Từ sáng sớm, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp không gian. Tại nhà cộng đồng của thôn, các già làng, nam thanh, nữ tú, mặc trang phục truyền thống, tất bật hoàn thành công tác chuẩn bị để khởi đầu nghi lễ cúng Bến nước.
Từ nhà cộng đồng, đoàn rước lễ vật Buôn Đung, dẫn đầu là thầy cúng và các già làng, tiến về bến nước trên suối Bông, sắp xếp mâm lễ và tiến hành nghi thức cúng. Đây là nghi lễ truyền thống, biểu hiện lòng biết ơn và kính trọng của dân làng đối với Thần nước, mang lại may mắn và cầu nguyện cho mùa màng thuận lợi, cầu mong sức khỏe dồi dào cho cộng đồng.
Lễ hội thường diễn ra vào tháng Giêng hằng năm tại nhiều thôn của xã Ninh Tây. Các nghi thức được tiến hành một cách cẩn thận, trang trọng, bao gồm việc vệ sinh khu vực bến nước và chuẩn bị lễ vật. Nghi lễ cuối cùng trong lễ hội là cúng mở cổng buôn, đánh dấu sự kết thúc của lễ cúng và cho phép dân làng trở lại sinh hoạt bình thường.
Sau khi thực hiện lễ cúng tại bến nước, người dân trong buôn lấy nước vào ống tre, quả bầu khô rồi gùi về nhà. Theo truyền thống của người Ê Đê tại Buôn Đung, bên cạnh nghi thức cúng tại bến nước, đồng bào còn thực hiện cúng tại cổng làng, cúng sức khỏe chủ bến nước và nhân dân trong buôn tại nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn. Tiếp đó là phần hội, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ như biểu diễn cồng chiêng quanh ngọn lửa trại, uống rượu cần…
Ông Ycho Mluo, già làng Buôn Đung, xã Ninh Tây cho biết, Lễ cúng Bến nước là một biểu tượng thiêng liêng của lòng biết ơn và sự kính trọng đối với thiên nhiên, môi trường sống của người dân buôn làng. Lễ hội ý nghĩa to lớn, là dịp tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, cũng như cầu mong sự an lành cho cộng đồng người Ê Đê.
Để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, sự tham gia của thế hệ trẻ là yếu tố không thể thiếu, góp phần quan trọng trong việc duy trì các lễ hội truyền thống. Tự hào là người con của buôn làng, chị H - Hằng (sinh năm 1992), giáo viên mầm non của xã Ninh Sim (xã liền kề với Ninh Tây) chia sẻ: “Tôi sẽ nỗ lực không ngừng để giáo dục các em nhỏ về vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình, qua đó giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán quý báu, để chúng không chỉ là dấu ấn của quá khứ mà còn là di sản vô giá cho thế hệ tương lai".
Việc giáo dục văn hóa cho các em nhỏ nơi đây được thực hiện qua các hoạt động giáo dục nghệ thuật đặc sắc, học sinh nữ được học múa, học sinh nam được dạy đánh cồng chiêng. Không chỉ truyền đạt kiến thức và kỹ năng nghệ thuật, những hoạt động này còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc cho các em từ khi còn nhỏ.
Bà Bùi Thị Song Na, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết, địa phương đang xây dựng đề án phục dựng lại lễ hội cúng Bến nước - một phần không thể thiếu của bản sắc văn hóa và tinh thần cộng đồng, đặc biệt là đối với cộng đồng người Ê Đê tại đây.
Lễ hội cúng Bến nước đã tồn tại lâu đời, là một nét đẹp truyền thống của người dân địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thay đổi về lối sống, sự phát triển của xã hội và cả sự thiếu hụt nguồn lực, lễ hội dần bị mai một và không còn được tổ chức quy mô lớn như trước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thị xã Ninh Hòa đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm phục dựng Lễ hội cúng Bến nước.
Theo bà Bùi Thị Song Na, địa phương đang tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội hằng năm, qua đó góp phần phục hồi và duy trì lễ hội, khích lệ cộng đồng tham gia vào việc gìn giữ và truyền bá giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với các bên liên quan, các chuyên gia văn hóa, những người giàu kinh nghiệm trong cộng đồng người Ê Đê... để xây dựng đề án toàn diện nhằm phục dựng Lễ hội cúng Bến nước một cách chính xác và đầy đủ nhất.