ chưa có quy đinh cụ thể việc tuyển dụng giáo viên các môn này. Đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn, nhất là các môn mới, môn ghép, các hoạt động giáo dục nên việc hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Để việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn trong thời gian tới, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành rà soát, điều chỉnh lực lượng giáo viên cốt cán rải đều ở các môn học, hoạt động giáo dục; đảm bảo có đủ giáo viên cốt cán cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình mới (trừ môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp Trung học phổ thông hiện không có giáo viên); hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp theo quy định.
Sở cũng tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; sáp nhập các trường, điểm lẻ có quy mô nhỏ; tăng cường xã hội hóa để huy động đa dạng nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường. Cùng với đó, Sở tổ chức bán trú ở những nơi có điều kiện; có chế độ hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Sở Tài chính bố trí kinh phí triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
Mặt khác, Sở phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hiệu quả, phù hợp theo định mức; ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho môn học mới; số lượng và cơ cấu đảm bảo để dạy các môn học và hoạt động giáo dục.
Bạc Liêu cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tuyển dụng giáo viên đối với các môn học, các hoạt động giáo dục mới để đáp ứng cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…