Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương từng bước đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, đầu tư phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của huyện.

  

Chú thích ảnh
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia Đền Đươi, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc.

Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Gia Lộc đã xây dựng đề án phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phương châm phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy những lợi thế, cơ hội phát triển của từng vùng và bảo vệ môi trường.

Để cụ thể hóa mục tiêu được đề ra, trong giai đoạn 2021 đến 2025 huyện xây dựng và phát triển du lịch Đền Quát, xã Yết Kiêu trở thành điểm du lịch tâm linh; đồng thời phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống tại các địa phương như Đền Đươi, Đình Lương Xá,… Du lịch tâm linh được xây dựng gắn liền với du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, phục hồi, gìn giữ và phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối nước, hát trèo, ca trù.

Ngày 25/8/2024, huyện đã khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo và lễ hội Đền Đươi. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa bổ ích đã giúp cho người dân trong và ngoài tỉnh chiêm ngưỡng, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc. Tại lễ hội, còn trưng bày các gian hàng đặc sản của địa phương để du khách thưởng thức.

Chú thích ảnh
Lễ Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia và Lễ hội truyền thống Đền Đươi, xã Thống Nhất năm 2024..

Ông Phạm Đăng Xuyết, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Đền Đươi là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý, được mệnh danh là một trong những "Danh lam cổ tự" trên đất Hải Dương. Đền Đươi thờ Nguyên Phi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan Thánh Mẫu. Với gần một nghìn năm tồn tại, đền Đươi đã mất đi một số hạng mục kiến trúc cổ giá trị, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hải Dương, tháng 9/2023, huyện Gia Lộc đã tổ chức khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông được lưu truyền để người dân và du khách chiêm ngưỡng và trải nghiệm trong không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không chỉ du lịch tâm linh, du lịch làng nghề cũng được huyện Gia Lộc chú trọng và phát triển như làng nghề giầy da truyền thống tại các thôn: Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm, Nghĩa Hy của xã Hoàng Diệu... Đây cũng được coi là những điểm du lịch hấp dẫn của địa phương.

Huyện Gia Lộc phấn đấu đến năm 2025 du lịch lễ hội sẽ đón 80.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch lễ hội đạt 10 tỷ đồng; đến năm 2025, huyện kết nối được 2 tuyến du lịch: Thành phố Hải Dương - Gia Lộc - Thanh Miện và tuyến thành phố Hải Dương - Gia Lộc - Ninh Giang. Từ năm 2026 đến năm 2030, huyện phấn đấu đón 100.000 lượt du lịch, tổng thu từ lễ hội đạt 15 tỷ đồng. Năm 2030, huyện trở thành một trong những điểm du dịch hấp dẫn trong không gian du lịch của tỉnh.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia trò chơi cờ người tại lễ hội.

Phát triển du lịch tâm linh cũng là một trong những giải pháp mà huyện Gia Lộc đang hướng tới nhằm khai thác triện để các lợi thế và tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa của địa phương từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện trong thời gian tới.

Theo đó, huyện tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý hoạt động du lịch; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng cùng phát triển du lịch. Huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch tại các địa phương, xây dựng video, clip quảng bá du lịch, xuất bản, phát hành sách, các ấn phẩm cẩm nang về du lịch, tài liệu thuyết minh giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu và các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Huyện cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, tiếp tục đầu tư cải tạo, tu bổ, tôn tạo các điểm du lịch. Đặc biệt huyện huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch, xây dựng và cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực bãi sông Đồng Bến với 12.000m2 thuộc địa bàn thôn Cao Dương, vị trí có hàng nghìn cá thể cò về sinh sống thành khu du lịch sinh thái. Với những di tích lịch sử đã xuống cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thống kê, lập kế hoạch và huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại. Huyện cũng tiếp tục tập huấn, nâng cao kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh du lịch tại các điểm du lịch và du lịch cộng đồng từng bước nâng cao chất lượng và hoạt động du lịch.

Tin, ảnh: Tiến Vĩnh (TTXVN)
Khánh Hòa: Già làng Khánh Sơn giữ nếp văn hóa truyền thống
Khánh Hòa: Già làng Khánh Sơn giữ nếp văn hóa truyền thống

Ngược lên vùng núi cao Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, sáng sớm mây trắng giăng kín buôn làng. Khi khói bếp bắt đầu tỏa lên cao cũng là lúc những già làng nơi đây bắt đầu công việc thường nhật là chế tác những dụng cụ phục vụ cho cuộc sống của cộng đồng. Đặc biệt hơn cả là tạo ra những cây đàn Chapi, sáo, khèn bầu - nhạc cụ đặc trưng của người đồng bào Raglai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN