Cần sớm có cơ chế riêng về chi trả lương cho giáo viên mầm non hợp đồng ở Nghệ An

Theo quy định, các chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP hết hiệu lực tháng 12/2021. Do đó, 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng của Nghệ An sẽ tạm thời không được cấp ngân sách để chi trả lương. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ đối với người lao động, thiếu giáo viên đứng lớp, dẫn đến tác động tiêu cực trong ngành. 

Chú thích ảnh
Các giáo viên mầm non của Nghệ An tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2021. Ảnh minh hoạ: baonghean.vn

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường mầm non Hà Huy Tập, có trình độ Đại học Sư phạm mầm non và từng là một trong những ứng viên có điểm thi cao nhất trong đợt tuyển dụng giáo viên mầm non năm 2015 theo diện hợp đồng 09 (Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV). Sau 6 năm công tác tại trường, cô Hương được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực, trình độ chuyên môn và sự tâm huyết, trách nhiệm với học trò.

Hiện trong số 8 giáo viên đang hợp đồng của trường thì cô giáo Nguyễn Thị Hương là giáo viên "kỳ cựu" nhất. Tính về số năm công tác, chị cũng thuộc đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách vào biên chế nhưng may mắn chưa mỉm cười dù chị cũng đã từng nạp hồ sơ lên UBND thành phố. Vì chưa được vào biên chế nên những năm qua, dù diện hợp đồng 09, giáo viên được hưởng chế độ như viên chức, có lương và được đóng bảo hiểm đầy đủ, nhưng chị vẫn canh cánh nỗi lo.

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 1/2022, chính sách cho giáo viên hợp đồng theo thông tư này đã hết và ngân sách trung ương cấp để chi trả lương cho giáo viên đã tạm dừng. Cũng từ đầu tháng 1/2022, chị  Nguyễn Thị Hương và các giáo viên hợp đồng khác trong trường đã bị tạm thời dừng trả lương với lý do chưa có ngân sách để chi trả. Cùng với đó, các quyền lợi khác cũng không còn được áp dụng. Nỗi lo như dồn nén bởi hiện tại cô  Nguyễn Thị Hương đang mang thai tháng thứ 6. Việc dừng trả lương đồng nghĩa với việc cô sẽ phải tạm cắt bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh này, nhà trường đã động viên cô Hương "tự nguyện" đóng bảo hiểm; nhà trường dự kiến sẽ chi trả lại lương và số tiền cô đã đóng bảo hiểm khi được cấp bù ngân sách.

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Hà Huy Tập cho biết: Trường có 8 giáo viên hợp đồng thì có 7 giáo viên hợp đồng thuộc diện 09 và 06 (do ngân sách Trung ương chi trả và được hưởng quyền lợi như viên chức). Những giáo viên này đều có trình độ đại học được đào tạo bài bản, có năng lực và nếu được tuyển dụng vào biên chế thì sẽ thuận lợi cho nhà trường, giúp các cô yên tâm công tác. Tuy vậy, hiện nay việc giải quyết chế độ cho các giáo viên này đang vướng mắc. Cụ thể, từ tháng 1/2022, nhà trường chưa nhận được ngân sách để chi trả lương cho giáo viên. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, trường nghỉ học do dịch COVID–19, không có nguồn thu nên cũng không có kinh phí để chi trả lương tạm thời. Trước tình hình này, trường đã họp hội đồng trường và các giáo viên, đồng thời thống nhất để tất cả các giáo viên thuộc diện hợp đồng nghỉ làm không có lương và chờ các văn bản hướng dẫn.

Thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ (nay gọi chung là nghị định 06) từ năm 2014 đến nay, Nghệ An đã tuyển dụng 2.508 chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo viên mầm non và được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định. Đối tượng giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng này là giáo viên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách như viên chức. Việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng đã giúp Nghệ An giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non diễn ra trong một thời gian dài và giúp tỉnh bước đầu đủ giáo viên để thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tại thời điểm hiện tại, việc chưa được chi trả lương khiến giáo viên băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu bởi qua thống kê dù đã được tuyển dụng vào biên chế khá nhiều giáo viên hợp đồng, nhưng Nghệ An vẫn đang còn khoảng 1.700 giáo viên thuộc diện này và số tiền dự kiến chi trả lương hàng năm là khoảng 156 tỷ đồng.

Trước thực tế này, từ tháng 3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát giáo viên mầm non trong toàn tỉnh, sau đó có công văn gửi UBND tỉnh về chính sách  đối với giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06.  Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Sở đã đề nghị UBND tỉnh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo với nội dung đề nghị Bộ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cho ý kiến tháo gỡ khó khăn cho địa phương về chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06 khi Nghị định hết hiệu lực. Trước đó, các ngành liên quan đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh gửi các bộ và Chính phủ đề xuất bổ sung 7.843 chỉ tiêu biên chế ở tất cả các cấp học, trong đó có hơn 5.000 giáo viên mầm non để ưu tiên tuyển dụng số giáo viên hợp đồng còn lại của tỉnh.

Vào đầu tháng 12/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, tổ chức buổi làm việc với Sở Nội vụ và Sở Tài chính để thống nhất tham mưu UBND tỉnh phương án giải quyết. Ngay sau đó, ngày 16/12/2021, UBND tỉnh có Công văn số 9813/UBND-TH giao nhiệm vụ cho các Sở tiếp tục tham mưu các nội dung liên quan đến giải quyết chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP.

Mặc dù đã có sự vào cuộc rốt ráo của các ban, ngành, nhưng đến nay do Chính phủ chưa có vản bản thay thế Nghị định 06 khi hết hiệu lực nên Nghệ An vẫn đang phải chờ văn bản hướng dẫn để có thể tiếp tục chỉ đạo. Trong bối cảnh đó, hiện nay dù ngân sách của năm 2022 đã được phân bổ nhưng nhiều địa phương vẫn còn lúng túng khi chi trả lương cho các giáo viên mầm non thuộc đối tượng hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: Trước đây, huyện có gần 90 giáo viên mầm non hợp đồng và nay về cơ bản tuyển dụng hết vào biên chế, chỉ còn lại 19 giáo viên. Do số lượng không nhiều nên trước mắt huyện đang sử dụng ngân sách để chi trả lương cho các giáo viên. Tuy nhiên, về lâu dài huyện mong sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc chi trả được thuận lợi, đúng mục đích và đúng chủ trương.

Tương tự, huyện Yên Thành hiện cũng có 240 giáo viên hợp đồng, trong đó có 160 giáo viên được điều chuyển từ bậc tiểu học và trung học cơ sở. Thời gian qua, huyện ưu tiên tuyển dụng các giáo viên này vào biên chế, giải pháp trước mắt là sử dụng ngân sách chi thường xuyên hoặc nguồn thu học phí của các nhà trường để trả lương cho giáo viên trong tháng 1/2022. Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng cho rằng: Đây là giải pháp trước mắt, còn lâu dài nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì việc sử dụng ngân sách của huyện là không ổn bởi mỗi năm số tiền chi trả cho giáo viên hợp đồng lên đến 20 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Tỉnh có nguồn kinh phí, ngân sách chi trả cho giáo dục đã phân khai về cho các huyện; tạo điều kiện để các huyện hoàn thành thủ tục với cơ quan kho bạc để kịp chi trả lương cho giáo viên. Về phía các giáo viên cũng yên tâm bởi các giáo viên đều thuộc diện hợp đồng trong biên chế, nên đương nhiên được bảo đảm các quyền lợi ổn định theo quy định. Trong trường hợp ngân sách Trung ương dừng cấp thì ngân sách địa phương sẽ bảo đảm để các giáo viên có thể yên tâm công tác.

Có thể nói, những giáo viên thuộc diện hợp đồng đã góp phần quan trọng giúp ngành giáo dục mầm non Nghệ An hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Chính vì thế, việc đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này theo đúng các quy định là điều thiết yếu để các giáo viên yên tâm công tác.

Bích Huệ (TTXVN)
Giáo viên hỏi quà Tết, chủ nhà đòi nợ, Hiệu trưởng mầm non… muốn khóc
Giáo viên hỏi quà Tết, chủ nhà đòi nợ, Hiệu trưởng mầm non… muốn khóc

Nếu giáo viên mầm non phải mưu sinh đủ nghề để lo Tết, thì những hiệu trưởng, chủ quản trường mầm non… cũng canh cánh nỗi lo trở thành “con nợ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN