Đi tìm dấu ấn riêng cho du lịch Vĩnh Long

Nằm ở vị trí khá đặc biệt giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long sở hữu lợi thế địa lý và tài nguyên nhân văn rất phong phú.

Với khí hậu ôn hòa, cùng hệ thống vườn cây trái và các làng nghề truyền thống được hình thành lâu đời, Vĩnh Long đã tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái sông nước trải nghiệm trong thời gian dài. Để khai thác hiệu quả hơn nữa những tiềm năng sẵn có, tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo dấu ấn riêng biệt, làm tiền đề cho du lịch cất cánh.

Chú thích ảnh
Du khách tham gia hoạt động đạp xe trên đường quê ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. 

Định vị thương hiệu du lịch homestay

 Vĩnh Long là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long tiên phong phát triển loại hình du lịch homestay - du lịch gắn với trải nghiệm về những nét sinh hoạt độc đáo của người dân địa phương. Các homestay trên Cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ từ lâu đã được nhiều du khách chọn làm điểm đến và lưu trú quen thuộc. Du lịch nơi đây phát triển dựa trên lợi thế tự nhiên của hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa, cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả. Đặc biệt, du lịch ở cù lao An Bình đã khẳng định chất lượng dịch vụ khi vinh dự có 2 homestay và 1 cụm homestay đoạt các giải thưởng homestay ASEAN - giải thưởng vinh danh những homestay đạt chất lượng dịch vụ tốt và có tính kết nối cao với cộng đồng do Diễn đàn Du lịch ASEAN trao giải qua các năm.

Là homestay đạt chuẩn ASEAN đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cơ sở Út Trinh Homestay (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) đã được đầu tư phát triển chỉnh chu, bài bản với những chương trình trải nghiệm hấp dẫn. Bên cạnh việc giữ nếp nhà truyền thống, cổ xưa của người miền Tây để du khách đến đây cùng sinh hoạt, ăn, ở với gia đình, cơ sở đã tổ chức đa dạng nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm như: Đạp xe quanh đường làng, tát mương bắt cá, trồng rau, vào bếp nấu ăn, tham quan vườn trái cây và làm việc nông, nghe và giao lưu đờn ca tài tử...

Bà Phạm Thị Ngọc Trinh - Chủ cơ sở Út Trinh Homestay chia sẻ, để tạo sự khác biệt so với những homestay khác thì cơ sở đã có sự đầu tư và đôi nét cải biên các chương trình, sản phẩm du lịch. Như với chương trình đờn ca tài tử thì cơ sở đưa khách về với không gian văn hóa Nam Bộ thông qua hoạt động đốt đèn dầu đi trong đường làng. Du khách có thể nhìn đom đóm trong các vườn cây và đến với không gian nhà xưa để cùng nghe những lời ca, tiếng đờn dưới ánh đèn dầu lung linh, mờ ảo. Với các món ăn thì cơ sở giới thiệu những đặc sản của địa phương như canh chua thì sử dụng trái bần hay trái thanh trà, bánh xèo thì thêm nước cốt dừa, bông điên điển cho hương vị thêm đậm đà…

Đến với chương trình đốt đèn dầu đi nghe đờn ca tài tử tại Út Trinh Homestay, du khách được hòa mình trong lời ca, tiếng đờn của những nghệ nhân miệt vườn. Giữa không gian cổ kính của căn nhà xưa, dưới ánh đèn dầu leo lét cùng những âm thanh rất gần gũi của buổi đêm ở làng quê Nam bộ, những câu hát của bản tài tử “Chào mừng khách đến Vĩnh Long” được ngân nga như một lời nhắn gửi, homestay Vĩnh Long luôn sẵn lòng đón khách về thăm với sự chân tình và mến khách: “Gió đưa ngàn cây duyên dáng/ Nhấp nhô sóng nhẹ từng cơn/ Đẩy đưa thuyền ai xuôi mái/ Rước bao du khách về đây/ Thăm vườn cây trái sum xuê/ Dáng ai bước nhẹ cười tươi/ Dịu dàng chiếc áo bà ba/ Thước tha trong gió nhẹ nhàng/ Sắc son muôn đời chung thủy/ Tháng năm vẫn đậm tình quê/ Nơi đây sông nước hữu tình/ Sẵn lòng đón khách muôn phương…”

Lần đầu đến Vĩnh Long du lịch, gia đình du khách Nguyễn Anh Quốc (thành phố Đà Nẵng) đã có một chuyến hành trình ấn tượng với những trải nghiệm đặc sắc. Anh Quốc chia sẻ: “Chúng tôi như được chứng kiến một buổi đờn ca tài tử thật sự của những người nông dân Nam Bộ trước đây chứ không phải dựng lại. Từ khung cảnh cho đến ánh đèn, nhất là các nghệ nhân hát với chất giọng tự nhiên, mộc mạc đã tạo những cảm xúc khó diễn tả. Chuyến đi đã cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị với nhiều hoạt động tập thể của gia đình như: Tát ao bắt cá, bịt mắt bắt gà, tắm sông, đạp xe trên đường quê, cùng chế biến và thưởng thức những món bánh của miền Tây, giao lưu đờn ca tài tử… Các con tôi từ ngỡ ngàng về những điều mới lạ của phong cảnh, cách sinh hoạt và văn hóa vùng miền, dần dần trở nên hiếu kỳ và mong muốn được trải nghiệm để tìm hiểu nhiều hơn về nơi đây”.

Tăng trải nghiệm, giữ chân du khách

Chú thích ảnh
Du khách tìm hiểu cách chế biến món bánh xèo ở Homestay Phương Thảo, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 2022, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long từng bước phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Các cơ sở du lịch trên địa bàn đã thu hút hơn 1 triệu lượt khách (tăng 150% so với cùng kỳ 2021); doanh thu từ du lịch ước đạt 480 tỷ đồng( tăng 155% so với cùng kỳ năm 2021). Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long là phấn đấu đến năm 2030, cùng với cả nước, du lịch địa phương cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch Vĩnh Long đang tập trung thực hiện Đề án về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với 4 sản phẩm du lịch là: Du lịch homestay, Du lịch nông nghiệp, Du lịch làng nghề, Du lịch văn hóa. Theo đó, tỉnh chú trọng xây dựng đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long...nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng mà chỉ khi đến với Vĩnh Long du khách mới có thể thưởng thức và cảm nhận được.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, tỉnh tập trung đánh giá lại nguồn tài nguyên du lịch của địa phương, tìm những nét mới lạ để tách ra khỏi sự tương đồng với các tỉnh, thành phố lân cận. Với những tiềm năng du lịch hiện có, Vĩnh Long sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả những sản phẩm mới, đặc trưng trong loại hình du lịch homestay, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ... để giữ vững thương hiệu. Song song đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng sản phẩm du lịch trọng điểm là đề án Di sản đương đại Mang Thít. Làng nghề sản xuất gạch gốm Mang Thít có lịch sử hơn trăm năm với phương thức sản xuất độc đáo như hình thức, mỹ thuật lò nung, nghệ thuật đốt lò, cách bố trí các cụm lò,… sẽ là tài nguyên quý báu để tỉnh khai thác vào phục vụ phát triển du lịch trong tương lai. Về lâu dài, tỉnh kỳ vọng đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu tái hiện làng quê, cuộc sống, sinh hoạt và phương thức sản xuất, nông ngư cụ của cư dân Nam Bộ... sẽ góp phần làm cho sản phẩm du lịch địa phương thêm phong phú và độc đáo.

Bên cạnh tìm kiếm tạo dấu ấn riêng bởi những sản phẩm đặc thù, tỉnh Vĩnh Long cũng quan tâm bổ sung những trải nghiệm trong chuyến hành trình để giữ chân du khách lâu hơn. Để thực hiện điều này, tỉnh Vĩnh Long tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, bổ sung các sản phẩm giúp tăng nguồn thu từ du lịch như mua sắm, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật như sản phẩm “Về Vĩnh Long xem Hát Bội”, nghệ thuật đờn ca tài tử...    

Vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Ngày hội du lịch Vĩnh Long năm 2022, đoàn Famtrip gồm đại diện các đơn vị lữ hành, ngành du lịch các tỉnh, thành phố đã đến tham quan, trải nghiệm và đề xuất nhiều ý kiến giúp Vĩnh Long hoàn thiện các sản phẩm, tour, tuyến du lịch đặc trưng của địa phương. 

Theo các đại biểu, tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng kết nối du lịch sinh thái miệt vườn với hoạt động trải nghiệm làng nghề để tạo thành những sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, ngành du lịch địa phương cần lưu ý lựa chọn và có sự sắp xếp đa dạng về điểm đến, giúp du khách trải nghiệm nhiều hơn và cảm nhận những điều mới mẽ trên mỗi chặng của hành trình.

Du lịch Vĩnh Long đã và đang có những hoạt động du lịch trải nghiệm về đêm hấp dẫn với việc tận dụng lợi thế du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp các sản phẩm du lịch là nghệ thuật dân gian như hát bội, đờn ca tài tử. Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ phát triển mạnh ở cù lao An Bình, trong khi ở các địa phương khác, nhất là thành phố Vĩnh Long - nơi có vai trò trung tâm tiếp nhận và điều phối lượng khách du lịch - thì hoạt động này chưa đủ hấp dẫn để níu chân du khách. Do đó, tỉnh cần đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng những hoạt động trải nghiệm về đêm để Vĩnh Long không chỉ là điểm đến mà còn là nơi dừng chân, thu hút du khách lưu trú lâu hơn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương tạo ra các sự kiện du lịch - văn hóa đặc sắc để thu hút du khách. Ngành chú trọng các hoạt động trải nghiệm những giá trị văn hóa bản địa, xây dựng không gian du lịch ở trung tâm thành phố Vĩnh Long để giữ chân du khách. Cùng với đó, ngành Du lịch nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến phục vụ chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh du lịch Vĩnh Long an toàn, thân thiện, hấp dẫn và bền vững.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Tín hiệu vui của ngành du lịch Cà Mau
Tín hiệu vui của ngành du lịch Cà Mau

Ngày 1/3, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, trong tháng 2 năm 2023, tỉnh đón được hơn 294.400 lượt khách du lịch, tổng mức doanh thu đạt 282 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay đạt hơn 374.200 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 421,5 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN