Khám phá du lịch Tiền Giang - Bài cuối: Phát triển du lịch nông thôn, sinh thái miệt vườn

Tiền Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh có nhiều sông ngòi, kênh rạch, cùng hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản, các món ăn đặc trưng, các làng nghề truyền thống địa phương và các di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn được di sản văn hóa địa phương. Tận dụng lợi thế này, Tiền Giang xác định du lịch nông thôn, du lịch sinh thái miệt vườn là một trong những loại hình du lịch chủ đạo để phát triển du lịch của tỉnh.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm hoạt động tự bơi xuồng trên sông trong Nông trại dê sữa du lịch Đông Nghi. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng, Tiền Giang đang tìm cách tạo nên sự khác biệt và hình thành thương hiệu riêng của địa phương để cạnh tranh trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển là sản phẩm nền tảng, phù hợp với xu hướng xanh - sạch - bền vững hướng đến các dịch vụ cao cấp, chất lượng cao.

Du khách đến Tiền Giang bị thu hút bởi những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp như: Vùng kiểm soát lũ, vùng Đồng Tháp Mười, cù lao trên sông Tiền, vùng ven biển Gò Công… được đầu tư khai thác một cách bài bản, tạo dấu ấn và đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm.

Một trong những minh chứng sinh động cho việc đầu tư và phát triển hiệu quả dịch vụ du lịch nông nghiệp là việc người dân ở cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy đã khai thác tốt mô hình du lịch nông nghiệp. Tại đây, người dân đã xây dựng và khai thác tốt sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng cây ăn trái với hơn 1.300 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản.

Điển hình là điểm du lịch Mekong Rustic Sáu Vân có diện tích gần 10 ha với 15 phòng nghỉ đạt chuẩn cho khách có nhu cầu ở qua đêm và tham gia các hoạt động sinh hoạt của người dân sông nước miệt vườn. Loại hình này đang tiếp tục được phát triển ở nhiều nơi như: xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè; xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông; xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước,...

Đi trước, đón đầu trong phát triển du lịch, nhiều hợp tác xã ở Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư các sản phẩm du lịch nhằm nâng cao thu nhập. Chị Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi cho biết, chị đã phát triển mô hình Hợp tác xã nuôi dê và bán các sản phẩm làm từ sữa dê kết hợp với khai thác du lịch. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã đón từ 50 - 100 khách. Các ngày cuối tuần, ngày lễ đón từ khoảng 300 - 500 khách.

Sau khi tham gia hoạt động tự bơi xuồng trên sông nhỏ, chị Phan Thị Thùy Trang (du khách đến từ tỉnh Bình Thuận) hào hứng cho biết, chị và các thành viên trong gia đình được trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như: cho dê ăn, vắt sữa dê, cho dê con bú; thưởng thức các sản phẩm làm từ sữa dê như bánh flan, sữa chua tươi, sữa chua sấy khô, các loại trái cây sạch được trồng tại nông trại như bưởi da xanh, mít Thái, dừa Xiêm… Chị thực sự hài lòng với các dịch vụ tại đây.

Một địa điểm nổi danh khác của Tiền Giang được mệnh danh là “Vườn bách thảo của vùng sông nước” là Trại rắn Đồng Tâm ở huyện Châu Thành. Với khuôn viên rộng lớn phủ đầy cây xanh, nơi đây không chỉ là nơi bảo tồn các loài trăn, rắn mà còn là nơi sinh sống của đa dạng các loài chim, thú như đà điểu, chim kiểng, gấu, beo, hươu, nai, ngựa,… cùng vườn thuốc Nam quy mô lớn.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu cho biết, Trại rắn Đồng Tâm là điểm đến thú vị đối với những ai yêu mến thiên nhiên và mong muốn hiểu thêm về thế giới những loài động vật. Không chỉ là một trại rắn để du khách đến chiêm ngưỡng, nơi đây dần trở thành một nơi chữa trị rắn cắn nổi tiếng cho người dân trong khu vực.

Tiền Giang còn nổi danh với mô hình du lịch nhà cổ. Thị xã Gò Công còn lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi với kiến trúc phối hợp Đông - Tây độc đáo như Nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải được xây dựng năm 1860. Dinh Chánh Tham Biện hay Dinh Tỉnh trưởng được xây cất từ năm 1904...

Tại huyện Cái Bè, làng Đông Hòa Hiệp, ở xã Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Hòa Hiệp Dương Văn Phương, làng có tất cả 7 ấp với gần 4.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, mít… và các nghề thủ công truyền thống như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng.

Làng hiện còn 10 ngôi nhà cổ, ba ngôi chùa và một ngôi đình làng. Nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, tôn tạo và đã tồn tại hơn 100 năm. Đặc biệt ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt có niên đại trên 150 năm, đã được tổ chức JICA tài trợ trùng tu, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình mỗi năm, làng cổ này đón khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.

Cần chính sách ưu đãi đầu tư

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển loại hình này ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời với việc tăng cường quản lý Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào, làm ăn manh mún, phát triển kém bền vững.

Cùng đó, Tiền Giang triển khai nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều chính sách năng động và hợp lý như hỗ trợ về vốn, về thuế, đào tạo nhân lực,… để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ nông dân. Nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch sẽ là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp. Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong quá trình liên kết, khai thác tạo ra sản phẩm với các dịch vụ mang nét đặc trưng địa phương, tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Tỉnh xây dựng và phổ biến các mô hình du lịch nông nghiệp tiêu biểu, phù hợp với lợi thế của các địa phương, như mô hình du lịch trồng trọt, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với cộng đồng (homestay),…

Để nâng cao chất lượng các điểm đến, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã hướng dẫn hỗ trợ các nhà cổ, các hộ làng nghề nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; phát triển các tuyến du lịch mới.

Các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân.

Nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như cầu, đường giao thông, bến tàu, bến xe, hệ thống điện, nước…; các biện pháp về an ninh trật tự, về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư nguồn lực tham gia các hoạt động du lịch.

Mặt khác, tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp du lịch; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân về kiến thức, kỹ năng du lịch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, kỹ năng quảng bá, bán hàng trực tuyến... Đồng thời, tỉnh tăng cường bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp, hộ nông dân có đủ năng lực hội nhập du lịch, trong giai đoạn bùng nổ thông tin cũng như công nghệ khai thác du lịch, tăng hiệu quả hoạt động du lịch nông dân. 

Theo các chuyên gia, để trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn ban đầu và quay trở lại, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang cần có sự bứt phá, tạo thêm những sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc; chú trọng phát triển các dịch vụ bổ trợ có chất lượng tốt nhất; khai thác hiệu quả mô hình kinh tế ban đêm gắn với đặc trưng về văn hóa nghệ thuật, ẩm thực để thu hút du khách.

Tiền Giang hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm, quảng bá các chương trình du lịch nông nghiệp qua các hội chợ, triển lãm du lịch; trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như qua các phương tiện truyền thông khác như báo đài, tờ rơi, sách ảnh.

Tỉnh đẩy mạnh hoạt động quảng bá bằng một số ngôn ngữ nước ngoài phổ biến như tiếng Anh, tiếng Hoa thông qua phương tiện truyền thông quốc tế dựa trên sự khai thác các giá trị độc đáo của sản phẩm du lịch địa phương.

Trí Bình - Chí Nguyên (TTXVN)
Khám phá du lịch Tiền Giang - Bài 1: Tiềm năng đa dạng
Khám phá du lịch Tiền Giang - Bài 1: Tiềm năng đa dạng

Là một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái đặc trưng, cùng nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang đậm nét văn hóa độc đáo của cư dân miệt vườn Nam Bộ, Tiền Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN