Triển lãm gồm hơn 60 phiên bản Mộc bản, tài liệu, hình ảnh về quy mô, kiến trúc, quá trình xây dựng Hoàng thành Thăng Long. Đây là triển lãm đầu tiên khai thác đa dạng, phong phú nguồn tư liệu Mộc bản triều Nguyễn kết hợp với tư liệu hình ảnh di tích, khảo cổ học khu di sản Hoàng Thành Thăng Long; đồng thời là nguồn sử liệu gốc có giá trị lớn về nhiều mặt.
Triển lãm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ VII-XIX, trải dài qua các thời kỳ từ Tiền Thăng Long, đến Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Ngoài ra, triển lãm cũng nhằm khẳng định giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và là trung tâm quyền lực kế tiếp nhau của Việt Nam trong hơn 1000 năm lịch sử.
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” không chỉ là minh chứng xác thực về quá trình hình thành, phát triển của Kinh đô Thăng Long xưa, nguồn sử liệu này còn có ý nghĩa lớn cho việc nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo các cung điện, lầu, gác ở Kinh thành Thăng Long xưa đã bị tàn phá bởi nhiều yếu tố trong lịch sử.
Bên cạnh đó, các tài liệu phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động về thời đại hưng thịnh của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như triều Lý, Trần, Lê, Mạc.
Cũng trong sáng 23/11, cùng với hoạt động triển lãm, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nộiđã diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.
Lễ ký kết nhằm phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm và xuất bản các ấn phẩm để công bố, giới thiệu di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; các tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nói chung, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long và khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa nói riêng.
Chương trình hợp tác này nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người, văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội và giá trị các loại hình di sản đến với công chúng trong, ngoài nước. Qua đó, góp phần thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu, văn hóa lịch sử.
Dịp này, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, biểu diễn múa rối nước phục vụ khách tham quan đã diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội mở cửa miễn phí tham quan trong ngày 23/11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.