Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bậc mầm non tạm dừng đến trường gần 1 năm qua khiến nhiều nhóm lớp dân lập, tư thục phải giải thể. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong tình trạng “chết yểu" vì thiếu giáo viên cũng như kiệt quệ về tài chính khi duy trì thuê mặt bằng trong thời gian dài. Đây cũng chính là vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4 sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 12/4 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức.
Tại quận Ba Đình, đến nay đã có 9 trường, nhóm lớp giải thể do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đại diện phòng GD&ĐT quận Ba Đình thì tỷ lệ trẻ đăng ký đến trường đạt 80%. Nhưng nếu số lượng trẻ đi học đủ trong thời gian tới thì các trường trên địa bàn quận còn thiếu 215 giáo viên.
Bà Trương Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: “Tỷ lệ giáo viên của các nhóm lớp đăng ký đi làm từ ngày 13/4 đạt 63,2%. So với tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường thì trước mắt có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khó khăn nếu trẻ đến trường đủ trong thời gian tới".
Theo thống kê của phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, có khoảng 30 - 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non đang có nhu cầu xin thôi việc. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều quận, nội thành. Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, một số quận đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho ngành học này.
Thậm chí, ở một số nơi, trường mầm non dân lập, tư thục phải cạnh tranh với cả những nhóm lớp tự phát mở ở khu chung cư, dân cư hàng năm nay. Giáo viên cho rằng, việc trở lại trường thời gian này để làm việc là "bấp bênh" vì dịch bệnh diễn biến khó lường.
Chia sẻ với những khó khăn của bậc học này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố có phương án thi tuyển viên chức để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.