Ưu tiên thực nghiệm
Dư luận cho rằng, những hạt sạn trong SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều lần này có nguyên nhân từ việc Nhà xuất bản thực nghiệm trên một phạm vi chưa đủ rộng, thời gian quá ngắn (trong khi đó, lần thay SGK gần đây nhất (năm 2000) được Bộ GD&ĐT thực nghiệm 2 năm mới đưa vào sử dụng).
Về vấn đề thực nghiệm SGK, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: SGK năm 2000 với bộ SGK lần này có sự khác biệt. SGK năm 2000 được xây dựng trên tinh thần SGK là pháp lệnh. Bộ xây dựng SGK trước, dạy thực nghiệm gần hết các lớp mới hoàn thiện chương trình. Nhưng trong lần đổi mới chương trình lần này, quan điểm đã thay đổi. Chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu giảng dạy. Tuy nhiên, việc thực nghiệm này cũng phải xem lại.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, từ bài học SGK lớp 1 lần này, Bộ GD&ĐT cần bổ sung yêu cầu tăng cường thực nghiệm, mở rộng thực nghiệm trên diện rộng hơn, thời gian thực nghiệm nhiều hơn. Đó là yếu tố giúp cho bộ sách triển khai trong thực tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
“Tôi cho rằng, về phía Hội đồng thẩm định SGK chắc chắn có những yêu cầu cao với việc xem xét quá trình thực nghiệm. Đây là yếu tố có tính chất quan trọng xem xét, thẩm định bộ sách, đảm bảo những bộ sách đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Từ bài học thẩm định SGK lớp 1 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ có những điều chỉnh trong thẩm định SGK. Điều chỉnh thứ nhất chính là kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT. Thứ hai, các đơn vị trước khi gửi lên Bộ GD&ĐT để thẩm định, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu. Thứ ba, Bộ sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK, có thể bằng cách đăng mạng bản pdf bản mẫu SGK để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân.
Nhằm thắt chặt vấn đề quản lý, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng của SGK giáo dục phố thông. Điều này thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ đối với việc chỉ đạo tổ chức biên soạn cũng như thẩm định SGK.
Được biết, SGK lớp 2 và lớp 6 đã thẩm định xong vòng 1. Bộ cũng các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Điều chỉnh thời lượng trong ngày, tuần học phù hợp với học sinh lớp 1
Trước những vấn đề về SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng với Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt dộng giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Thời khoá biểu cần đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Về vấn đề SGK theo chương trình mới và khắc phục những tồn tại sau khoảng thời gian SGK lớp 1 được đưa vào sử dụng, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo các hướng dẫn Bộ đã ban hành.
Bộ GD &ĐT yêu cầu các nhà trường tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; Chủ động phố hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GD&ĐT nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT theo quy định.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện các lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động chọn từ ngữ khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của những từ ngữ đã được quy định trong Chương trình Ngữ văn. Các giáo viên căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.