Doanh nghiệp lữ hành 'hiến kế' để đạt mục tiêu đón 13 triệu khách quốc tế

Ngày 17/10 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp lữ hành năm 2017" với mục tiêu tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh lữ hành thời gian tới, giúp ngành du lịch Việt Nam hoàn thành mục tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017, cùng các chỉ số tăng trưởng mà Chính phủ đã giao.

Khách du lịch quốc tế selfie trên cầu Thê Húc (Hồ Gươm, Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Áp lực mỗi tháng phải thu hút được 1,2 triệu khách quốc tế

Trong thời gian qua, du lịch là một trong những ngành góp phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế quý III tăng cao. Trong 9 tháng của năm 2017 đã có 9,45 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2017 đạt 57,9 triệu lượt khách, trong đó có 27,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5 % so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 8 doanh nghiệp cả nước, 560 doanh nghiệp cổ phần, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.192 công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân... Hoạt động kinh doanh lữ hành đã đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành du lịch trong 9 tháng qua, tuy nhiên ngành du lịch vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Chính phủ đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong quý III/2017, mặc dù ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tình hình bão lũ vừa qua sẽ ảnh hưởng lớn đến sức tăng trưởng của ngành. Do đó, các bộ, ngành phải nỗ lực hơn nữa. Du lịch tăng 13% thì góp được 1% vào 6,7% GDP của cả nước.

Do vậy, để đạt mức tăng trưởng 6,7%, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng ngành du lịch phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng khách quốc tế ít nhất là 30%, thu hút được 13 triệu khách quốc tế trong năm 2017. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2017, các đơn vị du dịch phải thu hút được 3,7 triệu khách, tức mỗi tháng phải có được 1,2 - 1,3 triệu lượt khách quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Hiện tại, Việt Nam có nhiều thuận lợi cho du lịch phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước mắt chính là hệ lụy của bão lũ vừa qua, bên cạnh đó là những hệ lụy từ việc tăng trưởng "nóng" của ngành như quá tải, xung đột lợi ích, thao túng thị trường của một số công ty hay hướng dẫn viên giả danh, hướng dẫn viên chui....

Cần giải pháp đồng bộ

Khách quốc tế tham quan Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Tại hội nghị "Doanh nghiệp lữ hành 2017", nhiều đại biểu cho rằng, cần có biện pháp cụ thể để duy trì tốc độ phát triển của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã giao. Đồng thời, các đơn vị quản lý cần tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Phó Giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết: Đà Nẵng đang là địa phương thu hút tốt lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, khách quốc tế đến Đà Nẵng đã tăng cấp đôi so với cùng kỳ năm 2016 nên địa phương có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 38% khách du lịch, riêng với khách quốc tế tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Cụ thể, khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng hơn 680.000 nghìn lượt khách do Đà Nẵng đã mở được 3 đường bay thẳng từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Đồng thời 7 hãng hàng không hiện đang khai thác và cung cấp khoảng 80 chuyến bay từ Đà Nẵng đến Hàn Quốc với mức giá, thuế, phí ưu đãi. Ông Trần Chí Cường cũng cho biết thêm, khách tàu biển đến với Đà Nẵng cũng đạt khoảng 90.000 lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2016.

Về thị trường Nhật Bản, trong 9 tháng qua, đã có 28.000 lượt khách đến với Đà Nẵng, đặc biệt khi đường bay thẳng Nhật Bản - Đà Nẵng được đưa vào khai thác. Chia sẻ về kinh nghiệm đạt được mức tăng trưởng cao, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút và phục vụ được lượng khách lớn.

Đà Nẵng sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch mới như phố đi bộ, các hoạt động lễ hội... nhằm kích cầu du lịch. Việc đẩy mạnh các dịch vụ liên kết du lịch giữa Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tập trung thực hiện.

Tuy nhiên, khi lượng khách tăng đột biến, ngành du lịch tại Đà Nẵng vẫn tồn tại những vấn đề đề nóng liên quan đến hoạt động của các công ty lữ hành và chất lượng phục vụ khách của đội ngũ cán bộ, hướng dẫn du lịch. Để giảm thiểu tình trạng này, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, Đà Nẵng cũng đề xuất lắp đặt camera để tăng cường sự quản lý của nhà nước và tăng khả năng giám sát chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch.

Khách du lịch hào hứng khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Đại diện Công ty Du lịch Bến Thành cho rằng, điểm quan trọng để tăng lượng khách là cần mở thêm các đường bay thẳng đến Việt Nam. Đường bay thẳng thuận tiện về thời gian và giá cả cạnh tranh sẽ thu hút nguồn khách tốt hơn. Bên cạnh đó, thủ tục xét, cấp thị thực cũng là yếu tố để kích cầu du lịch. Hiện nay, vấn đề còn yếu của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế nằm ở nguồn nhân lực, hướng dẫn viên thiếu về số lượng, không đồng đều tại các khu vực, địa phương và trình độ ngoại ngữ...

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị đã có đầu tư lớn để thay đổi cơ sở hạ tầng tại các điểm đến của Việt Nam. Theo đó, hàng loạt các sân bay, đường bay mới được xây dựng và sớm hoàn đến thành đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy việc giảm giá hàng không, giá dịch vụ, thuế phí... sẽ là góp phần giúp các địa phương thu hút du khách.

Trong thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ ngành du lịch. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cố gắng chung tay với ngành du lịch hơn nữa khi các doanh nghiệp du lịch có yêu cầu.

Ngoài việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng du lịch, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tháo gỡ cơ chế, chính sách... các đại biểu tại hội nghị cũng thống nhất trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề. Trong đó có việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch.

Các cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kinh doanh lữ hành và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm, nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp du lịch...

Ngọc Bích (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế đón hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế
Thừa Thiên - Huế đón hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế

9 tháng năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế đón 2,78 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế là hơn 1,075 triệu lượt, tăng 31,29% so với cùng kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN