10 năm đổi mới giáo dục - Bài 2: Ngành giáo dục chật vật đổi mới

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh để triển khai những nội dung của Nghị quyết; Thiếu đầu tư về tài chính ở bậc giáo dục đại học… là những thách thức với các cấp học, bậc học khi thực hiện đổi mới giáo dục. 

Thiếu giáo viên, lương giáo viên là thách thức lớn  

Cận kề năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông thống kê: Thiếu hàng nghìn giáo viên, cán bộ giáo dục. UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xin giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh; đồng thời đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều đáng nói, không phải năm học này hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông mới thiếu giáo viên, mà tình trạng này dã diễn ra nhiều năm. Và cũng không phải riêng hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, mà rất nhiều địa phương cũng đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều cấp học nhưng lại khó tuyển dụng. Liên tục trong những năm học vừa qua, tình trạng thiếu giáo viên đồng loạt diễn ra ở các cấp học.

Tình trạng thiếu giáo viên đã làm nóng nghị trường Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua. Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).Tình trạng thừa thiếu giáo viên trong những năm vừa qua, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến công cuộc đổi mới  giáo dục ngày càng khó khăn hơn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Trong khi đó, "làn sóng" giáo viên nghỉ việc có vẻ chưa dừng lại khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định...

Tại tỉnh miền núi Lào Cai, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường nêu thực trạng: Đổi mới giáo dục đã chưa chú ý đến đánh giá, dự báo tình hình để chú động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả, vẫn thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt, có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều. Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có nhiều sáng tạo, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Chú thích ảnh
Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, những chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ; một số chính sách chậm ban hành, thiếu sự thống nhất. Còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở cấp học mầm non, phổ thông ở khu vực miền núi, đô thị lớn, khu công nghiệp. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền; tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở cấp học mầm non, phổ thông còn phổ biến.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên tại địa phương, theo ông Vũ Xuân Cường là một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong một số việc, ở một số giai đoạn chưa thật đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Toàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, thiếu hệ thống trường chất lượng cao. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn chế so với nhu cầu dẫn tới tình trạng thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập và thiếu trang thiết bị dạy học để phục vụ triển khai chương trình mới.  

Tại Ninh Thuận, so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp còn rất thấp, chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều chênh lệch giữa các vùng, tình trạng học sinh nghỉ học và nghỉ cách nhật ở miền núi vẫn còn nhiều, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đạt yêu cầu, khả năng tự học của học sinh còn hạn chế. Điều này cũng minh chứng cho thấy những đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận Nguyễn Anh Linh cho biết: Từ năm 2013 đến năm 2022, tổng ngân sách chi cho giáo dục của tỉnh Ninh Thuận là 13.726 tỷ đồng (tỷ  hàng năm chiếm từ 12,72% đến 18,59% trên tổng ngân sách của tỉnh), năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đảm bảo cơ cấu lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, học bổng cho học sinh và các hoạt động giáo dục để đảm bảo chất lượng các cấp học. Tuy nhiên, những con số này chưa đáp ứng được mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách.  

Còn theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, COVID-19 xuất hiện đã là khó khăn, hạn chế việc đầu tư từ nguồn lực cho công cuộc đổi mới  giáo dục. Tiếp đó là bối cảnh tinh giản biên chế tạo nên áp lực. Đây là khó khăn rất lớn cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước với địa hình phức tạp. Vì vậy, khó khăn nhất là thiếu cơ sở vật chất. Dù sau 10 năm đổi mới giáo dục, trường, lớp được Nhà nước quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, nhưng giáo dục miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Đổi mới ở cấp THPT chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tiếp đó là việc tuyển dụng giáo viên trong bối cảnh lương giáo viên thấp. Khó khăn tiếp theo là thay đổi tư duy cách làm giáo dục."Muốn phát triển toàn diện ở người học thì phải thay đổi tư duy, cách thức quan trị nhà trường. Điều này đòi hỏi một quá trình nhất định", ông Thái Văn Thành chia sẻ.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song dù họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học giai đoạn hiện nay.

Tài chính ‘buộc chân’ tự chủ  

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn vừa qua, đầu tư cho giáo dục đai học từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo sau đại học còn rất thấp và không tăng trong nhiều năm, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú thích ảnh
Thí sinh đến nhập học đại học. Ảnh: LV

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chất lượng giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nhận thức được những khó khăn, điểm nghẽn trong cơ chế chính sách, những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và chỉ ra những nguyên nhân căn cốt của các điểm nghẽn.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cần rà soát các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất về chủ trương cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học để tạo đột phá về “khoán 10 trong tri thức” theo hướng các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp đặc biệt, coi đây là văn bản pháp luật, cởi trói và giải phóng sức sáng tạo, phát huy nguồn tri thức to lớn để phát triển đất nước.

Đại diện Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng các trường đại học cần có biện pháp để nâng cao năng lực tài chính và khai thác hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, cải tiến giáo trình, nâng cao chất lượng giảng viên và sinh viên. Bên cạnh các nguồn lực trong nước, có thể kêu gọi, thu hút đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tham gia vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ... để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạọ. Nhà nước cũng cần có trách nhiệm trong việc rà soát, quản lý và hỗ trợ các trường đại học cả công lập và tư thục trong cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động để tạo ra môi trường học tập lành mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW cùng với các nội dung về    

Bài 3: Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị 

Lê Vân/Báo Tin tức
10 năm đổi mới giáo dục - Bài cuối: Xác định trọng tâm, trọng điểm để bứt phá
10 năm đổi mới giáo dục - Bài cuối: Xác định trọng tâm, trọng điểm để bứt phá

Để đạt được mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp là phải đảm bảo các điều kiện để đổi mới cũng như việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm để bứt phá trong đổi mới cũng như đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN