Phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc các triều đại tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 16/5, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên năm 2018 với tổng diện tích gần 1.000 m2.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học và cơ quan liên quan để góp ý kiến cho những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng, giá trị của các di tích đã xuất lộ tại hố khai quật khu vực chính Chính điện Kính Thiên năm 2018.

Chú thích ảnh
Khu vực điện Kính Thiên được tiến hành khai quật, thăm dò. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Các nhà khảo cổ học đã khai quật một hố nằm chếch về phía Đông Bắc di tích Chính điện Kính Thiên, phía Đông Bắc khu vực hành cung thời Nguyễn. Hố khai quật gồm 20 lớp đào, diễn biến địa tầng khá phức tạp, các lớp văn hóa có diễn biến theo tuần tự khá thống nhất giữa các vách địa tầng.

Các tầng văn hóa có sự thống nhất tương đối từ trên xuống dưới, từ lớp muộn nhất xuống sớm nhất. Các lớp văn hóa tương đối quy chuẩn tương tự như các tầng văn hóa đã khai quật trong các hố tại khu vực trước điện Kính Thiên.

Cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày gần 6,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.

Về di tích, cuộc khai quật làm xuất lộ một số dấu tích kiến trúc thuộc các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung Hưng. Di tích kiến trúc thời Nguyễn xuất lộ dấu tích nền gạch caro, dấu tích bồn hoa; thời Lê Trung Hưng xuất lộ dấu tích đường đi, móng đường đi, dấu tích hồ, ao, móng đá; thời Lê sơ còn một phần nền kiến trúc gạch chạy dài theo chiều Bắc - Nam, phần phía Đông bị dấu tích hồ, ao cắt phá.

Các dấu tích kiến trúc này đã bị phá hủy phần lớn bởi một ngòi nước sâu, có móng kè đá, tường gạch vồ quy mô rất lớn và kiên cố có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Ở đợt khai quật năm nay, hố khai quật còn xuất lộ dấu tích chân móng kiến trúc xây bằng đá. Theo các nhà khảo cổ dấu tích này chưa rõ chức năng nhưng rất kiên cố cho thấy vị trí quan trọng của khu vực điện Kính Thiên.

Về di vật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau gồm đồ đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại. Trong đó, số lượng lớn là gạch ngói, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng, men xanh thuộc thời Lê sơ. Những di vật này cho phép hình dung rõ thêm về loại "ngói Rồng" lợp mái cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ.

Theo nhà khoa học, các dấu tích kiến trúc và hệ thống di vật đã phát hiện trong cuộc khai quật năm 2018 tiếp tục phản ánh diễn biến phức tạp của các di tích lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội dưới lòng đất; góp thêm tư liệu làm rõ các giá trị to lớn, phong phú, đa dạng với 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và góp phần thực hiện Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên.

Đinh Thuận
Hà Nội hợp tác về khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long với thành phố Toulouse, Pháp
Hà Nội hợp tác về khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long với thành phố Toulouse, Pháp

Ngày 21/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse, Phó Chủ tịch vùng đô thị Toulouse, Chủ tịch nhóm hữu nghị Việt Nam thuộc Liên minh các thành phố Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN