Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh, Bắc Ninh là địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn; du lịch đường sông...
Giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch về số lượng, quy mô và chất lượng dịch vụ. Hiện nay, Bắc Ninh có 541 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 503 cơ sở lưu trú (4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 cơ sở 2 sao), 38 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách, cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Tổng giá trị vốn đầu tư xã hội cho du lịch lũy kế đến năm 2022 đạt gần 8.300 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2016. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống khách sạn, nhà hàng đa dạng, chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thao, giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và khách du lịch.
Địa phương hình thành 14 điểm du lịch cấp tỉnh. Các chương trình du lịch hướng đến khai thác giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh...
Giai đoạn 2016 - 2022, du lịch Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng trung bình 14,02%/năm, đón từ 1,1-1,6 triệu lượt khách/năm. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng (trong 2 năm 2020 và 2021 những chỉ tiêu này có sụt giảm do ảnh của dịch COVID-19). Năm 2022, du lịch phục hồi tích cực sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động từ tháng 3/2022. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 830 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021; tổng lượt khách đạt 1,2 triệu lượt, tăng 50% cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, du lịch Bắc Ninh chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên. Sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của tỉnh, nhất là tiềm năng du lịch văn hóa. Công tác bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ thực hiện tốt ở nội dung bao tồn, gìn giữ giá trị ở phần lõi. Việc gắn kết với đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu ở các điểm du lịch. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch từ sản phẩm văn hóa làng nghề, sản phẩm nông sản, ẩm thực và từ giá trị của các di sản văn hóa…
Tại Hội nghị, các đại biểu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cùng trao đổi, thảo luận về định hướng, xu hướng, tiềm năng, giải pháp… để phát triển du lịch.
Cụ thể, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Hải Anh cho rằng, công tác tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, tài nguyên du lịch văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị trong phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cần định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, hệ thống di sản văn hóa. Cùng với đó là tăng cường trưng bày chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đất nước; lan tỏa giá trị tinh hoa, độc đáo, đặc sắc của Bắc Ninh…
Đại diện doanh nghiệp làm du lịch, ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch quốc tế châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Bắc Ninh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó, du lịch sông Đuống đang là sản phẩm đột phá, đem lại diện mạo phát triển du lịch xanh, bền vững.
Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của du lịch nói chung và du lịch sông Đuống nói riêng, với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam có dòng sông hấp dẫn nhất trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Hồng Đài đề xuất cần khai thác, phát triển các loại hình du thuyền, du lịch xanh, trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng trên hành lang xanh của sông Đuống. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng khu, tuyến điểm du lịch và loại hình dịch vụ kinh doanh…