Tọa đàm khoa học quốc tế “Chia sẻ một số kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 6/9 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích lịch sử.
Sau 8 năm Hoàng thành Thăng Long được ghi danh Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tích cực phát huy giá trị và không ngừng mở rộng khai quật cổ học Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là di tích khảo cổ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam đã bảo tồn tại chỗ. Đến nay, Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là công trình mang ý nghĩa quan trọng, không ngừng tạo bước ngoặt cho việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích khảo cổ học tại Việt Nam mà còn mang đến những giá trị toàn cầu.
Do được trưng bày ngoài trời toàn bộ khu di tích, Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đang đối mặt với thách thức lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ bởi Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao, đặc biệt Hà Nội có lưu lượng mực nước ngầm lớn đã tác động đến công tác bảo tồn di sản.
Ông Nguyễn Cao Cường, đại diện nhóm nghiên cứu hợp tác cùng chuyên gia Jean - Marc Leotard đến từ Bỉ cho biết, từ 2010 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã bảo tồn và giữ được nguyên trạng di sản dưới lòng đất. Do tác động từ yếu tố môi trường, không chỉ việc khai quật gặp khó khăn mà ngay cả lúc đưa di vật lên mặt đất cũng khó bảo quản. Hiện một số di vật gỗ bị co ngót, biến dạng. Từ năm 2016 đến nay, cán bộ Trung tâm và chuyên gia khảo cổ học vùng Wallonie (Bỉ) đã cùng khảo sát trực tiếp khu di tích, lấy số liệu cụ thể về môi trường để có kế hoạch nghiên cứu bảo tồn các di sản cổ vật.
Bà Anne Lange - Trưởng đại diện phái đoàn vùng Wallonie (Bỉ) cho biết, năm 2017, đoàn chuyên gia khảo cổ thành phố Hà Nội đã sang làm việc tại Trung tâm khảo cổ của Bỉ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn di vật nói chung và bảo tồn di vật tại Hoàng thành Thăng Long nói riêng. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần lắp đặt máy đo khí hậu và đo đất thổ nhưỡng, cùng với đó Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần phối hợp với các ngành nghề khác khác để xác định rõ hơn những yếu tố gây hại tới di tích, đảm bảo gìn giữ di sản.
Với công tác bảo quản di tích, di vật, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đưa ra các phương án sử dụng những hóa chất thân thiện môi trường. Ông cho biết, gỗ khảo cổ ngập nước thường co ngót và biến dạng lớn khi sấy khô do mức độ suy giảm cấu tạo tế bào gỗ trở nên rỗng và xốp. Hiện nay có 3 hóa chất có thể xử lý gỗ khảo cổ ngập nước là các chất polyethylene (PEG), trehalose và keratin đều có khả năng dẫn đến sự ổn định kích thước cao. Mục đích chính của bảo tồn gỗ khảo cổ ngập nước là ngăn chặn những thay đổi kích thước gỗ do sự co rút và sụp đổ các tế bào gỗ đã bị suy yếu. Qua các kết quả nghiên cứu với 3 mẫu hóa chất trên, kết quả mẫu vật sử dụng hóa chất keratin có khả năng khả quan nhất. Phương pháp keratin có thời gian ngâm tẩm ngắn, kết quả thẩm mỹ tốt, keratin không điền đầy ruột gỗ và cấu trúc gỗ còn mở; điều đó có nghĩa có thể loại bỏ được keratin trong gỗ nếu cần thiết trong tương lai.
Kết thúc buổi tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia lưu ý, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần khảo sát kỹ các chi tiết công trình di tích và phương án sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Trung tâm cần thử nghiệm và làm báo cáo kỹ lưỡng, chuyên sâu để có kết quả cao trước khi đưa vào sử dụng cho các di tích, di vật. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hợp tác sâu hơn với những nước đang hợp tác để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ di vật gỗ cổ là di vật rất khó bảo quản; tiếp tục nghiên cứu bảo tồn gỗ trên nền nhiệt khí hậu hiện nay và đưa ra kế hoạch phù hợp để bảo tồn di sản.