TP Hồ Chí Minh phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp công nghệ cao

Đón đầu xu hướng phát triển du lịch bền vững, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch xanh, sạch gắn với nông nghiệp hiện đại và sản phẩm OCOP. Những mô hình hay các tour du lịch nông thôn đã mở ra hướng đi mới trong việc kết nối trải nghiệm du lịch với văn hóa, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng có trách nhiệm, tạo ra điểm nhấn khác biệt trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Mô hình du lịch nông nghiệp tại Suối Tiên Farm đang thu hút nhiều du khách đến TP Hồ Chí Minh. 

Yếu tố sống còn trong tương lai

Xu hướng du lịch xanh không chỉ là phong trào mà đang dần trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của du khách. Theo Báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com, 41% du khách Việt xem việc giảm rác thải nhựa là hành động quan trọng nhất để góp phần vào du lịch bền vững, trong khi 58% mong muốn hạn chế tối đa việc sử dụng đồ dùng một lần trong các chuyến đi. Đặc biệt, 62% người Việt được khảo sát cho biết họ cân nhắc yếu tố bền vững trước khi đặt chuyến du lịch và 90% mong muốn lựa chọn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.

Những con số này cho thấy, nhận thức về trách nhiệm môi trường trong cộng đồng du khách ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh đang từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch xanh bằng những hành động cụ thể: Từ hỗ trợ mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh sản phẩm OCOP, xây dựng các tour trải nghiệm gắn với giáo dục và bảo tồn văn hóa… đến mở rộng mạng lưới doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm.

Ghi nhận tại Suối Tiên Farm, một điểm đến nổi bật trong mô hình này đã được đầu tư hơn 100 tỉ đồng của Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, hiện sở hữu 31 giống cây ăn trái quý hiếm như cherry Brazil, nho kẹo đen Pháp, lựu đỏ Ấn Độ… Tất cả đều được trồng bằng công nghệ cao từ Nhật Bản và Israel trong môi trường nhà màng hiện đại.

Bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Tổng Giám đốc Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên cho biết, mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang phát huy hiệu quả cao khi từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, vui chơi. Mô hình Suối Tiên Rarm không chỉ hấp dẫn về mặt trải nghiệm mà còn có giá trị giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lối sống xanh, tiêu dùng thông minh và tầm quan trọng của nông nghiệp sạch.

Chú thích ảnh
Vườn hồng Socola InDo là một mô hình du lịch nông nghiệp xanh khiến một du khách trẻ thích thú "check in". 

Từ thành công của mô hình Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy phát triển các điểm đến nông nghiệp xanh ở vùng ven như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè… nơi có tiềm năng lớn về đất đai, thổ nhưỡng và sản phẩm đặc trưng. Đây cũng là cơ hội để kết nối sản phẩm nông nghiệp địa phương với hoạt động du lịch, góp phần gia tăng giá trị kinh tế,

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, du lịch nông nghiệp xanh đã trở thành hướng đi chiến lược của TP Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh không chỉ đơn thuần là tham quan hay nghỉ dưỡng, các tour du lịch này có kết hợp giữa nông nghiệp kết hợp giáo dục, trải nghiệm và tiêu dùng xanh… Nhiều sản phẩm du lịch xanh tại TP Hồ Chí Minh khi giới thiệu rộng rãi cũng đã thu hút lượng lớn khách nội địa, đặc biệt là giới trẻ và gia đình có con nhỏ.

Cầu nối giữa nông nghiệp và du lịch

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, ngày nay việc phát triển du lịch nông nghiệp xanh gắn liền với sản phẩm OCOP không chỉ giúp TP Hồ Chí Minh đa dạng hóa sản phẩm, mà còn tạo nên hệ sinh thái du lịch bền vững, nơi mà du khách, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hưởng lợi. Ngoài ra, việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP với du lịch được xem là chìa khóa quan trọng để TP Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng từ các vùng nông thôn.

Thực tế, với sự đầu tư bài bản và chính sách khuyến khích từ chính quyền thành phố, nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng như mật dừa nước Cần Giờ, bột rau má Củ Chi, cà phê hương đậu xanh - khoai môn - matcha Hóc Môn… đã trở thành những món quà lưu niệm độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương dành cho du khách đến TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách không chỉ đẹp về mẫu mã, thân thiện với môi trường mà còn đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP được trưng bày và giới thiệu đến du khách tham quan, vui chơi tại TP Hồ Chí Minh.

“Trong năm 2025, Sở tiếp tục tổ chức các sự kiện quảng bá, hội chợ nhằm đưa sản phẩm OCOP TP Hồ Chí Minh trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá văn hóa - ẩm thực của du khách. Sở cũng cam kết đẩy mạnh tiêu dùng có trách nhiệm, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển sản xuất xanh và từng bước mở rộng thị trường trong và ngoài nước”, ông Hiền Hòa nói.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống sẽ góp phần định vị lại thương hiệu du lịch thành phố. Hiệp hội cũng đã và đang phối hợp với các đơn vị tổ chức khảo sát, xây dựng tour tuyến và chương trình quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các điểm đến nông nghiệp đặc trưng ở ngoại thành.

Chú thích ảnh
Du lịch xanh đang là xu hướng tất yếu để phát triển du lịch bền vững.

Là doanh nghiệp biến các sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Menas Group cho biết, tại các điểm đến đơn vị tạo ra không gian giao lưu, kết nối các sản phẩm OCOP tiêu biểu như nông sản, thủ công mỹ nghệ và đặc sản vùng miền. Những khu vực này được trưng bày bắt mắt, dễ thấy với nhiều mẫu mã sản phẩm OCOP phong phú cho du khách lựa chọn. Đây cũng là cách doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP đến với du khách nước ngoài và trong nước.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
Cần phối hợp đồng bộ để phát triển du lịch xanh tại Việt Nam
Cần phối hợp đồng bộ để phát triển du lịch xanh tại Việt Nam

Du lịch xanh và du lịch trị liệu đang trở thành hướng đi bền vững cho ngành du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ngành du lịch cần một chiến lược phát triển đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và cộng đồng địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN