Chia sẻ những câu chuyện về lịch sử phát lộ Hoàng Thành Thăng Long

Tối 12/12, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L’Espace phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Lịch sử phát lộ Hoàng Thành Thăng Long” nhằm chia sẻ những câu chuyện về quá trình khai quật khảo cổ tại Hoàng Thành Thăng Long của các nhà khảo cổ học.

Chú thích ảnh
Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20. Ảnh: hoangthanhthanglong.vn

Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2018) và 25 năm thành lập Trung tâm Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội (1993 - 2018).

Dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sỹ Andrew Hardy, Trưởng đại diện trường Viễn Đông Bác cổ; Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học; Phó Giáo sư Tiến sỹ Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, phụ trách dự án khai quật Hoàng thành Thăng Long; Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông, chuyên gia khảo cổ, Viện Khảo cổ học cùng nhiều nhà nghiên cứu tại Hà Nội.

Tiến sỹ Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhấn mạnh: Hội thảo là một sự kiện quan trọng, với những chủ đề liên quan đến quá trình hợp tác giữa các nhà khảo cổ Việt Nam và Pháp trong quá trình khai quật di tích tại Hoàng Thành Thăng Long. Nhiều công trình nghiên cứu của Pháp để lại và được giới nghiên cứu Việt Nam đánh giá rất cao trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa. Đây còn là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc ta.

Giáo sư Tiến sỹ Andrew Hardy, Trưởng đại diện trường Viễn Đông Bác cổ cho rằng: Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này đã trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam, chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử của thế giới và Việt Nam.

Chia sẻ về những quá trình trình khai quật di tích Hoàng Thành Thăng Long, Phó Giáo sư Tiến sỹ Tống Trung Tín, phụ trách dự án cho biết: Những nhát cuốc khai quật đầu tiên được tiến hành vào những năm 2002 đến 2004 chỉ nhằm thám sát mặt bằng cho công trình xây dựng Nhà Quốc hội. Những dấu tích đầu tiên được phát hiện đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cả nước và được các tổ chức quốc tế và UNESCO quan tâm.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000 m2 tại Trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).  Những phát hiện đã cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích, di vật quý.

Để tiếp tục nghiên cứu, khai quật di tích Hoàng Thành Thăng Long, Phó Giáo sư Tiến sỹ Tống Trung Tín nhấn mạnh: Đây là một công cuộc cần một thời gian rất dài; trong thời gian tới cần tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện điều tra và khai quật, xây dựng quy hoạch bảo tồn một khu vực di tích lịch sử  văn hoá của kinh thành Thăng Long.

Cũng tại hội thảo, cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long - Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” do Nhà xuất bản Thế giới và Viện Khảo cổ học xuất bản cũng được giới thiệu đến độc giả. Cuốn sách mang đến cho độc giả nhiều thông tin liên quan đến công tác khảo cổ và quá trình khai quật Hoàng Thành Thăng Long.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Triển lãm Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới
Triển lãm Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới

Ngày 23/11, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN