NSƯT Tạ Minh Thảo: Góp mật cho đời…

Tạ Minh Thảo vốn là một diễn viên kịch. Anh gắn bó, tận tụy với nghề này và thành danh cùng với nó. Là một người lính từng kinh qua chiến tranh và trưởng thành trong nhà trường quân đội, với trên ba chục năm theo nghề, anh đã có mặt trong 30 vở diễn chuyên nghiệp với bốn vai diễn cho Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị QĐND VN, 24 vai diễn ở Đoàn Kịch nói Thái Bình và 2 vai diễn cho Đoàn Kịch Công an nhân dân.

Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Minh Thảo.

Các vai diễn của anh khá đa dạng và phong phú về số phận và tính cách. Vì lợi thế thể hình và khả năng diễn xuất, anh có thể vào vai dưới nhiều dạng nhân vật khác nhau. Già dặn, trải đời như Đế Thích "Hồn Trương Ba da hàng thịt", Già bản "Người lang thang không cô đơn", Cả Bân "Vai diễn giữa đời thường", ông Huy "Ngổn ngang đời thường"... sâu sắc, điềm đạm, chín chắn như Bí thư Giảng "Thời gian im lặng", Hoàng Nhân "Cơn lốc đời người", gian giảo, xảo trá, nông cạn, thực dụng như bác sỹ Vượng "Số phận người cha", Chủ tịch Quách Văn Tần "Lời thề thứ chín", Lý Cường "Chí Phèo", Chạch "Đã một lần"...

Ở nhân vật nào, dù chính diện hay phản diện, anh cũng tìm ra được cho mình cách diễn bình dị, không khoa trương ồn ào nhưng khá sâu sắc. Nó cũng giống như anh ở ngoài đời vậy: Đằng sau cái vẻ ngang tàng, bụi bặm, rất "ngầu" của anh ẩn chứa một tấm lòng đôn hậu, chân thành nhưng rất rõ ràng quyết đoán trong suy nghĩ và hành động.

Những người quý mến, gần gũi anh cũng vì những nét cá tính đó. Anh không nói nhiều mà khẳng định mình qua công việc và lối sống. Và, với lòng đam mê nghệ thuật đến cháy lòng, với sự kiên cường vượt qua những trở ngại trong cuộc sống và nghề nghiệp, Thảo thực sự trở thành một "chú lính chì dũng cảm" trong môi trường nghệ thuật rộng lớn không chỉ với tư cách là một diễn viên kịch, một đạo diễn với nhiều mảng màu đa dạng, đa tầng, một diễn viên điện ảnh gần gũi và được khán giả yêu mến; mà hơn thế nữa, với nhiều diễn viên học sinh thì Tạ Minh Thảo còn là một người thầy.

Anh là cộng tác viên thường xuyên có mặt trong các giờ lên lớp của các trường Cao đẳng VHNT Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, trực tiếp giảng cho sinh viên về nghệ thuật biểu diễn, về tiếng nói và hình thể... trong nhiều năm qua. Với học trò, Thảo là một người thầy nghiêm khắc, nhưng gần gũi và rất đáng trân trọng.

Anh chịu khó học tập, xông xáo, sáng tạo tìm hướng đi cho mình trong cả đời thường và trong nghệ thuật, rất chăm chỉ làm việc. Đó cũng là nét riêng làm nên những thành công của anh. Là diễn viên duy nhất của Đoàn Kịch Thái Bình tốt nghiệp hệ chính quy Trung cấp Diễn viên Kịch, Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị khóa 1974 - 1976, nhưng Thảo không chỉ là như thế.

Như nhiều người, với vốn nghề sẵn có, và khả năng của mình anh có thể đảm trách được khá nhiều công việc khác ngoài cương vị là một diễn viên. Nhưng anh đã chọn con đường học tập. Anh là diễn viên duy nhất ở Đoàn Kịch Thái Bình tốt nghiệp lớp Đạo diễn Sân khấu, trường Đại học SKĐA Hà Nội năm 2002 và đã có cho mình bốn chương trình hài kịch gồm 12 vở diễn cho Đoàn Kịch Thái Bình và ba vở cho Đoàn Kịch nói Hà Tây (cũ).

Trong hành trang sân khấu của mình anh đã được trao tặng 7 huy chương trong các kỳ Hội diễn SKCN toàn quốc và khu vực. Tạ Minh Thảo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 2007.

Nhưng khán giả cả nước biết đến anh nhiều nhất lại là điện ảnh. Điện ảnh ghi nhận anh ở một lĩnh vực nghệ thuật khác và đưa anh lại gần với quảng đại quần chúng nhân dân. Vào cái thời mà khán giả còn phải xếp hàng mua vé phân phối đi xem phim thì Thảo đã có cho mình được những vai diễn điện ảnh đầu đời. Đó là một vai trong phim "Lính hải quân" do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1978. Kể từ đó đến nay anh đã có mặt trong bốn mươi bộ phim với rất nhiều vai diễn khác nhau như phim "Anh sẽ về", "Nga" (1996); "Câu chuyện xóm chèo" (1997); "Người thừa kế dòng họ", "Những con nhện xanh" (1998); "Mùa lá rụng" (1999), "Những ngọn nến lung linh" (2000), "Đường đời" (2001); "Dòng sông phẳng lặng (2004) v.v...



Nhưng có lẽ anh trở nên gần gũi với khán giả hơn khi anh thường xuyên xuất hiện trong một sêri dài các phim cảnh sát hình sự. Đó là "Hồ hang rắn" 40 tập (1999); "Lá thư tuyệt mệnh" 10 tập (2005). "Lời sám hối muộn màng" 10 tập (2006); "Luật đời" 26 tập (2007); "Đội đặc nhiệm H88" 20 tập (2008); "Phá vỡ im lặng" 10 tập; "Đầm lầy bạc" 20 tập (2009); "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" 37 tập (2009)... cũng như sân khấu, các vai diễn của Thảo trong điện ảnh mang đủ sắc thái những cuộc đời.

Không chỉ có sân khấu và điện ảnh, trong cuộc đời mình Thảo cũng đã may mắn có được một số vai diễn truyền hình khác trên VTV1 từ năm 1976 đến nay. Đó là các vai trong: "Tắt đèn", "Bông hồng vàng", "Không phải chuyện cổ tích", "Vị khách đến từ Thượng Hải", Nguyễn Huệ ở Thăng Long"...

Riêng năm 2010, Tạ Minh Thảo đã có mặt trong bốn bộ phim truyện và phim truyền hình. Đó là "Phía cuối cầu vồng" (40 tập, Hãng phim Trần Gia - VTV) "Trái tim kiêu hãnh" (70 tập, Hãng phim truyện Việt Nam, "Chủ tịch tỉnh” (40 tập, Hãng phim THVN).

Nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tạ Minh Thảo càng vinh dự hơn khi anh lại có mặt trong bộ phim truyện nhiều tập "Thái sư Trần Thủ Độ" (30 tập, Hãng phim truyện Việt Nam) với vai Đông hải đại vương - Tướng quân Đoàn Thượng. Đó là một bộ phim có quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay, hội tụ nhiều diễn viên tài năng của cả ba miền Bắc Trung Nam và có sự hợp tác toàn diện nhất với điện ảnh Trung Quốc.

Linh Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN