Khẩn trương tháo gỡ tình trạng 'vừa thừa, vừa thiếu' giáo viên mầm non, phổ thông

Sáng 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông".

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thừa, thiếu cục bộ giáo viên các cấp

Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến năm 2021, có trên 200 văn bản pháp luật liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mầm non, phổ thông, tương đối đầy đủ, thống nhất. Căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên (5.175 giáo viên Tiểu học, 4.688 giáo viên Trung học cơ sở, 315 giáo viên Trung học phổ thông), thiếu hơn 94.700 giáo viên (48.718 giáo viên Mầm non, 20.210 giáo viên Tiểu học, 14.653 giáo viên Trung học cơ sở, 14.653 giáo viên Trung học phổ thông).

"Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số cấp học, môn học và một số địa phương. Trong bối cảnh số học sinh đến lớp tăng lên, yêu cầu chất lượng ngày càng cao, nhưng số lượng biên chế giáo viên không tăng là áp lực không nhỏ cho ngành Giáo dục", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ; đồng thời, nhấn mạnh nguyên nhân chính là do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát nhu cầu thực tế, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất; sự gia tăng quy mô dân số hàng năm theo tỷ lệ tăng tự nhiên. Hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế trong bối cảnh quy mô học sinh tăng…

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu theo lộ trình đến năm 2025; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi về các thông tư liên quan đến định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhằm đảm bảo đủ số giáo viên trên học sinh, phù hợp với thực tiễn vùng miền, theo xu hướng quốc tế.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/ TTXVN

Thống nhất với báo cáo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, hệ thống văn bản, thể chế liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mầm non, phổ thông tương đối đồng bộ, đầy đủ, bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó có dự báo, bố trí nhân lực giáo viên; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là những địa bàn có điều kiện; có lộ trình đào tạo, nâng chuẩn đào tạo đội ngũ giáo viên; hoàn thiện về vị trí việc làm, định mức giáo viên phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với vùng, miền; rà soát, bổ sung chính sách tiền lương, phụ cấp, cơ chế tài chính trong cơ sở giáo dục công lập…

Đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài để không còn tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Mỗi năm tăng lên khoảng nửa triệu học sinh, cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện chương trình giáo phục phổ thông mới… nên nếu chỉ có một vài giải pháp, rất khó để có thể giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề này. Cần có một nhóm, tổng thể các giải pháp như công tác dự báo, đánh giá, các chiến lược lâu dài… của Trung ương, các bộ ngành và địa phương". 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/ TTXVN

Đối với việc giải quyết hơn 10.000 giáo viên dư thừa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu nhiều giải pháp như điều động giữa các trường, các địa phương; đào tạo, bồi dưỡng lại; nâng chuẩn trình độ… Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ cơ sở giáo dục công lập ở những nơi có điều kiện để dành biên chế cho vùng khó khăn; tăng năng lực dự báo nhu cầu, đào tạo giáo viên…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm học 2021-2022, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình Chính phủ bổ sung 27.850 giáo viên, ưu tiên cho bậc học Mầm non hoặc các địa bàn tăng đột biến học sinh đến trường, nhưng mặt khác đã giảm hơn 45.000 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông trên nền của tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII về việc đổi mới tư duy, phát triển giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. "Đội ngũ giáo viên là yếu tố căn cốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chúng ta phải làm sớm, chủ động để thực hiện xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục... Tất cả các nội dung này phải được thể hiện cụ thể trong nội dung Chiến lược phát triển ngành thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh việc tập trung rà soát lại quy mô mạng lưới trường, lớp của hệ thống mầm non và phổ thông trên địa bàn cả nước, từ đó tính toán, sắp xếp lại quy mô phù hợp theo hướng tinh gọn đầu mối để đảm bảo số học sinh trên lớp và điều kiện cơ sở vật chất; chủ động giải quyết trước mắt bài toán về giáo viên; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cùng với việc rà soát lại quy định hiện hành liên quan đến định mức, quy mô học sinh và giáo viên trên lớp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý việc hoàn thiện quy định phát luật về thực hiện tự chủ và xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện phát triển như các thành phố, thị xã, thị trấn... "Khi đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục sẽ huy động xã hội cùng tham gia vào thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, sẽ góp phần giải quyết vấn đề lương của giáo viên theo quy định hiện nay", Bộ trưởng chia sẻ; đồng thời lưu ý việc đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập nhằm mục tiêu giảm số giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng "không hẳn là bỏ biên chế". Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương, căn cứ vào thẩm quyền của địa phương để điều chuyển, sắp xếp lại số lượng giáo viên thừa phù hợp.

Để thực hiện tự chủ, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, ngành Giáo dục phải sớm có quy hoạch, thống nhất định mức kinh tế-kỹ thuật và quy hoạch hệ thống mạng lưới sự nghiệp, có điều kiện thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Nội vụ đang đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 59/2014/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Kết hợp với việc sửa đổi trên, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các bộ liên quan và các địa phương thúc đẩy tự chủ và xã hội hóa để giải quyết những vấn đề cơ bản liên quan đến chế độ giáo viên.

Liên quan đến nâng cao chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt ở vùng khó khăn, đã hưởng mức lương, phụ cấp cao hơn so với cán bộ công chức, viên chức khác, nhưng vẫn còn thấp so với thực tiễn của đời sống, chưa đáp ứng được tính chất đặc thù của công việc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phối hợp với Bộ Nội vụ, cùng nghiên cứu, đề xuất giải quyết trước mắt khi chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương để khi thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW thực hiện thang bảng lương theo vị trí việc làm sẽ không có sai lệch lớn. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất với cấp có thẩm quyền, có liên quan để rà soát, xem xét, nghiên cứu, đảm bảo nâng phụ cấp đối với giáo viên nói chung, trong đó có thể ưu tiên cho giáo viên Mầm non. 

Phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; xem xét chủ trương xây dựng luật nhà giáo nhằm luật hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo, cũng như các chính sách cho đội ngũ nhà giáo, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất nhận thức, quan điểm, có giải pháp hữu hiệu để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW, Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW; đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện chính sách về tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập; quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục. 

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về nhà giáo, xây dựng luật nhà giáo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục thời kỳ đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu dự báo nhu cầu, yêu cầu về đội ngũ giáo viên trong giai đoạn mới, đề xuất các giải pháp trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 để Chính phủ xem xét, phê duyệt phù hợp với các vấn đề.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc xác định biên chế nhà giáo, điều chỉnh phù hợp với từng địa bàn, vùng miền, phù hợp với xu thế tăng giảm dân số cơ học tại một số địa phương, khu vực; thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; nghiên cứu, đề xuất các chính sách xã hội hóa trong giáo dục... Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đội ngũ giáo viên, cơ sở hoạch định chính sách, chương trình mục tiêu, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng sử dụng, bảo đảm đội ngũ nhà giáo, cán bộ giáo dục đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, chất lượng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị rà soát, sắp xếp lại các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục, tập trung đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm làm đầu tàu trong hệ thống các trường sư phạm.

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp, khuyến khích thu hút người giỏi, thu hút giáo viên công tác tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới như ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật... Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng và sự ổn định đội ngũ; phối hợp với địa phương thực hiện nghiêm chính sách luân chuyển giáo viên…

Bộ Nội vụ tiếp tục thảo luận, thống nhất quan điểm, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham mưu, giải quyết triệt để các vấn đề biên chế giáo viên, phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước, phù hợp thực tế ngành Giáo dục. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế thu hút người giỏi.

Bộ Tài chính nghiên cứu để có phương án đổi mới về cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo, phát huy sự năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục và huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm chế độ nhằm thu hút giáo viên giỏi; bố trí đúng, đủ ngân sách nhà nước cho ngành Giáo dục.

UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn, quy hoạch, sắp xếp đội ngũ giáo viên đủ số lượng,  hoạt động chất lượng và đồng bộ với cơ cấu; bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương; thực hiện nghiêm chính sách luân chuyển đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn theo quy định; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Diệp Trương (TTXVN)
Cần sớm có cơ chế riêng về chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng ở Nghệ An
Cần sớm có cơ chế riêng về chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng ở Nghệ An

Theo quy định, các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP hết hiệu lực tháng 12/2021. Do đó, 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng của Nghệ An sẽ tạm thời không được cấp ngân sách để chi trả lương. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ đối với người lao động, thiếu giáo viên đứng lớp, dẫn đến tác động tiêu cực trong ngành. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN