Giải bài toán thiếu giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới tại Lào Cai

Tại Lào Cai, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra khá gay gắt trong thời gian qua khiến nhiều trường học, đặc biệt là trường học ở các địa phương vùng cao "đau đầu", gây khó khăn cho sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" tại đây.

Chú thích ảnh
Trong giờ học của các em học sinh lớp 4 tại phân hiệu Hồng Ngài (Trường Tiểu học Y Tý), xã Hồng Ngài, (Bát Xát). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Tuy vậy, tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên tại Lào Cai, đặc biệt giáo viên các môn chuyên biệt trong thời gian qua không chỉ khiến cho sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" ở vùng cao đã khó càng thêm khó, mà còn đe dọa đến sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương.

"Gieo" chữ vùng cao, khó càng thêm khó

Vấn đề khó khăn nhất đối với triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là thiếu giáo viên. Tại Lào Cai, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra khá gay gắt trong thời gian qua khiến nhiều trường học, đặc biệt là trường học ở các địa phương vùng cao "đau đầu". Riêng thị xã Sa Pa thiếu khoảng 10 giáo viên Tin học và 15 giáo viên Tiếng Anh, hiện chưa tuyển dụng được do không có nguồn tuyển.

Do chưa tuyển dụng biên chế được giáo viên mới nên từ nhiều năm nay, môn Ngoại ngữ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa đều do cô Vũ Thị Thúy giảng dạy. Cô Vũ Thị Thúy cho biết, để đảm bảo tiến độ dạy học, mỗi tuần cô phải đứng lớp 24 tiết trên 11 lớp, nghĩa là tăng 7 tiết học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc phải đảm nhiệm lượng tiết học quá tải về lâu dài gây ra những khó khăn về sức khỏe của những giáo viên như cô Thúy trong quá trình giảng dạy, công tác soạn bài và quản lý chất lượng học sinh. 

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Tả Giàng Phìn Nguyễn Vỹ Nam cho biết, ngoài Toán và Văn, nhà trường thiếu giáo viên chủ yếu ở các môn chuyên biệt như là Tiếng Anh, Tin học. Với việc thiếu giáo viên cục bộ khi chưa kịp bổ sung biên chế, nhà trường đã có những giải pháp tạm thời là vẫn duy trì dạy học các môn đó, nhưng cố gắng giảm định mức tiết học/tuần để các thầy cô dạy không quá áp lực. Bên cạnh đó, trường tham mưu cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa trong trường hợp định mức vượt quy định thì chi trả đầy đủ cho các thầy, cô giáo.

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Giàng Phìn, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên cho biết, trường thiếu 5 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Do số lượng học sinh đông, ngoài việc tổ chức ghép lớp, nhà trường phải bố trí cả Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thực hiện đứng lớp. “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì trường phải có tờ trình tới UBND thị xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo biệt phái giáo viên về hỗ trợ",  Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Năm học 2021-2022, theo rà soát, thị xã Sa Pa thiếu hơn 100 giáo viên các môn. Tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm nay tại các trường học trên địa bàn thị xã Sa Pa, liên quan đến số lượng học sinh đầu vào trên địa bàn biến động tăng theo từng năm, quy mô lớp học tăng. Cùng với đó, việc giáo viên xin chuyển công tác cũng là yếu tố dẫn tới tình trạng này.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 17.800 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 14.294 giáo viên. Năm học vừa qua, toàn ngành Giáo dục Lào Cai thiếu 1.128 biên chế, trong đó thiếu 842 biên chế giáo viên. Phần lớn là thiếu giáo viên chuyên biệt: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật. Đặc biệt, với cấp THPT chỉ có 1/36 trường có giáo viên Âm nhạc và không trường nào có giáo viên Mỹ thuật. Điều này gây ra nhiều khó khăn với các trường học vùng cao do điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và ngoại ngữ của các em học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế hơn vùng thấp. Trong khi đó, từ năm học 2022-2023, đây lại là những môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.  

Tăng cường tuyển dụng giáo viên

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh ghép lớp 2 và 3 tại điểm trường Séo Trung Hồ Mông, xã Bản Hồ (Sa Pa). Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Do khó tuyển dụng được giáo viên mới nên các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đành phải thực hiện nhiều phương án linh hoạt như: Tăng sĩ số học sinh trong các lớp; tăng số tiết dạy cho giáo viên; để giáo viên dạy kiêm nhiệm, thậm chí là cả các thành viên trong Ban Giám hiệu nhà trường đảm nhiệm phụ trách giảng dạy các môn học. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 30/5/2022 về việc tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh năm 2022 với tổng số vị trí việc làm cần tuyển là 480 giáo viên. 

Cụ thể, khối huyện, thị xã, thành phố Lào Cai tuyển 418 giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Trong đó, chia theo các địa phương như sau: Huyện Bảo Thắng 8 giáo viên; huyện Bảo Yên 27 giáo viên; huyện Mường Khương 38 giáo viên; huyện Văn Bàn 42 giáo viên; huyện Bắc Hà 55 giáo viên; huyện Si Ma Cai 60 giáo viên; huyện Bát Xát 102 giáo viên; thị xã Sa Pa 86 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai tuyển dụng 62 giáo viên cho các trường Trung học Phổ thông.

Việc tuyển dụng thêm giáo viên trong thời điểm này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho các trường học tại địa phương trong năm học mới 2022 - 2023, giúp chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy hợp lý, các địa phương và trường học tiếp tục tìm giải pháp bố trí nhân sự một cách linh hoạt. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa Nguyễn Trường Chinh cho biết, các trường học trên địa bàn đã tiến hành rà soát và có sự sắp xếp hợp lý. Trước hết, phân công sắp xếp về chuyên môn, thực hiện các tiết học kết nối để giảm tải, đồng thời tiếp tục hợp đồng giáo viên. "Ngoài việc đề xuất với thị xã là tăng cường cử tuyển giáo viên con em đồng bào địa phương đi học những môn đang thiếu, chúng tôi khuyến khích những giáo viên có trình độ Cao đẳng Tin học hay Tiếng Anh, xung phong đi dạy ở các trường đang thiếu; nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên các thầy, cô giáo tiếp tục công tác, chia sẻ khó khăn trước mắt với ngành", ông Nguyễn Trường Chinh nhấn mạnh.

Trong năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường giáo viên giúp đỡ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên, đặc biệt ở các bộ môn Tiếng Anh, Tin học... theo phong trào "Phòng giúp phòng, Trường giúp trường", đồng thời thực hiện công tác thỉnh giảng. Ngoài ra, cùng với sự linh hoạt từ cơ sở, ngành và các địa phương, Lào Cai đang triển khai quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, chủ động cân đối, điều tiết, bố trí giáo viên, đồng thời khẩn trương tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Hương Thu (TTXVN)
Lo ngại thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10
Lo ngại thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10

Năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai lần đầu tiên ở cấp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo lắng của các nhà trường hiện nay là việc sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, đặc biệt đối với các môn học mới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN