Về Liêu Xá xem làm đồ chơi Trung thu truyền thống

Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được mệnh danh "thủ phủ" của đồ chơi Trung thu truyền thống. Mỗi năm, cứ đến dịp Tết Trung thu, người dân nơi đây lại tất bật sản xuất những món đồ chơi truyền thống vốn đã gắn liền với tuổi thơ của trẻ em Việt Nam.

Chú thích ảnh
Gia đình ông Vũ Huy Đông là một trong ít hộ tại thôn Ông Hảo giữ được nghề làm mặt nạ giấy bồi. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Gia đình ông Vũ Huy Đông là một trong số ít hộ làm đồ chơi Trung thu truyền thống còn gắn bó với nghề ở thôn Ông Hảo. Ông Đông chia sẻ, nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống trong thôn hình thành cách đây 60 năm. Thời điểm đó, hầu hết các hộ trong thôn đều gắn bó với nghề làm trống, làm da, đặc biệt là làm những món đồ Trung thu truyền thống như: mặt nạ các con vật, đầu sư tử... Tuy nhiên, do thị hiếu của thị trường sử dụng các loại đồ chơi nhập ngoại nên cả thôn chỉ còn 10 hộ gắn bó với nghề.

Theo ông Đông, dù trên thị trường các loại đồ chơi mới hiện đại ngày càng phát triển và trở nên đa dạng nhưng gia đình ông vẫn quyết bám trụ với nghề để gìn giữ những giá trị truyền thống. Những chiếc mặt nạ đầy màu sắc được làm hoàn toàn bằng thủ công "làm bằng giấy, bồi bằng tay". Chỉ từ những nguyên liệu đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng với hồ dán nấu từ bột sắn, người thợ đã biến chúng thành chiếc mặt nạ có hồn.

Chia sẻ về cách làm ra một chiếc mặt nạ bồi giấy, ông Đông cho biết, để hoàn thiện chiếc mặt nạ, người thợ phải làm ba công đoạn gồm bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói. Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, vở cũ lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy.

Trong đó, công đoạn bồi thô là quan trọng nhất, với ba lớp giấy (lớp trong cùng là lớp lót; lớp giữa bồi bìa carton và bên ngoài sẽ được bồi giấy trắng). Tiếp đến, người làm sẽ mang mặt nạ đi phơi khô, sau đó các nghệ nhân trang trí lên những chiếc mặt nạ. Mặc dù được làm hoàn toàn thủ công nhưng những chiếc mặt nạ vẽ ra tương đối đều nhau, màu sắc tươi sáng, sinh động, nét vẽ mộc mạc và rất có hồn, mang đậm nét truyền thống.

"Đồ chơi Trung thu truyền thống mẫu mã đẹp, cộng với ưu điểm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nên những năm trở lại đây những món đồ chơi ở làng Ông Hảo lại lên ngôi và luôn trong tình trạng cháy hàng. Trung bình mỗi món đồ chơi có giá từ 20.000 đồng đến 150.000 đồng, tùy từng kích cỡ. Năm nay, mặc dù chưa đến Tết Trung thu nhưng gia đình tôi đã bán được 10.000 sản phẩm. Những ngày này, gia đình phải huy động thêm người làm thêm để kịp giao cho khách hàng", ông Đông phấn khởi nói.

Duy trì nghề truyền thống để không bị mai một là điều không chỉ ông Đông luôn trăn trở. Điều hạnh phúc nhất sau hơn 40 năm ông Đông "giữa lửa nghề" đó là người con trai thứ hai của ông tiếp tục kế tục sự nghiệp của gia đình.

Chú thích ảnh
Những người thợ ở thôn ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên giữ gìn nghề sản xuất mặt nạ giấy bồi. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Ngoài sản xuất các loại mặt nạ bồi giấy, thôn Ông Hảo được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Năm nay 65 tuổi nhưng ông Vũ Huy Linh đã có trên 40 năm kinh nghiệm trong nghề làm trống. Ông Linh chia sẻ, với người dân trong thôn, nghề làm trống là thời vụ nhưng lại là nghề chính của gia đình ông, bởi để hoàn thiện hàng trăm chiếc trống phục vụ thị trường dịp Tết Trung thu, người thợ phải mất gần một năm chuẩn bị. Công việc thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch năm trước, người thợ chọn mua gỗ về cắt khoanh, đẽo, tiện thành tang trống và đến khoảng tháng 7 âm lịch năm sau đem bọc da, sơn màu hoàn thiện sản phẩm.

Có thâm niên hàng chục năm nên ông Vũ Văn Hời là người hiểu rõ nhất quy trình chọn lựa da để làm trống. Theo ông Hời, để làm ra một cái trống kêu ngoài tiện tang chuẩn, việc chọn da trâu, bò cũng rất quan trọng. Da khi nhập về cắt từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày phải trở mặt da một lần để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Thời gian ngâm da cũng phải căn chỉnh cẩn thận, nếu vớt sớm, da non quá màu sẽ không đều, ngược lại, ngâm da chín quá sẽ thối, hỏng.

Trống Trung thu chủ yếu là trống nhỏ nên việc bọc trống hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ sẽ dùng súng bắn ghim để bọc mặt trống thay cho đinh vầu, đinh tre... giúp nhẵn nhụi hơn, tránh xước chân tay người dùng, ông Hời cho biết.

Chú thích ảnh
Những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống được sản xuất tại thôn ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Chia sẻ về công tác bảo tồn nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, bà Vũ Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ cho biết, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục khuyến khích, động viên các hộ giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha; đồng thời truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian của làng quê. Để mỗi mùa Trung thu về những sản phẩm truyền thống của làng Ông Hảo sẽ được đi đến muôn nơi.

Một mùa Trung thu nữa lại về, người dân ở làng Ông Hảo vẫn đang cần mẫn làm ra những món đồ chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của người Việt. Chỉ còn ít ngày nữa, những món đồ chơi dân gian từ ngôi làng nhỏ sẽ mang đến cho thiếu nhi món đồ chơi dân gian truyền thống Việt Nam.

M.N (TTXVN)
Bánh Trung thu truyền thống trở lại, vẹn nguyên giá trị quà tặng Tết đoàn viên
Bánh Trung thu truyền thống trở lại, vẹn nguyên giá trị quà tặng Tết đoàn viên

Sau một thời gian dài chuộng các loại bánh Trung thu cách tân, bánh Trung thu nhập ngoại từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... với giá có khi lên tới cả chục triệu đồng/hộp; dịp Tết Trung thu những năm gần đây, thị trường có xu hướng trở lại với bánh Trung thu truyền thống, với nhân thập cẩm, nhân bánh tổng hợp, thơm mùi lá chanh, giòn vị mứt bí, bùi vị hạt bí, ngậy chút mỡ phần… cổ truyền của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN