Du lịch An Giang phục hồi và bứt phá mạnh mẽ

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2022, ngành Du lịch An Giang đã từng bước phục hồi và bứt phá mạnh mẽ.

Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt”, tỉnh An Giang đã tập trung xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Phi công hạ cánh tại sân đua bò Soài Check trong chương trình biểu diễn dù lượn với chủ đề "Bay trên Phụng Hoàng Sơn" (ảnh tư liệu).

Phục hồi ấn tượng

Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, năm 2022 tỉnh ước đón hơn 7,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 127% so với cùng kỳ và đạt 163% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 119% so cùng kỳ.

Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Thời gian cao điểm của dịch, nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn thu và việc làm của người lao động. Năm 2021, An Giang đón 3,5 triệu lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch, giảm 46% so cùng kỳ.

Để hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi và phát triển, tỉnh An Giang đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh thực hiện ngay công tác quảng bá, kích cầu du lịch. Ông Nguyễn Khánh Hiệp cho rằng, các sản phẩm du lịch của An Giang đang ngày càng được hoàn thiện, đa dạng, đi vào chiều sâu với nhiều loại hình như du lịch sinh thái kết hợp du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích văn hóa lịch sử kết hợp du lịch mùa nước nổi, du lịch tâm linh... Tuy nhiên, để thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như “giữ chân” du khách, tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2021-2025; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch để góp phần đa dạng hóa các dịch vụ du lịch.

Tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu mới; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo an ninh trật tự an toàn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; tiếp tục đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch, các lễ hội địa phương, các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo sự đa dạng, đặc trưng về văn hóa để thu hút du khách. Bên cạnh đó, An Giang nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển các sản phẩm du lịch mới có thế mạnh về giá trị văn hóa địa phương, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam và cả nước...

Làm mới sản phẩm du lịch

Chú thích ảnh
Hơn 600 người thuộc các tầng lớp, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Tri Tôn xếp thành hình bản đồ Việt Nam và 11 khinh khí cầu loại nhỏ với đường kính gần 3m kéo lá đại kỳ rộng 200m2 đưa lên độ cao 50m trên bầu trời vùng Bảy núi An Giang trong Lễ hội Khinh khí cầu Tri Tôn năm 2022 (ảnh tư liệu).

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cùng với phát huy lợi thế sông nước miệt vườn sẵn có, bên cạnh những sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch mùa nước nổi, du lịch tâm linh là thế mạnh và chủ lực, ngành du lịch An Giang chủ động, tích cực nâng cấp, bổ sung, xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, nhằm gia tăng trải nghiệm mới đối với du khách, tạo điểm nhấn hoặc sản phẩm du lịch mới...

Ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, với đặc thù đồi núi kết hợp đồng bằng, cảnh đẹp tự nhiên kết hợp di tích lịch sử cách mạng, ẩm thực đặc sắc, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Phát huy thế mạnh, tạo điểm nhấn để thu hút du khách, nhất là vào các dịp lễ, Tết, huyện Tri Tôn đã tìm cho mình “lối đi riêng” với nhiều loại hình du lịch mới, lạ, hấp dẫn lần đầu tiên xuất hiện ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu…

Đặc biệt, dịp lễ 30/4 năm 2022, huyện đã tổ chức thành công chương trình biểu diễn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn năm 2022” tại Khu liên hiệp Thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek với sự tham gia của gần 100 phi công thuộc Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh gồm các môn: dù lượn, diều lượn có động cơ và máy bay mô hình. Đây là môn thể thao mới lạ, độc đáo nên thu hút được hơn 130.000 lượt khách trong và ngoài nước đến xem, cổ vũ trong 4 ngày từ ngày 30/4 đến 3/5.

Lễ hội khinh khí cầu huyện Tri Tôn năm 2022 được tổ chức trong 4 ngày dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thu hút hơn 100.000 lượt khách. Huyện còn lồng ghép giữa biểu diễn dù lượn với hoạt động tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi, kết hợp ẩm thực địa phương. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Quang Liêm, sau khi tổ chức thành công nhiều sự kiện như: Dù lượn với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, Lễ hội khinh khí cầu huyện Tri Tôn với chủ đề “Bay giữa mùa lễ hội”,… những hình ảnh đẹp về Tri Tôn xuất hiện trên các trang báo, các Fanpage, các diễn đàn du lịch... trong và ngoài nước.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã nhạy bén nắm bắt xu hướng du lịch hiện nay, nhất là của giới trẻ, để phát triển các sản phẩm du lịch mới kết hợp giữa du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Khu Du lịch sinh thái Mỹ Luông (huyện Chợ Mới) tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, chỉnh trang cảnh quan khuôn viên, trồng hoa, bố trí thêm nhiều tiểu cảnh “độc”, lạ. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch lữ hành đón thêm nhiều du khách đến vui chơi, trải nghiệm.

Anh Phan Văn Khánh, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Mỹ Luông chia sẻ, doanh nghiệp vừa thi công hoàn thành giai đoạn một Khu Du lịch sinh thái Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), dự kiến đưa vào hoạt động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với nhiều nhiều khu tiểu cảnh đẹp, độc đáo, đậm nét miền Tây sông nước như tổ hợp bãi tắm kết hợp khu vui chơi giải trí dưới nước, khu nhà hàng, quầy lưu niệm, du thuyền, các chòi để du khách dừng chân chụp ảnh…

Mô hình du lịch trekking tại Khu Du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) đã tạo ra những hiệu ứng không nhỏ, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là giới trẻ. Đối tượng tham gia trekking núi Cấm rất đa dạng như cán bộ, trí thức, công nhân, vận động viên, thanh niên, khách du lịch… Từ chuyến trekking đầu tiên mang tính chất “thử nghiệm”với 60 thành viên được tổ chức thành công vào cuối tháng 4/2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang triển khai thí điểm đã tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Đến nay, Khu du lịch Núi Cấm liên tục tổ chức 8 chuyến trekking, mỗi chuyến có từ 30 đến 60 khách. Đặc biệt, cuối tháng 10/2022, Vietravel đã khai thác trekking núi Cấm theo hình thức dịch vụ du lịch, với sự tham gia của 180 du khách.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, trekking núi Cấm không chỉ mở ra hướng đi mới cho du lịch An Giang mà còn đóng góp "gam màu mới" vào bức tranh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh hình ảnh sông nước, cù lao, miệt vườn… như mọi người từng biết.

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh
Phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh

Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, du lịch; hỗ trợ, vận động người dân làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh là những mục tiêu quan trọng huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) - nơi có làng Đại Bình, thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng nổi tiếng, quyết tâm thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN