Các địa phương chuẩn bị cho năm học mới

Năm học mới đã cận kề, các địa phương đều đang gấp rút chuẩn bị để triển khai năm học mới, với tinh thần đổi mới, một cách hiệu quả và thiết thực nhất.

Tiếp tục đổi mới

Năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai nhân rộng mô hình trường học mới (VNEN) cho thêm 27 trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số trường học dạy theo mô hình mới lên 52 trường. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới 2015 - 2016, các nhà trường nghiên cứu mô hình trường học mới VNEN chủ động tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, địa phương, cộng đồng hiểu và cộng tác tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục của nhà trường đồng thời hướng dẫn học sinh ứng dụng kiến thức vào đời sống thực tế.

Giáo viên và phụ huynh học sinh Trường Mầm non Bắc Lệnh (Yên Bái) chuẩn bị cho năm học mới.


Năm học này, ngành giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo tổ chức dạy học Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục cho 100% học sinh lớp 1 năm học 2015 - 2016, tạo tiền đề cho học sinh lớp 2 học mô hình VNEN có vốn tiếng Việt vững chắc; bồi dưỡng giáo viên giảng dạy theo mô hình mới có đủ năng lực, kiến thức, có trình độ chuyên môn tốt để đảm bảo triển khai đạt hiệu quả cao. Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc yêu cầu rà soát số lượng trẻ chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2015 - 2016, dự kiến số lớp để đăng ký mua sách cho học sinh và tài liệu giảng dạy cho giáo viên.

Còn với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, năm học này ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước. Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm khám phá, qua đó từng bước hình thành, phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đối với giáo dục phổ thông, ngành triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục ưu tiên các nguồn lực để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non; phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng nông thôn mới.Trong năm học mới, ngành sẽ tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đồng thời thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trong các trường phổ thông.

Hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Ngay từ học kỳ I năm học 2015 - 2016, tỉnh Ninh Thuận quyết định cấp 71.000 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 2.383 học sinh đang theo học tại các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ trên được tỉnh Ninh Thuận thực hiện theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: Với số gạo trên, mỗi học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh được tạm ứng 2 tháng (15 kg/tháng). UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận và cấp phát gạo kịp thời, đúng chất lượng, số lượng và đúng đối tượng.

Còn tại Đắk Lắk, toàn ngành đã đầu tư hơn 193 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; trong đó kinh phí ngân sách Nhà nước khoảng 185 tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa. Với nguồn kinh phí trên, Đắk Lắk đã xây mới, sửa chữa 416 phòng học, phòng hiệu bộ; đầu tư trang thiết bị cho 62 phòng chức năng, bộ môn; mua sắm dụng cụ học tập cho giáo dục mầm non, giáo dục quốc phòng... Các huyện nghèo như Krông Bông, Lắk, Ea Súp, Buôn Đôn… được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trường, lớp nhằm phục vụ tốt nhất việc dạy và học ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh cơ bản đều đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, không có trường nào phải học ca 3.

Song song với việc mở rộng, hoàn thiện hệ thống trường lớp, ngành giáo dục Đắk Lắk cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc cấp phát sách giáo khoa cho tất cả học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo đó, mỗi em được cấp một bộ sách giáo khoa, sách bài tập - bổ trợ theo danh mục quy định. Về vở viết, mỗi em học sinh tiểu học được cấp 15 cuốn vở 96 trang; mỗi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông là 20 cuốn/năm học. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 130.000 học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn được thụ hưởng chương trình này với nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng. Đến nay, công việc cấp phát đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm học sinh dân tộc thiểu số có đủ sách giáo khoa, vở viết phục vụ cho năm học mới 2015 - 2016.

TTN
Tiết thu dịu mát ngày khai giảng năm học mới
Tiết thu dịu mát ngày khai giảng năm học mới

Sáng nay, các em học sinh trên cả nước sẽ đón lễ khai giảng chính thức trong tiết trời dịu mát, nắng nhẹ. Hiện ở miền bắc đã không còn những hình thế gây mưa. Về sáng sớm ở khu vực này có sương mù mỏng, trời se lạnh, sau đó sẽ tăng lên dần kèm gió mát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN