Không chỉ là những hiện vật trưng bày trong bảo tàng hay chỉ xuất hiện trong các vở kịch sân khấu, cổ phục Việt giờ đây đã chạm đến hơi thở của đời sống thường ngày, với sợi dây kết nối chính là tình yêu của người trẻ với nét đẹp văn hóa truyền thống.

Việt Nam vẫn luôn được ví như một kho tàng văn hóa vô tận, với nhiều di sản đậm bản sắc. Giống như những quốc gia khác, trang phục của người Việt cũng luôn là nguồn cảm hứng bất tận và là niềm tự hào dân tộc. Theo thời gian, trong quá trình hội nhập, ảnh hưởng cách ăn mặc từ nhiều nơi, những giá trị ấy tưởng chừng như dần chìm vào quên lãng.

Khoảng ba năm trở lại đây, người ta dần thấy nhiều hơn những bộ cổ phục xuất hiện trong đời sống thường ngày. Đáng nói, người đưa nét đẹp ấy trở về với hiện tại lại là những bạn trẻ, với tình yêu, sự say mê và có chút không “đành lòng” nhìn giá trị tinh hoa này mai một.

Đầu tiên phải kể đến những sản phẩm nghệ thuật được truyền thông đến công chúng. Chẳng hạn một số MV như: Anh ơi ở lại (Chi Pu) với trang phục cung đình và câu chuyện cổ tích Tấm Cám làm gốc, Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh) với câu chuyện gốc là tác phẩm Vợ chồng A Phủ và trang phục của người Mông; Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) lấy cảm hứng kịch bản và tạo hình từ chuyện tình của Nam Phương Hoàng Hậu. 

Mới đây, phim điện ảnh Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ) cũng gây ấn tượng với hàng trăm cổ phục khắc họa đời sống nhà quan thế kỷ 19 ở miền Bắc, tạo hình nhân vật tóc búi bánh lái hoặc tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ.

Không dừng lại ở đó, cổ phục Việt đã được những bạn trẻ tự tin diện xuống phố, trong những buổi chụp hình, những sự kiện trình diễn thời trang, hay như trong lễ cưới - ngày trọng đại của cuộc đời. Chọn trang phục là Nhật Bình và áo dài ngũ thân trong ngày đính hôn, cặp đôi Phạm Thái - Huyền Anh, ở Hà Nam cho biết: “Chúng tôi biết đến trang phục này khi xem được clip của một số bạn trẻ trên mạng, cảm nhận đầu tiên là thấy đẹp thôi. Và khi quyết định tìm hiểu, mới biết đó là triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng hậu, công chúa thời vua Gia Long, nên đã lựa chọn làm trang phục trong ngày thành hôn, như một cách khiến ngày vui thêm ý nghĩa và mang đậm nét truyền thống”. 

Trên nền tảng mạng xã hội, nhiều nhà sáng tạo nội dung trẻ đã đưa áo dài ngũ thân đến gần hơn với người xem. Trong số đó, nhiều người là nam giới, bằng cách truyền tải sáng tạo, các video nhanh chóng nhận về nhiều lời khen và hỏi địa chỉ để mua cổ phục tương tự. 

Hay như bạn trẻ Vũ Đức, là trưởng nhóm nghiên cứu và cung cấp các giải pháp về cổ phục Great Vietnam, với mong muốn đưa cổ phục vào các dự án văn hoá, nghệ thuật có tính lan tỏa lớn ở cộng đồng. Ở Huế, có các NTK Quang Hòa, Viết Bảo... là những người đưa áo dài ngũ thân trở về và nhân rộng trên miền đất Cố đô. Họ đã tiếp nối, gìn giữ giá trị áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn thông qua những tà áo dài Huế.

Nhận định về điểm đáng mừng này, TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt đang được nâng cao trong giới trẻ. Điều đáng nói, những bạn trẻ tâm huyết, gìn giữ, làm lan tỏa cổ phục cũng chính là những gạch nối quá khứ và hiện tại.

Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, tại Hà Nội, một dòng cổ phục cao cấp hơn được ra đời và nhận về nhiều sự quan tâm, mang tên “Thượng Văn”. Từ suy nghĩ về văn hóa mặc của người Việt và mặc trang phục truyền thống sao cho đúng, Thượng Văn đã nuôi dưỡng và nung nấu ý muốn phục dựng lại cổ phục của người Việt. Từ 2016, những người tâm huyết với cổ phục đã đi khắp các làng nghề để tìm kiếm những nghệ nhân dệt lụa, nhuộm màu, khâu áo còn đam mê với nghề và gửi gắm đến họ mong ước dựng lại chiếc áo dài truyền thống đầy tự hào của người Việt. 

Trên những kĩ thuật dựng áo từ nghệ nhân, nhà thiết kế của Thượng Văn đã mất 5 năm đưa ra những chiếc áo ban đầu, chỉnh sửa trên dáng người mặc và sáng tạo, điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Thượng Văn sử dụng sự phối hợp màu sắc để thể hiện ý tưởng và quan điểm của người mặc khi xuất hiện. Vì vậy, mỗi chiếc áo dài của Thượng Văn không chỉ là trang phục, mà còn là tư tưởng, cốt cách của người mặc nó.

Điểm khác biệt là những chiếc áo dài đắt đỏ này được các nghệ nhân khâu tay hoàn toàn, thực hiện liên tục trong nhiều ngày. Kỹ thuật khâu tay của nghệ nhân lão làng ấy vẫn thường được ví như câu nói của người xưa: “Trong như dán hồ ngoài phô trứng rận”, ý rằng từng mũi khâu rất tinh tế và tỉ mỉ đạt đến độ tinh xảo.

Việc mặc cổ phục nếu chỉ dừng lại ở việc yêu thích, hay chạy theo trào lưu thôi là chưa đủ. Gặp gỡ họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, anh cho biết, cần có định hướng đúng cho người mặc về lịch sử thăng trầm, công năng, giá trị thẩm mỹ và ngữ cảnh diện những bộ trang phục đó.

Chẳng hạn như với áo dài ngũ thân được phục dựng mạnh mẽ thời gian gần đây, yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của loại áo này được hình thành và cộng hưởng từ kiểu dáng, ứng xử của người mặc. Sự khiêm nhường, kín đáo, hòa đồng, tinh tế nhưng ẩn sâu vẫn là sự sang trọng, mạnh mẽ, duyên dáng là những yếu tố của bản sắc văn hóa người Việt được thể hiện trên bộ trang phục áo dài ngũ thân.

Hay như với áo tấc, là loại trang phục thường được dùng trong các nghi lễ… “Cách mặc loại áo này là phải luôn để tay chắp phía trước bụng, thể hiện sự tôn nghiêm. Vì vậy mà tay áo sẽ dài và rộng. Các bạn trẻ khi mặc loại áo này cũng cần lưu ý điểm trên. Cần nhấn mạnh lại rằng, việc định hướng là rất quan trọng trong hành trình lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống này”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ. 

Từ góc nhìn của một người làm quản lý, với không ít trăn trở về phục hưng văn hóa, TS. Phan Thanh Hải nhận định, nhiều năm qua, trào lưu phục dựng, thúc đẩy văn hóa mặc cổ phục Việt, đặc biệt là áo dài đã được phổ biến ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Ví như ở Huế, đã có các chương trình phát động thực hành mặc áo ngũ thân cho toàn thể cán bộ trong các lễ chào cờ đầu tháng và dịp lễ, Tết, các sự kiện văn hoá; đề ra việc tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần Ngày hội áo dài; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển một cách thường xuyên đội ngũ thiết kế, may đo trang phục;... 

TS Phan Thanh Hải cũng cho biết, trong công cuộc phục hưng di sản của áo dài, không thể thiếu sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Hà Nội, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với Câu lạc bộ Đình làng Việt đã khai trương “Không gian Áo dài truyền thống trong Ngôi nhà Di sản” (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Đây là hành động thiết thực của những người yêu mến áo ngũ thân, tạo cơ hội cho công chúng, du khách được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về những giá trị của trang phục áo dài truyền thống. 

Chúng ta đang trong những ngày đầu của một năm mới, nhìn lại những đóng góp của các cơ quan chức năng cũng như nỗ lực của cả cộng đồng, cổ phục Việt hứa hẹn sẽ vươn xa. Cùng với đó, nghề may đo và tập quán sử dụng trang phục truyền thống sẽ sớm được vinh danh, trân trọng.

Bài viết, trình bày: Phương Mai/Báo Tin tức

14/02/2024 11:16