10 năm đổi mới giáo dục - Bài 3: Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, những vướng mắc gặp phải ở các cấp học đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành, địa phương nỗ lực tháo gỡ.

Video Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ: 

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn 

Tân Pheo là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Sau 10 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29, giáo dục nơi đây đã có "diện mạo" mới. Việc sát nhập các điểm trường, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất ở điểm trường chính, đã giúp học sinh tiếp cận được với những chính sách, pháp luật được thể chế từ Nghị quyết 29. Nhiều thầy cô đã nỗ lực để đáp ứng với yêu cầu đổi mới.

Cô Nguyễn Thị Hồng Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Pheo, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Để có một cơ sở vật chất khang trang như hôm nay là nỗ lực rất lớn từ việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ 5 tuổi, chăm sóc cho trẻ 3, 4 tuổi được thể chế hóa từ việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Thay vì nhiều điểm trường lẻ, chúng tôi đã sát nhập các điểm trường để học sinh được thụ hưởng cơ sở vật tốt nhất”.

Nghị quyết 29 đã đề ra những mục tiêu cần thực hiện đối với giáo dục mầm non gồm: Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020; Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non; Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Đây chính là tiền đề để địa phương triển khai Nghị quyết đến các vùng khó khăn. 

Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, đến năm 2017, toàn quốc đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập này. Trong khi, năm 2013, cả nước mới chỉ có 11 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn. Năm học 2022 - 2023, số lượng và tỉ lệ huy động trẻ em đến trường đều tăng mạnh so với năm học trước.

Theo đó, cả nước đã huy động 5.172.450 trẻ em tới trường, lớp (tăng 250.028 trẻ). Có 1.207.376 trẻ em được huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đạt tỉ lệ 23,3% (giảm 0,3%), trong đó có 17/63 tỉnh đạt chỉ tiêu về tỉ lệ trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập Việc sát nhập các điểm trường lẻ cũng được thực hiện ở bậc tiểu học, THCS.

Tới Tân Pheo vào những ngày tháng 10/2023, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi ở của đội ngũ giáo viên từ miền xuôi lên đây khá khang trang, sạch đẹp. Trường học, lớp học, cũng như cơ sở vật chất, đểu đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thong 2018.  

Chia sẻ với tôi, thầy Nguyễn Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết: “90% giáo viên công tác tại trường đều từ miền xuôi lên đây. Năm học 2023 – 2024 lần đầu tiên chúng tôi có một nơi ở kiên cố sau việc sắp xếp các điểm trường lẻ để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nơi cán bộ, giáo viên nhà trường đang ở đây là một điểm trường lẻ của trường trước đây”.  

Câu chuyện thiếu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học từ những năm trước đã được khắc phục ở năm học này. Thầy Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Việc tỉnh Hòa Bình cho phép bổ sung biên chế giáo viên, cũng như sắp xếp lại các điểm trường và tập trung cơ sở vật chất ở điểm trường chính, đã giúp học sinh tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn. Để vận động được phụ huynh cho con ra những điểm trường chính học quả là sự nỗ lực lớn của toàn bộ đội ngũ giáo viên cũng như chính quyền địa phương”.  

Mặc dù những điều kiện đảm bảo để dạy Tin học, Ngoại ngữ vẫn còn hạn hẹp, nhưng thầy theo Nguyễn Ngọc Hà, với vùng khó, việc tiến thêm một bước trong việc đảm bảo cơ sở vật chất khang trang, đủ giáo viên, đã là một nỗ lực vượt khó.  

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, các địa phương đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo tập trung các nguồn lực để xây dựng, nâng cao chất lượng trường tiểu học nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do đó, đã có nhiều địa phương được công nhận thêm trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Không chỉ vùng khó, những nơi có điều kiện thuận lợi như các thành phố lớn, câu chuyện “dạy tích hợp” ở bậc THCS hay lựa chọn môn học ở cấp THPT kéo dài 2 năm khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được gỡ khó trong năm học 2023 – 2024. Hoặc vấn đề thiếu trường lớp trong giai đoạn vừa qua đã làm nóng nghị trường Quốc hội qua các kỳ họp lần thứ 4, 5, 6, Quốc hội khóa XV. 

Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga, Giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho biết: “Định hướng về dạy học tiếp cận năng lực học sinh rất tiên tiến, nhưng áp dụng vào điều kiện thực tế còn thiếu nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Trong hoàn cảnh nhiều cái khó, đội ngũ giáo viên trong nhà trường đã tự trau dồi, tập huấn, chia giờ, để vừa đáp ứng được yêu cầu kiến thức, kỹ năng, vừa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, thời gian tập huấn chưa đủ, kiến thức ở lớp học cao hơn cần chuyên sâu thì nhân lực đội ngũ khó đảm bảo chương trình”.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của giáo viên từ việc dạy tích hợp, Bộ GD&ĐT ra văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc dạy tích hợp. Môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời, tương ứng với nội dung của các môn Lý, Hoá, Sinh trước đây. Với môn Lịch sử và Địa lý, sách tích hợp theo chương trình 2018, đã được sử dụng vài năm nay, in phần Sử và phần Địa riêng biệt, thứ tự trước sau trên một cuốn.

Đến nay, Bộ hướng dẫn các trường có thể bố trí dạy phân môn Sử và Địa đồng thời, tức không cần phải dạy hết Sử mới dạy đến Địa mà có thể dạy song song hai phần kiến thức ở hai phân môn trong cùng một khoảng thời gian.Việc kiểm tra, đánh giá sẽ phải tương ứng với nội dung và thời lượng dạy của từng phân môn Sử, Địa. Sau đó, một giáo viên chủ trì phụ trách môn Lịch sử và Địa lý của lớp sẽ tổng hợp điểm. Hướng dẫn này không đổi so với hướng dẫn trước đây của Bộ.

Với cách làm như vậy đã đi đúng định hướng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Kim Sơn đặt ra là: Tạo thuận lợi cho người học, không gây xáo trộn đội ngũ và không ảnh hưởng đến đầu ra của chương trình.

Chỉ ra những mặt "được" khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định, ưu điểm lớn nhất trong đổi mới lần này là sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mà còn của cả hệ thống chính trị và được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Chúng ta đã thu được những thành quả đáng ghi nhận.  

Có thể thấy, quy mô của các trường học tăng lên so với 10 năm trước. Hệ thống trường tư thục/dân lập đã "chia lửa" cho các cấp học bậc học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có 42.080 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó: 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập (3.326 cơ sở giáo dục mầm non, 685 cơ sở giáo dục phổ thông và 60 trường đại học tư thục/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.

Mặc dù vậy, câu chuyện thiếu trường lớp ở những tỉnh, thành lớn vẫn diễn ra. Tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con vào lớp 10 một số trường tư ở Hà Nội lại xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm 2023. Không ít trường hợp đủ hoặc thừa so với điểm chuẩn nhưng vì "chậm chân" nên đã phải ra về trong tiếc nuối và bức xúc. Cả 3 trường xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm để nhập học cho con đều là trường tư thục hoặc trường công tự chủ.

Trước ý kiến cho rằng, học sinh Thủ đô đang thiếu chỗ học, đặc biệt là trường công lập, nên phụ huynh phải chen lấn để giành suất cho con vào trường tư, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương quả quyết: Hà Nội không thiếu chỗ học. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu học sinh thủ đô.  

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết: Mặc dù có hệ thống trường tư thục/ngoài công lập có nhiều, nhưng mức học phí ở khu vực này quá cao, chưa thể đáp ứng được điều kiện người dân. Vấn đề ở đây là cơ chế từ Nhà nước đối với những trường này vẫn còn thắt chặt, nên mức học phí còn “ngất ngưởng” so với người dân. Vì vậy, dù có trường học, nhưng con em vẫn chưa được vào học. Đây là nút thắt về cơ chế cần được tháo gỡ trong giai đoạn tới để việc xã hội hóa giáo dục thực sự có hiệu quả, "chia lửa" với khối công lập, đáp ứng được nhu cầu người học. 

Điểm nhấn trong đổi mới giáo dục đại học 10 năm qua chính là việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học, gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước, quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học Việc sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học đảm bảo rà soát toàn diện và chọn ra các điểm cần thiết để sửa đổi; đảm bảo tính thực tiễn, khả thi và hiệu quả; đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ; tính hiện đại và hội nhập quốc tế… bám sát định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết: “Sự thay đổi cơ chế đối với giáo dục đại học là có lẽ thay đổi rất căn bản. Việc tự chủ được triển khai các trường đại học đã thể hiện đúng tính chất trường đại học là một nơi sáng tạo… Điều này, giúp cho các trường đại học tự do đưa ra những kiến thức, đưa ra các chương trình đào tạo không bị khuôn mẫu. điều đó thì nó sẽ đáp ứng rất kịp thời những sự thay đổi thường xuyên về khoa học, công nghệ và về thị trường và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực”.

Việc đổi mới này mở đường cho các trường, từ đó, trường đại học được tự do trong các việc liên kết việc tiếp nhận các chương trình của thế giới, những thành tựu mới nhất của đào tạo đưa vào trong nước. Điều này mở ra những cách tiếp cận mới trong giáo dục và đào tạo. Tôi cho rằng đấy là những tiền đề rất quan trọng.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống  

Ông Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách để tạo động lực cho việc đổi mới theo hướng tăng tính tự chủ. Xây dựng một số mô hình giáo dục mới như mô hình trường trọng điểm rất cao, tăng cường tuyên truyền theo quy chuẩn quốc tế".

"Chẳng hạn như tại Nghệ An có trường nội trú, bán trú kiểu mới. Để có điều đó, chúng tôi cũng phải xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù địa phương để Trung ương, Bộ GD&ĐT tạo điều kiện để UBND tỉnh có thẩm quyền ban hành. Điều này sẽ đảm bảo cơ chế, chính sách cho đội ngũ giáo viên. Tập trung hỗ trợ những em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Để các em được tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn thông qua đảm bảo dạy tốt các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục thể thao"- ông Thành cho biết thêm.

Ông Thái Văn Thành cho rằng, cần tạo môi trường văn hóa để các em vùng khó phát triển tốt về năng lực, phẩm chất để giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ngành giáo dục cần tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai, cần tập trung làm rõ nguyên nhân, bất cập, tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng làm không được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”.

Còn ở lĩnh vực giáo dục đại học, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, các trường phải tiếp tục phát huy hơn nữa quyền mà hiện nay Luật giáo dục đại học 2019 cho phép là quyền tự chủ trong đào tạo chuyên môn, trong học thuật. Như vậy, các trường phải năng động trong chuyện đổi mới chương trình, đổi mới nội dung, đổi mới phương thức đào tạo. Đó là nhu cầu thực tế gắn với những nơi mà sử dụng nguồn nhân lực”.  

Thậm chí, cần phải có thể chế để thể hiện rất rõ trách nhiệm của những cơ quan, các doanh nghiệp, của các tổ chức trong việc tham gia vào quá trình đào tạo này. Bởi lẽ, đào tạo cuối cùng cũng cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị sử dụng.  

"Về chính sách của Nhà nước, rất cần phải có thay đổi trong cơ chế đầu tư, chủ đầu tư: Đầu tư trong hệ thống cơ sở vật chất thì giảm bớt gánh nặng đóng học phí của người học. Như vậy, tính chất xã hội hóa trong giáo dục không quá nặng. Phải chuyển ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học nói chung của quốc gia này phải tập trung vào các trường đại học nhiều hơn. Thực tế, trên thế giới này những trường đại học bao giờ cũng gọi là những nơi tập trung nhất tạo ra những đổi mới, sáng tạo. Ngân sách nghiên cứu khoa học quốc gia phải rót vào cho các trường đại học theo phương thức đặt hàng", Đại biểu Hoàng Văn Cường nói. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: "Mỗi một lĩnh vực, Bộ trưởng sẽ được "đặt hàng" nghiên cứu từng lĩnh vực chuyên sâu. Khi đó các cơ sở nghiên cứu sẽ yên tâm, tập trung nghiên theo một mạch của vấn đề đó. Theo thời gian mới tạo được các sản phẩm trí tuệ mới. Tránh tình trạng hiện nay chúng ta nhìn thấy ngân sách theo hợp đồng đề tài... Nếu thay đổi được phương thức đầu tư về mặt khoa học, tôi nghĩ sẽ nâng cao được vai trò của trường đại học, đặc biệt trong việc tạo lập các trí thức mới. Đồng thời, thay đổi được chất lượng đào tạo, chất lượng về về học thuật của trường đại học"

Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về việc triển khai Nghị quyết 29, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, công tác tổng kết 10 năm thực hiện cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW, Kết luận số 51/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, từ công tác thể chế hóa đến tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng lưu ý, công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai, cần tập trung làm rõ nguyên nhân, bất cập, tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng làm không được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”.

Cùng với đó, hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại trong bối cảnh nền giáo dục quốc tế đang thay đổi rất mạnh mẽ, nhằm xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới về thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới. “Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.  

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Nghị quyết số 29/NQ-TW để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, phát triển nguồn nhân lực trong xu thế chuyển đổi mô hình phát triển trên thế giới từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.  

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực, trong đó yêu cầu ở lĩnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết quy định tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục quan tâm đầu tư bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là tại các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp...  

Đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tư vấn tâm lý học đường, các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, nhất là khắc phục tình trạng bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Bài cuối: Xác định trọng tâm, trọng điểm để bứt phá 

Lê Vân/Báo Tin tức
10 năm đổi mới giáo dục - Bài cuối: Xác định trọng tâm, trọng điểm để bứt phá
10 năm đổi mới giáo dục - Bài cuối: Xác định trọng tâm, trọng điểm để bứt phá

Để đạt được mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp là phải đảm bảo các điều kiện để đổi mới cũng như việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm để bứt phá trong đổi mới cũng như đưa Nghị quyết 29 vào cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN