Lòng hồ Thủy Yên, nơi các thuyền chở khách du lịch đến điểm tắm suối tại khu du lịch sinh thái Suối Tiên. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Tiên - hồ Thủy Yên hết hạn hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Thủy Yên (xã Chân Mây - Lăng Cô) từ tháng 10/2023. Từ năm 2024 đến tháng 4/2025, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi thành phố Huế đã có nhiều công văn đề nghị Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũ, nay là xã Chân Mây - Lăng Cô) là chủ đầu tư dự án, dừng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Thủy Yên, cho đến khi được UBND thành phố Huế cấp Giấy phép hoạt động. Đến nay, việc cấp phép vẫn chưa được chấp thuận nhưng dự án vẫn hoạt động kinh doanh công khai, bao gồm việc vận chuyển khách qua lại trên lòng hồ Thủy Yên.
Báo cáo mới nhất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi thành phố Huế gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND xã Chân Mây - Lăng Cô ngày 21/7/2025 nêu rõ: “Hiện nay, qua thông tin của Trạm thủy nông Phú Lộc được biết Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An vẫn có một số hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi lòng hồ Thủy Yên như: chạy thuyền đưa đón trong lòng hồ Thủy Yên và một số hoạt động khác”.
Ngày 21/7, tại Khu du lịch sinh thái Suối Tiên, khi vào cổng, phóng viên TTXVN được giới thiệu mua vé “giữ xe taxi 15.000 đồng bao gồm thuế VAT” (để trông giữ xe cá nhân); vé vận chuyển hành khách 50.000 đồng/lượt bao gồm thuế VAT; 5.000 đồng/người/vụ đối với Giấy chứng nhận bảo hiểm. Tuy nhiên, các loại vé, phí đều được in sai ngày, địa điểm là 18/7 (thực tế là ngày 21/7) và huyện Phú Lộc (huyện đã giải thể trước ngày 1/7).
Đáng nói, thay vì vận chuyển trên xe ô tô 16 chỗ từ bãi đỗ xe đến Bến thuyền hồ Thủy Yên như trong bản kê khai mức giá cụ thể của Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An, hai phóng viên được một nam tài xế chở trên cùng xe máy cũ, không mang mũ bảo hiểm, di chuyển từ cổng hồ đến đỉnh đập, từ nhà chờ đến các bãi tắm. Dù áo phao được trang bị sẵn trên thuyền nhưng chủ thuyền không yêu cầu hay nhắc nhở khách mặc trong suốt hành trình di chuyển trên lòng hồ Thủy Yên, từ bến thuyền đến Khu du lịch sinh thái Suối Tiên và ngược lại.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi thành phố Huế Dương Đức Hoài Khánh cho biết, về hoạt động vận chuyển người bằng xe thô sơ và đưa người qua lòng hồ, công ty đã nhiều lần lập biên bản chấn chỉnh, yêu cầu Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An thực hiện biện pháp an toàn; đồng thời đề nghị hợp tác xã thực hiện đầy đủ các nội dung quy định của Luật Thủy lợi để được cấp phép, hoạt động lâu dài.
Trong báo cáo gửi UBND xã Chân Mây - Lăng Cô ngày 21/7, Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An thừa nhận, dự án từ năm 2018 đến nay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (2020-2021) và quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Hợp tác xã đã bị xử phạt hành chính 75 triệu đồng về vi phạm Luật đầu tư, theo Quyết định của Thanh tra Sở Tài chính thành phố Huế ngày 27/6/2025. Đầu tháng 7/2025, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp thành phố Huế đã cho phép hợp tác xã điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Suối Tiên - hồ Thủy Yên.
Được biết, Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An đã gửi hồ sơ làm thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư đến cơ quan có thẩm quyền của thành phố Huế (dự kiến ngày 4/8/2025 có kết quả).
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp thành phố Huế, trường hợp dự án chậm tiến độ thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được cấp, đơn vị sẽ phối hợp các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư theo quy định; sẽ rà soát, thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án nếu tiếp tục vi phạm chậm tiến độ thực hiện.
Mong muốn phát triển bền vững
Các bãi tắm tại khu du lịch sinh thái Suối Tiên được dựng lên bằng các thanh sắt, lều bạt tạm ở ven suối, nơi du khách sử dụng dịch vụ nghỉ ngơi và ăn uống. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Khu vực hồ Thủy Yên - Suối Tiên sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với nguồn nước trong vắt, không khí trong lành. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cho địa phương. Những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy An đã huy động vốn cổ đông của nhiều thành viên để xây dựng hạ tầng, mua sắm thuyền và làm các bãi tắm phục vụ du khách; qua đó giải quyết việc làm cho nhiều hộ, phát triển vùng, tăng thu nhập cho hợp tác xã và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc kinh doanh của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả bởi yếu tố khách quan của thời tiết, thiên tai và nguy cơ dừng hoạt động, trong khi chi phí vận hành, đầu tư cao.
Khu du lịch sinh thái Suối Tiên hiện vận hành 6 bãi tắm, trải dài trên khu vực suối cách nhà chờ từ 500m đến 1,2 km. Anh Nguyễn Phú, nhân viên bãi tắm Mười Vy cho hay, nguồn thu của các hộ kinh doanh chỉ dựa vào dịch vụ ăn uống và thuê chỗ ngồi tại bãi. Việc kinh doanh cũng chỉ diễn ra trong 4 tháng mỗi năm (từ tháng 4 đến hết tháng 8); trong đó chủ yếu tập trung vào tháng 4 - 5, các tháng còn lại gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Nhiều chủ bãi tắm rơi vào cảnh thua lỗ, buộc đóng cửa.
Anh Nguyễn Phú chia sẻ, từ 12 bãi tắm kinh doanh ban đầu, khu du lịch này chỉ còn 6 bãi. Trước đây, bãi tắm Mười Vy được đầu tư hàng trăm triệu đồng để kinh doanh với quy mô rộng, nhưng qua nhiều trận lũ, cơ sở vật chất bị hư hại, thậm chí các khung sắt, cầu trang trí đều bị cuốn đi. Thu nhập không ổn định, doanh thu nhiều tháng không đủ chi trả tiền thuê nhân viên, buộc bãi tắm của anh Phú phải cắt giảm chi phí đầu tư, thu hẹp quy mô hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND xã Chân Mây - Lăng Cô Cái Lê Chính Đạo cho hay, địa phương may mắn có nhiều tiềm năng, địa điểm có thể khai thác phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng; trong đó có Khu du lịch sinh thái Suối Tiên - hồ Thủy Yên. Do vậy, chính quyền xã mong muốn cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để các điểm đến phục vụ cho người dân và du khách phát triển đúng quy định pháp luật, bền vững và an toàn.