Đưa văn hóa truyền thống vào trò chơi hiện đại
Vốn đam mê và được đào tạo bài bản chuyên ngành thiết kế tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nên dù bén duyên và gắn bó với công việc đạo diễn hình ảnh tại Đài truyền hình Việt nam, đạo diễn trẻ Ninh Quang Trường vẫn duy trì thói quen nghiên cứu, vẽ, thiết kế với nhiều ý tưởng độc đáo. Cờ Mặt Trời là một trong số tác phẩm của anh, được công bố.
Chia sẻ về lý do thôi thúc sáng tạo cờ Mặt Trời, Ninh Quang Trường tâm sự: “Cách đây 12 năm, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách đạo diễn cho chương trình Tết của Đài THVN. Lúc đó, tôi có ý tưởng mang tên: “Cầm - Kỳ - Thi - Họa”, cảm giác rất truyền thống, đẹp, sang, cực kì phù hợp với dịp Tết. Nhưng đến khi triển khai thì không dễ như vậy. “Cầm” là đàn, “Thi” là thơ, “Họa” là tranh, ta đã có những đồ vật hay tác phẩm rất Việt Nam. Nhưng đến “Kỳ” là cờ thì tôi sững lại. Tôi đã hình dung ra hình ảnh 4 cô gái mặc áo dài Việt Nam ứng với mỗi nét, nhưng để họ chơi cờ gì bây giờ?
Các cụ ngày xưa thường chơi cờ tướng Trung Quốc, quân cờ có chữ tượng hình, còn cờ Vua lại tạo cảm giác hiện đại, Châu Âu quá, không phù hợp. Ý tưởng đó của tôi cuối cùng phải từ bỏ. Nhưng cũng từ đó, trong đầu tôi đặt ra câu hỏi về môn cờ riêng của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết, Việt Nam có cờ riêng, cờ dân gian có, cờ sáng tác có, nhưng không phổ biến rộng rãi. Và ý tưởng tạo ra cờ Mặt Trời bắt đầu từ đó, một bộ môn phải được đông đảo mọi người biết đến, nhưng vẫn phải đảm bảo giá trị và công năng”.
Ninh Quang Trường muốn cờ Mặt Trời trở thành một dạng “board game”, tức là đang trò chơi tương tác trực tiếp giữa hai hay nhiều người với nhau, thông qua các thành phần vật lý như xúc xắc, bàn cờ, quân cờ, thẻ bài. Chính vì vậy, anh nhanh chóng tiếp cận với nhiều cộng đồng board game, trải nghiệm và học hỏi về những bộ môn mà ngay khi vừa mở ra, xem qua cách chơi đã có thể dễ dàng nhập cuộc. Bởi luật chơi của board game khá đơn giản, khoa học, mạch lạc, dễ chơi nhưng không nhàm chán.
Nam đạo diễn trẻ cho biết, việc tìm một tạo hình phù hợp cho quân cờ khiến anh tốn nhiều thời gian nhất. “Mong muốn của tôi là tạo ra một bộ cờ nhìn vào phải rất Việt Nam, thậm chí có hơi hướng hoài cổ một chút, mang dáng vẻ của dân tộc và tôi chọn hình trống đồng. Trước khi chốt thiết kế này, tôi đã thử đi thử lại rất nhiều phương án, làm rất nhiều bản thử và đều không ưng. Tôi nhận ra, họa tiết trống đồng xuất hiện khắp mọi nơi, từ mặt đồng hồ, đến trang trí sân khấu, rồi dịp Tết ngoài đường trang trí đèn led cũng là hình trống đồng. Đặc trưng là vậy, nhưng ứng dụng vào làm quân cờ thì chưa ai làm”, anh chia sẻ.
Theo Ninh Quang Trường, ngoài yếu tố biểu tượng mang đậm nét văn hóa, quân cờ hình trống đồng cũng đáp ứng được đầy đủ yêu cầu công năng cần có. Về tạo hình, cấu trúc, tỷ lệ, trống đồng có chỗ nở, chỗ thắt, hình dáng vừa mềm mại, vừa vững chắc. Khi thu nhỏ lại thì cầm rất vừa tay. Quan trọng nhất là mặt trống đồng có một diện tích hình tròn đủ to để đưa được luật chơi vào đó.
Mỗi quân cờ là một sợi dây kết nối
Đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, cờ Mặt Trời ra mắt và lan tỏa rộng rãi tới công chúng tại Bảo tàng Hà Nội. Cũng trong dịp này, Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng” với hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý từ hơn 2.000 năm trước của dân tộc qua thời các vua Hùng, với nền Văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử. Nổi bật trong có Bảo vật Quốc gia - trống đồng Cổ Loa.
Sự kết nối được thể hiện rõ nét khi bên cạnh bảo vật trống đồng đồ sộ là những quân cờ trống đồng nhỏ hơn, nhưng lại chứa đựng tình yêu với nền văn hóa đầy tự hào của dân tộc, một sản phẩm hiện đại nhưng có sự tiếp nối kế thừa giá trị truyền thống. Trong không gian đặc biệt ý nghĩa đó, hàng nghìn người đã tới để vừa thăm quan, tìm hiểu, vừa trải nghiệm chơi cờ Mặt Trời.
Mỗi ván cờ có tiết tấu nhanh, kịch tính, đa dạng trong cách thức ghi điểm tạo sự hấp dẫn cho người chơi. Giống với tên gọi, quân cờ quan trọng nhất là quân cờ có hình mặt trời, ai để mất quân cờ này sẽ là người thua cuộc.
Chị Nguyễn Thu Phương (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đầu tiên là tôi khá ấn tượng với thiết kế vừa độc lạ vừa quen thuộc của bộ cờ Mặt Trời này. Cách chơi của chúng cũng rất đơn giản, thay vì ngồi lướt điện thoại, chúng tôi có thể cùng nhau ngồi chơi cờ, vừa thêm gắn kết, vừa có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa đất nước mình”.
Bàn cờ Mặt Trời, bao gồm 49 ô vuông, theo cấu trúc 7x7 và 28 quân cờ, chia 2 màu với cách sắp xếp giống nhau. Mỗi bên có 14 quân cờ, chia thành 2 hàng: Hàng thứ nhất theo thứ tự: 1-2-3-4-3-2-1; hàng thứ 2 theo thứ tự: 4-3-2-quân Mặt Trời-2-3-4. Các số tương ứng với số chấm hiển thị trên mặt mỗi quân cờ.
Chia sẻ về cách chơi cờ, đạo diễn Ninh Quang Trường cho biết: "Lần lượt từng người chơi sẽ luân phiên nhau đưa ra các bước đi cùng mình, thông thường đội màu đỏ sẽ đi trước, hoặc tùy vào thỏa thuận giữa hai bên. Quân cờ bắt buộc phải đi số bước bằng số chấm, không được nhiều hoặc ít hơn, quân Mặt Trời đi 1 bước. Bạn có thể di chuyển quân cờ theo các hướng dọc, ngang, chéo. Tuy nhiên cần lưu ý, quân cờ di chuyển không được thay thế vào vị trí đang có quân cờ khác cùng màu, nhưng có thể nhảy qua quân cờ của đổi thủ. Dù di chuyển thế nào, quân cờ cũng không được bước ra khỏi phạm vi bàn cờ. Nếu vị trí hạ quân cờ của bạn trùng với vị trí đang đứng của quân cờ đối phương, bạn lập tức có thể "ăn" quân cờ đó. Cứ như vậy cho tới khi ai bị mất quân cờ Mặt Trời trước sẽ là người thua cuộc".
Ngoài ra, để tăng độ hấp dẫn cho trò chơi, người chơi có thể đưa thêm các luật phụ như: giới hạn thời gian suy nghĩ để đi một nước cờ trong khoảng tối đa 30 giây; hoặc giới hạn thời gian chơi của một ván cờ. Chẳng hạn, sau 10 phút, vẫn chưa ai bị mất quân cờ Mặt Trời sẽ tiến hành tính điểm, số điểm tương ứng với trị số trên mỗi quân cờ, ai còn tổng điểm nhiều hơn sẽ là người chiến thắng. Lưu ý, riêng quân cờ Mặt Trời không tính điểm.
Với luật chơi đơn giản, người dân ở mọi lứa tuổi, ông bà, cha mẹ đều có thể ngồi chơi cùng con cháu, hay những nhóm bạn chơi cùng nhau, tạo nên tính gắn kết mạnh mẽ giữa người với người.