Triển lãm do Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút (thuộc Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao) phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện, nhằm tôn vinh sự nghiệp giáo dục trồng người và truyền thống hiếu học của cha ông.
Triển lãm trưng bày gần 60 tác phẩm thư pháp viết bằng chữ quốc ngữ, do các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút thể hiện dưới nhiều hình thức như chân thư, thảo thư, ngẫu thư, thạch thư, đương đại… trên các chất liệu truyền thống như giấy dó và gốm.
Theo đó, các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút đã nghiên cứu nội dung các bài ký của 82 bia tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lựa chọn những câu văn, những đoạn trích chứa đựng tư tưởng về đạo trồng người, về việc chú trọng bồi đắp, lựa chọn hiền sỹ tài đức để giúp nước của các bậc hiền tài, minh quân thời trước làm chủ đề sáng tác và chuyển thể thành các tác phẩm thư pháp.
Cùng với hoạt động trưng bày các tác phẩm thư pháp, Triển lãm còn tổ chức một số hoạt động như giới thiệu về thư pháp Việt, giới thiệu trò chơi cờ chữ, trình diễn viết thư pháp, trải nghiệm viết thư pháp và viết tặng chữ thư pháp cho du khách…
Ông Bùi Chính Hưng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút cho biết: Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành biểu tượng của nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam, là di tích lịch sử văn hóa Nho học tiêu biểu nhất của Hà Nội và cả nước.
Nơi đây lưu giữ 82 tấm bia tiến sỹ - Bảo vật quốc gia đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi trường được mệnh danh “Đại học” đầu tiên ở Việt Nam, về truyền thống hiếu học, coi trọng hiền tài là trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam.
Chính vì vậy, các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút đã nghiên cứu nội dung các bài ký của 82 bia tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chọn những câu văn hay, những đoạn trích ý nghĩa để thể hiện trong các tác phẩm thư pháp của mình.
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm thể hiện tấm lòng trân quý của các tác giả với các bậc hiền nhân và những giá trị họ để lại cho chúng ta. Thông qua các hoạt động tại triển lãm lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống bằng hình thức thư pháp, nhằm đưa thư pháp đến gần hơn, thường xuyên hơn tới công chúng.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đánh giá, đây là một trong những triển lãm đặc biệt, bởi các tác giả đã thể hiện những ý tưởng uyên thâm, sâu xa của các trí thức, các nhà khoa bảng Việt Nam xưa về đạo trồng người được khắc ghi trên bia tiến sỹ bằng nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ để tạo nên những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp với Di sản Tư liệu thế giới, Bảo vật quốc gia 82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giúp công chúng có cơ hội thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thư pháp đặc sắc, đồng thời hiểu thêm về giá trị tiêu biểu của những bài văn bia tiến sỹ…
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 9/9/2019.