Độc đáo thú chơi tranh Tết
Về Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) những ngày cận Tết, đối lập với cảnh ồn ào, tấp nập của hoạt động buôn bán vàng mã là hình ảnh phơi tranh rất đỗi bình dị của những nghệ nhân, người làm tranh dân gian Đông Hồ phục vụ thú chơi tranh tao nhã của người yêu tranh.
Vừa giới thiệu các mẫu tranh cho du khách, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, 85 tuổi, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh không giấu nổi niềm tự hào: Tranh dân gian Đông Hồ là một trong những dòng tranh quý đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm được in từ ván khắc gỗ. Để tạo nên một bức tranh hoàn thiện, nghệ nhân sáng tác sẽ vẽ mẫu và khắc các bản vẽ trên gỗ rồi dùng ván in ra những bức tranh.
Bên cạnh bản khắc, điều làm nên nét độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ là nguyên liệu làm tranh. Tranh được vẽ lên trên giấy dó (sản xuất từ vỏ cây dó) được quết lên bề mặt một lớp vỏ con điệp (một loại vỏ sò mỏng ở biển) tán nhỏ trộn với hồ. Loại giấy này được gọi là "Giấy điệp".
"Đến nay, những người làm tranh dân gian Đông Hồ vẫn giữ nguyên công thức phối màu, tạo sắc cho bức tranh. Sắc vàng được chế từ hoa hòe hoặc hoa dành dành, màu đỏ lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai, màu trắng lấy từ vỏ điệp, màu xanh từ lá chàm, màu đen từ than lá tre khô..." - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhấn mạnh.
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, những người chơi tranh dân gian Đông Hồ đam mê tranh không chỉ vì vẻ đẹp bề ngoài mà còn ý nghĩa sâu xa mà những nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ gửi gắm vào mỗi tác phẩm. Với những người dân trong vùng, tranh Đông Hồ thường được gọi là tranh Tết vì người chơi tranh thường chủ yếu chơi vào dịp Tết. Mỗi bức tranh lại có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho mơ ước người dân như: Bức tranh "Đàn lợn âm dương" thể hiện mong muốn năm mới ấm no, sung túc, phát tài, phát lộc, sinh sôi nảy nở nhiều con cháu. Bức tranh "Vinh hoa - phú quý" cầu may cho gia đình có cuộc sống giàu sang, con cái tròn đầy, có trai, có gái. Bức tranh "Vinh quy bái tổ" cầu mong sự đỗ đạt, hướng về nguồn cội...
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bùi ngùi nhớ lại những phiên chợ tranh ngày Tết: "Năm 11 tuổi, tôi đã biết đến cảnh nhộn nhịp của những phiên chợ bán tranh. Khi đó, Đông Hồ có hơn 200 hộ gia đình của 17 dòng họ cùng làm tranh. Mỗi dòng họ lại làm một số loại tranh khác nhau. Cả làng làm trong năm nhưng chỉ bán vào 6 phiên chợ Tết vào ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26/12 âm lịch. Thời đó, nhà ai có vài bức tranh thì Tết mới được cho là trọn vẹn".
Ngày nay, mặc dù chợ tranh ngày Tết không còn ở làng tranh Đông Hồ nhưng thú chơi tranh ngày Tết vẫn còn nguyên giá trị. Khách tham quan, du lịch, mua sắm tranh từ khắp nơi đổ về Đông Hồ ngày một đông, đặc biệt những ngày cuối năm.
Mải mê ngắm, chọn tranh, anh Phạm Văn Hùng, quê tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho biết: Từ nhỏ, anh đã được biết đến tranh dân gian Đông Hồ. Giờ đây, anh mới có dịp đến tìm hiểu nghề làm tranh và chọn cho mình bức tranh có hình con chuột về treo ngày Tết.
Nắm bắt được tâm lý khách hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi năm, gia đình cụ Chế in hàng triệu bản tranh bán, đặc biệt, gia đình cụ chọn những sản phẩm riêng chuyên bán ngày Tết như các quyển lịch in hình các con giáp (theo văn hóa người Việt con giáp gồm 12 con vật, mỗi con vật biểu trưng cho mỗi năm khác nhau) trên tranh dân gian Đông Hồ. Năm nay, gia đình cụ in 2.000 lịch tranh nhưng giờ cũng chỉ còn số lượng ít. Ngoài ra, gia đình cụ còn in các loại tranh khác với nhiều chủ đề.
Hình tượng con chuột trong năm Canh Tý
Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tranh Đông Hồ có hơn 200 đề tài khác nhau, trong đó, khắc họa hình tượng con chuột gồm hai bức tranh tiêu biểu có ý nghĩa sâu sắc được người làm tranh Đông Hồ sản xuất đó là các bức tranh Đám cưới chuột và Chuột rước rồng.
Trong bức tranh Đám cưới chuột, những nghệ nhân tranh Đông Hồ xưa nhân cách chú chuột mang tính cách con người, thể hiện sự châm biếm, đả kích kích chế độ phong kiến ngày xưa. Trong tranh, hình ảnh chú chuột khi đi rước dâu mang theo các cống phẩm như chim, cá, dàn nhạc, đại diện cho người lao động thấp cổ bé họng luôn bị áp bức, bóc lột. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị. "Chính sự tinh tế, khéo léo của những nghệ nhân tranh Đông Hồ, mà trong thời phong kiến dòng tranh vẫn phát triển thịnh hành" - Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khẳng định.
Bức tranh Chuột rước rồng, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của nhân dân. Bắc Ninh là tỉnh trên 500 lễ hội khác nhau, mỗi dịp Xuân về, người dân lại tưng bừng trảy hội. Hòa cùng không gian vui tươi đó, những chú chuột cũng ăn mừng.
Cùng với gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành chuẩn bị những bức tranh, chủ đề Tết mang nét riêng của mình.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, bên cạnh việc bảo tồn những dòng tranh quý ở địa phương, bà thường phát triển thêm nhiều đề tài khác nhau, trong đó có tranh về những di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Bắc Ninh như Chùa Dâu, chùa Bút Tháp (cùng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), thủy đình của Đền Đô (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)... Mặc dù tranh dân gian Đông Hồ trước đây không có đủ các con giáp nhưng mỗi khi đến năm con giáp nào, bà cũng sáng tạo những bức tranh về con giáp đó.
Riêng năm Canh Tý 2020, bên cạnh bức tranh Đám cưới chuột, Chuột rước rồng, …, bà còn sáng tạo ra bức tranh Chuột nghênh Xuân. "Trong văn hóa dân gian, chuột tuy nhỏ bé nhưng đứng đầu 12 con giáp, gắn liền với sự nhanh nhẹn, thông minh, tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng. Với hình ảnh tươi vui chú chuột ngồi trên cành đào, ngắm hoa, nghệ nhân khéo léo dùng hình ảnh nhân cách hóa chuột cũng giống như con người cùng mong muốn năm mới tài trí, tươi vui, đủ đầy" - Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Cần có biện pháp khẩn cấp bảo tồn dòng tranh quý
Hiện nay, tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mĩ của người dân thay đổi, "đầu ra" cho tranh gặp nhiều khó khăn nên chỉ còn một vài gia đình duy trì nghề cũ. Vì vậy, việc bảo vệ, giữ gìn nghề làm tranh dân gian này là vấn đề cấp thiết.
Đặc biệt điều quan trọng cần có những giải pháp thiết thực hỗ trợ những người lưu giữ nghề. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tâm sự rằng gia đình cụ hiện đang có 3 đời làm tranh, với mong muốn bảo tồn, quảng bá dòng tranh đến đông đảo mọi người, cụ thuê đất xây dựng khu trưng bày tranh. Đến nay, mỗi ngày khu trưng bày phục vụ miễn phí hàng chục đến hàng trăm khách du lịch. Tuy nhiên, gia đình nghệ nhân nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về giá thuê đất.
Trong thời gian tới, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế mong muốn Nhà nước có hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho người có công bảo tồn nghề làm tranh; đặc biệt, cần có chế độ chính sách công nhận Nghệ nhân, Nghệ nhân Ưu tú với những người tâm huyết với nghề.
Trao đổi về vấn đề bảo tồn dòng tranh quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết: Trước nguy cơ mai một làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp bảo tồn như: Lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030", Dự án "Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ. Đặc biệt, Bắc Ninh đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tranh dân gian Đông Hồ; chủ trì phối hợp các đơn vị xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Một trong những giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trong nhà trường, các địa điểm du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng về những cái hay, cái đẹp của tranh dân gian Đông Hồ so với các dòng tranh khác. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các gia đình, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ mở rộng cơ sở sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề. Cùng với đó, tỉnh quan tâm hoàn thiện hệ thống giao thông, nâng cấp các dịch vụ du lịch, gìn giữ môi trường sinh thái, cảnh quan không gian làng nghề...