Tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam tại Israel - Bài 2: Học hỏi và khám phá

Theo chương trình TNS, các học viên được đưa đến các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp để học hỏi và lao động nhằm nâng cao kiến thức. Trong 11 tháng, các học viên được rèn luyện và được làm trực tiếp tại các trang trại sản xuất nông nghiệp, được trả lương và tham gia các lớp học lý thuyết.

Chú thích ảnh
Các học viên Việt Nam tại một giờ học trên lớp ở Trung tâm đào tạo nông nghiệp quốc tế Arava, phía Nam Israel. 

Bạn Nguyễn Hồng Ân, người làm công tác phiên dịch và hỗ trợ các sinh viên khóa mới 2018-2019 tham gia chương trình TNS này, có nhiệm vụ quản lý từ công việc ăn, ở và học tập trên lớp của các học viên. Với kinh nghiệp của người đi trước, Ân cho hay đây thực sự là một cơ hội và thử thách cho chính sinh viên Việt Nam để được trải nghiệm tại một môi trường làm việc với các sinh viên quốc tế tại Israel.

Theo Ân, các học viên phải xác định đây sẽ là một công việc cực kỳ vất vả, nhưng sau khi đã làm quen và vượt qua hết những khó khăn và thử thách, mỗi người sẽ cảm thấy mình trưởng thành và lớn lên rất nhiều. Đây có thể xem là một hành trang cho các sinh viên  nhằm khám phá những chương trình mới và chính bản thân mình nữa.

Bạn Nguyễn Thanh Dương, học viên khóa 2018-2019 hiện làm việc tại Moshav Ein Yahav, chia sẻ điều khó khăn nhất là khi tiếp xúc với các chủ nông trại ở Israel, vì họ luôn đòi hỏi một cường độ lao động cao. Một lý do nữa là thời tiết ở đây cũng rất khắc nghiệt với nhiệt độ chênh lệch rõ ràng - ban ngày thì nóng ban đêm thì lạnh, nên nhiều khi chính bản thân Dương và các bạn cảm thấy phải chịu nhiều áp lực. Một vấn đề nữa, do các học viên phải tranh thủ đi làm tại các trang trại sản xuất nông nghiệp, nên nhiều khi cảm thấy mệt mỏi và khó tiếp thu được kiến thức mới trong các giờ học trên lớp. Tuy nhiên, Dương cũng  bày tỏ quyết tâm và mong muốn sẽ được học tập nền nông nghiệp công nghệ cao của Israel, đồng thời cho biết trải qua 8 tháng thực tập và làm việc tại đây, bạn cũng đã học được rất nhiều về kiến thức nông nghiệp và phương thức kinh doanh của người Do Thái.

Theo Dương, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, song người nông dân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do phương thức sản xuất vẫn lạc hậu, manh mún và thô sơ. Vì vậy Dương mong muốn sẽ áp dụng được phương thức và tư duy sản xuất hiện đại của người Do Thái tại Việt Nam. Hơn nữa, là một kỹ sư công nghệ, Dương hy vọng sẽ kết hợp được công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, sau khi trở về nước có thể thực hiện được dự án tại ngay chính quê hương mình.

Lê Diễm My, tốt nghiệp Khoa Sinh học, Đại học Công nghệ thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh hiện  học tập tại trung tâm AICAT và làm việc tại nông trại Oren Amir, cho biết mục đích của mình là nâng cao kỹ năng trong ngành nông nghiệp công nghệ cao. My cho hay bạn muốn học hỏi cách người Do Thái đưa Israel trở thành một nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Quá trình học ở đây cũng giúp bạn trưởng thành và tự tin hơn, có thể đương đầu với những khó khăn và thách thức mới sau này.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên trong lần đến thăm Trung tâm đào tạo nông nghiệp Quốc tế (AICAT) tai phía Nam Israel. 

Trần Anh Tú, sinh viên năm cuối Đại học Nông Lâm Thái Nguyên lại tiết lộ việc học và làm việc ở Israel đã giúp bạn có thể trải nghiệm được rất nhiều thứ, ví dụ có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến và tích lũy được những kiến thức về nông nghiệp cũng như học được cách sắp xếp tổ chức công việc của người Do Thái. Với Tú, việc ấp ủ một kế hoạch cho tương lai sau này có lẽ không còn xa vời, nhất là sau khi đã học được những kiến thức và trải nghiệm thực tế tại Israel. 

Đặc biệt hơn cả là Trần Xuân An - một tu nghiệp sinh đang tham gia chương trình Excellent của trung tâm AICAT sau khi đã trải qua 11 tháng học tập và làm việc tại Arava. An cho biết chương trình Excellent là một chương trình nâng cao kỹ năng lãnh đạo, được mở ra để nâng cao thêm kỹ năng cho các bạn thực tập sinh năm thứ nhất.

An thổ lộ đã nung nấu ý định tham gia chương trình, mới đầu mục tiêu rất đơn giản là đi để trải nghiệm, đi để trưởng thành hơn. Thế nhưng, cuộc sống ở Arava này đã cho An nhiều hơn thế. Tại đây, An đã quan sát và cảm nhận được tinh thần Do Thái qua cách họ dạy con cái, cho trẻ tự chịu trách nhiệm và tự do vui chơi, kích thích tính tò mò và khuyến khích đặt câu hỏi - đây cũng là dặn dò đầu tiên khi các TNS mới đến trường học tại Israel.

An nhận thấy thực tế nông nghiệp tại đất nước này và có một khái niệm khác hơn về người nông dân Israel, vì họ không chỉ là những người nông dân thuần túy, mà còn là những nhà kinh doanh tài ba từ chính những sản phẩm của họ, từ khâu trồng - đóng gói - bán hàng một cách chỉn chu và có cả thương hiệu riêng. An cho biết mình luôn chịu khó lắng nghe những chia sẻ của chủ nông trại về cách họ theo dõi thị trường và cả những nỗi trăn trở, vì hiểu rằng nông dân ở đây cũng như như ở Việt Nam đều phải chịu ảnh hưởng của thị trường, dịch bệnh cũng như giống cây, song họ luôn tìm cách giải quyết một cách hết sức khoa học và nụ cười thì luôn thường trực trên môi.

An trải lòng: “Tôi như ngửi thấy mùi của mồ hôi, nước mắt khi làm thực tập sinh những ngày đầu ra nông trại, lạ với cái nắng sa mạc, lạ với công việc lần đầu làm và cả những con người mới... Chúng tôi được làm từ những việc nhỏ nhất là trồng những cây con, chăm sóc cây đến ngày thu hoạch, đóng gói và nhìn thấy sản phẩm được xuất đi nước ngoài. Điều đó làm  tôi rất tự hào và luôn mong muốn có thể cùng thế hệ thực tập sinh mới mang tư duy toàn cầu có thể mang nông sản Việt đúng chuẩn để xuất sang các nước bạn.” 

Theo An, nhờ việc kết hợp với những môn học trên lớp như kế hoạch kinh doanh, các TNS sẽ được hóa thân thành những nhà khởi nghiệp với ý tưởng táo bạo và đứng trước những nhà đầu tư giả định kêu gọi vốn, hay môn makerting với những hướng dẫn cụ thể tạo thương hiệu cho những sản phẩm hay website… Sang năm thứ hai, chương trình cho các TNS thêm rất nhiều ý tưởng mới khi được gặp gỡ và trao đổi cùng những người khởi nghiệp thành công tại Israel. Đó có khi là gặp một người nông dân với quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ hay gặp đại diện công ty nông nghiệp lớn tại Israel. Cũng có khi, các TNS đi sâu vào sa mạc hay leo lên đỉnh núi để đi tìm hiểu thiên nhiên, đi tìm nguồn nước để biết trân quý hơn những gì "Mẹ thiên nhiên" đã ban tặng cho vùng đất sa mạc này. 

An nói: “Tôi cảm thấy mình may mắn khi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và nhận ra tiềm năng rất lớn của mảnh đất quê hương. Điều đó làm tôi và những thế hệ thực tập sinh nông nghiệp tại Israel luôn cố gắng tích lũy và phấn đấu”.

Bài và ảnh: Việt Thắng (Phóng viên TTXVN tại Israel)
Du học sinh của các nước ASEAN quảng bá văn hóa châu Á tại Séc 
Du học sinh của các nước ASEAN quảng bá văn hóa châu Á tại Séc 

Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, ngày 29/3, tại Trường Phổ thông Quốc tế Praha (ECP) đã diễn ra “Lễ hội hương vị châu Á 2019” với sự bảo trợ của Đại sứ quán các nước ASEAN tại Cộng hòa Séc nhằm giới thiệu văn hóa dân tộc kết hợp với các món ẩm thực truyền thống của các nước châu Á tới người dân sở tại đồng thời gây quỹ từ thiện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN