Mô hình tiêu biểu về xã hội hóa giáo dục

Ngày 24/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến dự Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Dân lập Nguyễn Siêu (11/9/1991 - 11/9/2016).

Cùng tham dự buổi lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.


Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng tập thể thầy và trò Trường Dân lập Nguyễn Siêu.


Trường Nguyễn Siêu là trường tư thục, gồm hệ thống các Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Qua 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn trong việc triển khai mô hình giáo dục ngoài công lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên… đến nay Trường Dân lập Nguyễn Siêu đã khẳng định tính hiệu quả của mô hình trường dân lập liên cấp, liên thông.


Trường Dân lập Nguyễn Siêu đã trở thành cơ sở giáo dục chất lượng cao của Hà Nội, đáp ứng các tiêu chuẩn trường quốc tế, được Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) công nhận là trường chuẩn quốc tế, là Trung tâm khảo thí của chương trình tiếng Anh Quốc tế Cambridge; được Hãng phần mềm Microsoft (Hoa Kỳ) công nhận là Trường học điển hình.


Những năm qua, trường liên tục nằm trong top 200 trường THPT có điểm thi trung bình cao nhất cả nước với hơn 95% học sinh đỗ vào các trường đại học. Nhiều học sinh của trường đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế (1.073 giải), trong đó có, 2 giải Bạc, 5 giải Đồng khu vực (giải Toán châu Á Thái Bình Dương).


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mô hình đào tạo ngoài công lập tại Thủ đô Hà Nội đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mô hình giáo dục đào tạo cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển. Trong đó, hệ thống Trường Dân lập Nguyễn Siêu xứng đáng là mô hình tiêu biểu, không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước. Trường có đội ngũ giáo sư cố vấn, giáo viên nước ngoài trực tiếp thiết kế chương trình, tham gia giảng dạy. Đây chính là những yếu tố làm nên chất lượng giáo dục, là lợi thế cạnh tranh riêng có của Trường Dân lập Nguyễn Siêu mà ít có cơ sở giáo dục nào có được.


Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới, phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, chi phí cho học tập còn chưa phù hợp so với thu nhập của đa số người dân, hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều đối tượng học sinh có nhu cầu. Mô hình trường dân lập chưa thực sự phát huy hết hiệu quả ở một số cấp học, địa phương. Nhiều trường dân lập còn gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Sự chuyển đổi giữa hệ thống trường công lập - ngoài công lập còn chưa linh hoạt. Các cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý hoạt động của trường dân lập còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ…


Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua việc tổng kết mô hình hoạt động của nhà trường để có những đóng góp về lý thuyết và thực tiễn nhằm hoàn thiện mô hình giáo dục ngoài công lập trong cả nước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về đổi mới giáo dục, đào tạo.


Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Trường Dân lập Nguyễn Siêu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được của 25 năm xây dựng và phát triển, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, trường cần tập trung xây dựng tập thể sư phạm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục; chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.


Phó Thủ tướng lưu ý Trường Dân lập Nguyễn Siêu cần làm tốt công tác giáo dục toàn diện, đào tạo thế hệ trẻ phát triển cả về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ; phối hợp thật tốt việc dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, nhà trường cần tích cực đổi mới các hình thức sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, kết hợp thật tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh có hiệu quả, thu hút học sinh vào các hoạt động lành mạnh, hữu ích.


Xuân Tùng (TTXVN)
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

Sáng 20/11, tại Thanh Hóa, Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Lam Sơn đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 85 năm Ngày thành lập Trường (20/11/1950- 20/11/2016).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN